Ấm áp hai tiếng 'đồng bào'

Ngày 19-3, kiều bào Vũ Đức Lượng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, đáp chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội.

Ngồi chờ ở sân bay, bất giác bên tai anh văng vẳng những âm thanh quen thuộc: “Loa, loa, loa! Đã đến giờ, mời bà con tập trung”. Ký ức về 14 ngày cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long mới đây lại ùa về trong tâm trí của kiều bào trẻ này.

Hành trình cách ly nhiều kỷ niệm

Một ngày đầu tháng 3, những chuyến xe quân đội được xe cảnh sát giao thông dẫn đường xuyên qua các cung đường đông đúc của TP Cần Thơ đúng giờ tan tầm, rồi xé tan màn đêm yên bình của tỉnh Vĩnh Long đưa 241 kiều bào và công dân Hàn Quốc đến từ 42 tỉnh, thành phố tới Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những địa điểm cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực miền Nam.

Điểm cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long được chia làm hai khu: Một khu dành cho những người đi qua hoặc ở vùng tâm dịch Daegu/Gyeongbuk. Khu thứ hai dành cho những người còn lại (là người ngoại quốc, các gia đình, người có bầu, du học sinh, lao động…). Toàn bộ người đi cách ly đã được trải nghiệm “14 ngày quân ngũ” với các chế độ trong ngày: Sáng dậy tập thể dục, ngày 3 bữa với thực đơn đa dạng, được nhân viên y tế đo nhiệt độ 2 lần/ngày. “Bất ngờ với những bữa cơm ngon miền Tây hằng ngày, mỗi ngày lại có một thực đơn thay đổi, đặc biệt bữa nào cũng có tôm. Thời gian rảnh, mỗi người chọn cho mình một niềm vui/sở thích: Đọc sách, đi dạo, xem ti vi, học bài…”, Vũ Đức Lượng chia sẻ.

 Kiều bào Hàn Quốc giúp bộ đội nấu ăn tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Kiều bào Hàn Quốc giúp bộ đội nấu ăn tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sau 14 ngày cùng sinh hoạt trong khu cách ly, mặc dù khác nhau về vùng miền, về văn hóa nhưng một sợi dây vô hình đưa họ trở thành gia đình đặc biệt. Từ những giây phút lo lắng ban đầu, các thành viên nhanh chóng đến với nhau bằng sự chân thành, sẻ chia và đồng cảm. Họ trao đổi với nhau về cuộc sống nơi đất khách quê người, về những dự định sau khi về Việt Nam. Có lẽ không ai tưởng tượng được trong hoàn cảnh cách ly, đàn ông vẫn tổ chức ngày 8-3 cho chị em. Buổi tiệc tuy không có hoa nhưng với chiếc bánh kem siêu to, những trò chơi vui nhộn đã gắn kết, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.

Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn, “gia đình cách ly” đã tổ chức thành công chương trình “Kiều bào chung tay” hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những xã nghèo có gần 3.000 hộ với hơn 12.000 nhân khẩu, trong đó hơn 40% là đồng bào dân tộc Khmer.

Ấm áp tình quân - dân

Vũ Đức Lượng từng là thành viên đoàn kiều bào tiêu biểu ra thăm, tặng quà nhân dân, cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2018. Chuyến thăm này để lại trong anh ấn tượng sâu sắc về lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ quê hương, Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Còn với 14 ngày cách ly tại tỉnh Vĩnh Long, anh lại có thêm cơ hội tìm hiểu về cuộc sống chiến sĩ-những người hùng thầm lặng để cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19. “Khi chúng tôi dậy tập thể dục buổi sáng thì các anh tất bật chuẩn bị thực phẩm. Khi chúng tôi nghỉ ngơi, các anh lại tập trung nấu cơm, chia cơm tới từng phòng rồi lại dọn dẹp, lên thực đơn cho ngày hôm sau. Đều đặn ngày 3 bữa, mỗi bữa ăn là một thực đơn khác nhau. Thương các anh vất vả, chúng tôi tự bảo nhau phụ nhặt rau, rửa đồ, dọn dẹp khu nhà bếp”, Vũ Đức Lượng cho hay.

Nửa tháng cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long, những kiều bào trẻ như Vũ Đức Lượng đã cảm nhận được cái hay, cái thực trong lời những bài hát như: “Hát về anh”, “Hát mãi khúc quân hành”… Anh nhấn mạnh: “Được sống trong môi trường quân đội, tôi càng thấy tự hào về quê hương Việt Nam. Tuy điều kiện đất nước còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, quân đội đã hỗ trợ tối đa cho người con xa xứ về quê hương trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp".

14 ngày trôi qua cũng là lúc “gia đình cách ly” nói lời tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long. Những cái ôm siết chặt, ánh mắt thay lời muốn nói và đã có những giọt nước mắt rơi… khiến giờ chia tay đầy bịn rịn. Với mỗi người con ở xa Tổ quốc như Vũ Đức Lượng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi trở về quê hương vẫn đầy ắp hai tiếng “đồng bào”.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/am-ap-hai-tieng-dong-bao-612874