Ám ảnh 'quái xế' tuổi teen

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng.

Vấn nạn nhức nhối

Những đêm cuối tuần, không ít tuyến đường trở thành đường đua của các nhóm thanh, thiếu niên lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu để thể hiện bản thân và “tài năng” trước đám đông. Thế nhưng, hệ quả của những phút giây “chơi ngông” này không chỉ dừng lại ở những tràng pháo tay hay những tiếng hò reo. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, khi các “quái xế” không kiểm soát được tốc độ, dẫn đến va chạm, ngã xe, thậm chí tử vong. Một số vụ việc còn khiến người đi đường gặp nạn, gây ra những hậu quả đau lòng, mất mát không thể bù đắp.

Nguyễn Hồng Nhung chạy xe tốc độ cao tông trúng nạn nhân dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 3/11.

Nguyễn Hồng Nhung chạy xe tốc độ cao tông trúng nạn nhân dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 3/11.

Điển hình, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều vụ đua xe đã trở thành tin tức nóng bỏng trên truyền thông khi cả nhóm hàng chục chiếc xe máy độ, chế rú ga bị cảnh sát truy đuổi. Trong những tình huống đó, việc ngăn chặn không chỉ gặp khó khăn vì tốc độ cao mà còn vì sự liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm của các tay đua trẻ tuổi. Hậu quả là không ít người đã mất mạng hoặc phải gánh chịu những chấn thương nghiêm trọng suốt đời.

Vụ tai nạn kinh hoàng khiến cô gái trẻ tử vong tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào rạng sáng 3/11 vừa qua vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Cô gái đang dừng đèn đỏ thì bị nhóm “quái xế” đi ngược chiều tông mạnh vào xe, hất văng xuống đường và tử vong tại chỗ. Xem lại clip được chia sẻ trên mạng xã hội và báo chí, nhiều người không khỏi rùng mình. Vụ việc diễn ra chỉ trong 16 giây, một cô gái trẻ với bao ước mơ, hoài bão đã mãi mãi ra đi, để lại cho người thân, bạn bè và xã hội sự đau xót, tiếc nuối. Không hiểu, khi xem clip ấy, nhiều bậc phụ huynh có giật mình ám ảnh khi nghĩ rằng biết đâu ngoài kia, con mình cũng đang gào rú cùng tiếng nẹt pô tốc độ hay không, hay có đang dừng chờ đèn đỏ như cô gái xấu số kia không?

Liên quan đến vụ việc đau lòng trên, ngày 14/11, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố đối với 20 bị can để làm rõ nhiều hành vi. Điều đáng buồn là phần lớn những “quái xế” này đều đang trong độ tuổi vị thành niên.

Các “quái xế” bị triệu tập trong vụ đoàn xe tông trúng nạn nhân dừng chờ đèn đỏ.

Các “quái xế” bị triệu tập trong vụ đoàn xe tông trúng nạn nhân dừng chờ đèn đỏ.

Trước đó, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng đã khởi tố 7 thanh niên từ 17 đến 19 tuổi về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngày 19/10, nhóm thanh niên di chuyển từ Sóc Sơn đến khu vực hồ Tây chơi. Đến rạng sáng hôm sau, cả nhóm rủ nhau ngược về huyện Phổ Yên, Thái Nguyên, lấy dao phóng lợn tự chế đi chơi tiếp.

Cả nhóm sau đó phóng xe máy tốc độ cao dọc quốc lộ 3 gây mất an ninh trật tự, gây sợ hãi cho người đi đường. Tối 21/10, nhóm này tiếp tục mang “dao phóng lợn” chạy khắp các tuyến đường ở huyện Sóc Sơn, gây náo loạn trên địa bàn.

Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức các đợt truy quét, tình trạng đua xe trái phép vẫn diễn ra tại các cung đường như Lê Duẩn, Đại Cồ Việt, Giải Phóng và các khu vực ngoại ô giáp ranh như Long Biên, Sóc Sơn. Các nhóm đua xe thường là thanh, thiếu niên với khuôn mặt còn rất trẻ, liều lĩnh lạng lách, đánh võng, thậm chí “trình diễn” trên đường phố. Không ít nhóm còn mang theo hung khí “diễu phố” tìm chém đối thủ hoặc chém bất cứ ai đi đường mà chúng ngứa mắt. Khi gặp cơ quan chức năng, chúng sẵn sàng tăng tốc bỏ chạy hoặc đâm vào lực lượng chức năng để thoát thân.

Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau như nhiều gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát chặt chẽ, dễ dẫn đến việc các em tự do hành động mà không lường trước hậu quả. Ngoài ra, có trường hợp cha mẹ chiều chuộng, cung cấp xe máy mà không kiểm soát kỹ. Để biện minh việc cho phép con cái đi xe máy khi chưa đủ tuổi, một số phụ huynh cho rằng, việc trang bị xe máy cho học sinh giúp các em thuận tiện hơn, đỡ vất vả hơn trong việc đi học hoặc “để bằng bạn, bằng bè”. Chính sự thương con sai cách này của các bậc cha mẹ đã “tiếp tay” cho con trẻ vi phạm và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Tình trạng tụ tập bạn bè và tác động từ bạn bè cũng là yếu tố quan trọng. Khi thấy bạn bè cùng trang lứa đua xe, một số thanh, thiếu niên dễ bị cuốn theo. Tụ tập, rủ rê, đua xe diễu phố đang trở thành một hiện tượng, một trào lưu trong thanh, thiếu niên. Nhiều hội nhóm được lập ra chỉ để thỏa mãn đam mê tốc độ của giới trẻ. Các hội nhóm này thường xuyên chia sẻ clip nẹt pô, rú ga, mang theo hung khí khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển kiểm soát,... gây mất an ninh, trật tự. Các đối tượng đăng lên mạng xã hội như một “chiến tích” đáng tự hào để câu like, câu view. Đặc biệt, những hội nhóm này còn là nơi để thông báo, hẹn nhau tổ chức các cuộc đua xe trái phép hay thách thức nhau.

