Ấm áp bữa cơm chiều cuối năm
Chiều 30 tết, mọi người gác lại những tất bật của công việc để về quây quần bên bữa cơm gia đình. Có xa quê mới cảm nhận hết nỗi nhớ nhà, nôn nao về để được sum vầy bên mâm cơm ngày cuối năm.
Thành phố lớn tết đến càng cô đơn
Kẻ bôn ba chỉ muốn quay lối về nhà
Về bên nhau nghe nàng xuân kể chuyện
Tết đong đầy bữa cơm nghèo đoàn viên…
Bất chợt nghe bài hát vào ngày cuối năm mà không khỏi nôn nao. Ai dù có đi đâu, về đâu, đến ngày 30 tết cũng nôn nao trở về nhà vì nơi đó có cha mẹ, người thân đang chờ.
Những ngày cận tết, ông Nguyễn Văn Lợi (93 tuổi, ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) lại trông ngóng con, cháu. Một năm dài, đứa làm việc nơi này, đứa sinh sống nơi khác, đến tết mới có dịp họp mặt đông đủ, không mong sao được! “Đợi tụi nhỏ về ăn cơm, nhớ tụi nó lắm! Năm nào 30 tết, tụi nó cũng về đông đủ, ăn cơm chung, tối đón giao thừa. Cả năm trông có mấy ngày này!” - ông Lợi nói.
Chiều 30 tết, đường phố vắng hơn, nhà nhà bày biện những món truyền thống lên bàn ăn như miền Bắc thì có bánh chưng, canh măng, miến xào, giò lụa,…; miền Trung thì có bánh tét, giò chả, gà bóp rau răm, thịt heo luộc,…; miền Nam thì có bánh tét, thịt kho hột vịt, chả giò,…
Những mâm cơm đa dạng món, phong phú theo mỗi vùng, miền. Mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa riêng, như món thịt kho hột vịt luôn có trong mâm cơm ngày tết với mong muốn con cháu sum vầy và tưởng nhớ đến công ơn của người đi trước, món canh khổ qua mang ý nghĩa hy vọng mọi điều “khổ”, xui rủi sẽ qua đi,…
Dù với ý nghĩa như thế nào, những món ăn của mỗi gia đình khác nhau ra sao thì tất cả đều có chung mong muốn một bữa cơm chiều cuối năm đầm ấm, vui vẻ bên người thân. Bữa cơm này không chỉ để no bụng mà là dịp để mọi người quây quần bên nhau hàn huyên tâm sự, kể nhau nghe về năm qua, đón chào một năm mới trọn vẹn.
Chị Nguyễn Điền Ninh (phường 2, TP.Tân An) bộc bạch: “Sau nhiều năm xa quê hương, bôn ba xứ người, ai cũng muốn về nhà, tìm về một chút bình yên bên gia đình và tôi cũng vậy. Tôi nhớ như in những hương vị quê hương, nhớ những ngày còn nhỏ, cuộc sống có phần khó khăn nhưng đến ngày tết, cha mẹ tôi vẫn cố gắng chuẩn bị đầy đủ các món thịt kho hột vịt, canh khổ qua,… để cúng tổ tiên. Dù có đi đâu thì dịp tết, tôi vẫn muốn trở về nhà, bên cạnh người thân cùng nhau thưởng thức bữa cơm chiều cuối năm”.
Bây giờ điều kiện kinh tế tốt hơn nên đồ ăn, thức uống không thiếu nhưng ngon nhất vẫn là món ăn mẹ nấu vì chất chứa cả sự yêu thương.
Trải qua bao nhiêu thử thách và khó khăn vẫn cảm thấy mình thật hạnh phúc vì còn có gia đình, cha mẹ và các anh chị em trong nhà. Khi trở về, gặp được tất cả các thành viên, mọi khó khăn, mệt mỏi đều tan biến, nhường lại cho những tiếng cười rộn ràng, tươi vui chào đón một năm mới lại đến, một mùa Xuân Giáp Thìn năm 2024 an lành, bình yên./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/am-ap-bua-com-chieu-cuoi-nam-a171041.html