Ấm áp bữa cơm tất niên

Trong tâm thức mỗi người dân Việt, bữa cơm tất niên luôn đong đầy cảm xúc. Đó là bữa cơm đoàn viên, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng với sự có mặt của tất cả các thành viên, thưởng thức những món ăn của bà, của mẹ và kể cho nhau nghe về công việc của năm đã qua, dự định của một năm sắp tới.

Sáng sớm 28 Tết, bà Ngô Kim Loan, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã cùng con dâu đi chợ, mua sắm thực phẩm để nấu bữa cơm tất niên. Bà chia sẻ: “Không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Năm nay, gia đình bà có nhiều niềm vui mới, con trai, con dâu có công việc ổn định, cháu trai vừa mới chào đời nên Tết này cả nhà đều vui mừng, phấn khởi. Những ngày cuối năm, tuy tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ trang trí… nhưng mâm cơm tất niên luôn được chuẩn bị chu đáo, tươm tất gồm các món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem rán, canh bóng mọc... được nấu với tất cả tấm lòng thành kính và yêu thương.”

Gia đình ông Hoàng Huy Khánh, tổ 7, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) quây quần bên nồi bánh chưng vào ngày Tết.

Gia đình ông Hoàng Huy Khánh, tổ 7, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) quây quần bên nồi bánh chưng vào ngày Tết.

Với nhiều gia đình trẻ, họ có cách đón Tết thoải mái hơn, đơn giản hơn, nhưng không vì thế mà quên đi truyền thống đáng quý của dân tộc. Anh Nguyễn Thanh Tùng, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, Tết năm nay là cái Tết thứ 3 anh chị ra ở riêng, tuy chỉ có 2 vợ chồng và con nhỏ nhưng anh chị vẫn chuẩn bị một bữa cơm tất niên tươm tất. Tất cả thực phẩm đều được mua ở siêu thị, việc mua sắm đồ nhanh gọn hơn, những nghi lễ không quá cầu kỳ nhưng vẫn luôn đầy đủ những đồ cần thiết. Trong bữa cơm, cả nhà ai cũng cười nói rộn rã, con gái anh rất vui vì năm nay được mẹ đồng ý cho tự cuốn nem và được bố cho trang trí cành đào. Không khí Tết cũng từ đó nhẹ nhàng lan tỏa chờ đến thời khắc giao thừa.

Năm nay là một năm đặc biệt với chị Hoàng Tuyết Mai, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) vì chị được về quê ăn Tết ở nhà ngoại sau 5 năm làm dâu ở Hà Nội. Trong bữa cơm tất niên năm nay, các con chị được ở gần ông bà ngoại, còn chị được trở về với những ký ức, kỷ niệm thân quen bên bố mẹ. Cùng bố thịt gà, gói bánh chưng, cùng mẹ sên những chảo mứt dừa, mứt bí thơm ngon… Chị tự nhủ, những cái Tết sau cũng phải về ngoại thường xuyên hơn để ông bà được quây quần bên con cháu và hơn hết là gắn kết được tình cảm của đại gia đình.

Bữa cơm tất niên sum họp của gia đình bà Vũ Thị Viên, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Bên cạnh những người được trở về nhà sum họp vào bữa cơm tất niên, rất nhiều người vì học tập, công việc không thể trở về nhà vào dịp năm mới, họ gửi gắm nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương qua những cuộc điện thoại hay tự mình nấu một bữa cơm tất niên nơi đất khách. Anh Nguyễn Ngọc Cường, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) là du học sinh năm thứ 2 tại Vương quốc Anh chia sẻ, năm nay anh không về Việt Nam ăn Tết do vướng chương trình học. Những ngày cuối năm anh cảm thấy rất nhớ gia đình và không khí của Tết truyền thống. Trong thời khắc cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên anh đã gọi video về nhà để được nhìn thấy mọi người và chia sẻ những cảm xúc yêu thương, để từ đó có thêm động lực cố gắng trong học tập và cuộc sống ở nước ngoài.

Bữa cơm tất niên luôn điều hết sức thiêng liêng, nó trở thành sợi dây vô hình nối liền các thế hệ trong gia đình, nhắc nhở những người con dù đi xa đến đâu cũng nhớ bước chân quay về sum họp.

Hoàng Minh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/am-ap-bua-com-tat-nien-127839.html