Tăng cường xử phạt vi phạm và tuyên truyền cho học sinh, các bậc cha mẹ tại điểm trường.

Tăng cường xử phạt vi phạm và tuyên truyền cho học sinh, các bậc cha mẹ tại điểm trường.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng khiến giới trẻ tham gia hội, nhóm đua xe trái phép là khả năng làm chủ, khao khát thể hiện bản thân của lứa tuổi vị thành niên. Đây thực sự là yếu tố khó nói, là nỗi canh cánh của nhiều ông bố, bà mẹ trong việc đồng hành cùng con, đặc biệt là lứa tuổi ở ngưỡng cửa trưởng thành. Lúc này gia đình cần thể hiện vai trò quan trọng trong việc giáo dục và giám sát con em mình.

Tăng cường quản lý từ chính gia đình

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, hoạt động đua xe trái phép ở các đô thị lớn như Hà Nội là rất đáng lo ngại. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn.

Theo bà Nga, hầu hết các cuộc đua xe diễn ra vào đêm muộn, đường phố vắng người, né tránh lực lượng chức năng. Các đối tượng trước khi đua xe tụ tập tự phát, sau đó rủ nhau một câu là sẽ... “lên đường”. Do vậy, hầu hết phụ huynh khi được thông báo về tình trạng trên đều rất ngạc nhiên, không hề biết con mình tham gia hay có ý định như vậy.

Đại biểu Việt Nga cho rằng, quy định pháp luật đã khá chặt chẽ, chế tài xử phạt cũng nghiêm minh. Vì vậy, nữ đại biểu lưu ý đến yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội, đặc biệt, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. Bởi, nếu đua xe đã xảy ra thì việc ngăn chặn khó khăn, thậm chí còn có hậu quả thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

Dẫn Luật Tư pháp người chưa thành niên mà Quốc hội đang cho ý kiến, đại biểu Việt Nga cho rằng, nhiều quy định trong dự án luật mang tính nhân văn, chú trọng biện pháp xử lý chuyển hướng, tạo điều kiện cho người vị thành niên làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, đại biểu lo lắng khi báo cáo Chính phủ nêu trẻ chưa thành niên phạm tội nhiều, có xu hướng tăng lên và tội phạm ngày càng trẻ hóa.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Việt Nga, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, ngoài ý thức của một bộ phận thanh niên, khi xảy ra sự việc, nhiều bậc phụ huynh cũng “kiếm cớ” đổ tại con tự ý lấy xe đi ra đường. Khẳng định thanh thiếu niên là người cần bảo vệ để bảo đảm tính nhân văn, nhưng theo ông Hòa, những đối tượng manh động, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông, đánh người gây thương tích thì phải xử lý thật nghiêm và ”không nằm trong diện cần nhân văn”.

Phân tích vấn đề này, Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng, Trưởng Công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, để các thanh, thiếu niên trở thành một “quái xế” thì phải 3 yếu tố: phải có đội nhóm, có xe và có tâm lý muốn thể hiện. Vì thế, để quản lý con em mình, theo Trung tá Khánh Tùng: “Cần phải tăng cường quản lý “3 có” để quản lý con, em chúng ta không vi phạm. Một là con, em có tham gia các hội nhóm có nguy cơ vi phạm pháp luật không? Hai là con, em có được giao phương tiện đúng quy định không? Ba là con, em có tâm lý thích thể hiện những việc vi phạm pháp luật không. Ngoài ra, cần nâng cao mối liên hệ thường xuyên giữa gia đình, nhà trường và quản lý các mối quan hệ bạn bè, xã hội của con, em chúng ta”.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm.

Thực tế kiểm tra tại các bãi trông xe tự phát ở các cổng trường học cho thấy, không ít học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 110-125 cc. Có những bạn đi xe máy từ năm học lớp 10. Hiện, công an Phường Lê Đại Hành đang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm trường trên địa bàn, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, học sinh không sử dụng phương tiện xe máy trái quy định.

Liên quan đến vụ việc nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội ngày 3/11, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an TP Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Hiện nay, lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, xử lý các nhóm thanh thiếu niên vi phạm. Những hình thức xử phạt như tịch thu phương tiện, phạt hành chính, xử lý vi phạm hành chính nặng cũng đã được áp dụng. Mới đây, tại Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất xử lý mạnh tay đối với các hành vi đua xe trái phép. Những cá nhân tụ tập cổ vũ, xúi giục, giúp sức cho hành vi đua xe trái phép sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép, mức phạt sẽ từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng gấp 5 lần mức xử phạt đối với cha mẹ, người giám hộ giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện (mức phạt cũ từ 4-6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 28-30 triệu đồng). Những đề xuất này được nhiều người đồng tình ủng hộ. Bởi, rõ ràng, hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, là những hành động hết sức đáng lên án, thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác. Việc nâng chế tài xử phạt là một hình thức răn đe, nâng cao ý thức để ngăn chặn từ sớm, từ xa các “quái xế” có ý định tụ tập khoe “tay lái lụa”.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/am-anh-quai-xe-tuoi-teen-i750508/