Ấm áp miền Tây

Những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi có dịp đến với các xã nằm trên trục đường Hồ Chí Minh nhánh Tây huyện Hướng Hóa để cảm nhận sự đổi thay của những bản làng mà mới cách đây vài tháng thôi đã bị nhấn chìm trong lũ dữ. Những mảnh vườn, thửa ruộng bị nước ngập và vùi lấp do sạt lở núi giờ đây cây cối đã xanh trở lại; những ngôi nhà vừa mới được tu sửa hoặc xây mới vững vàng ngay trên mảnh đất bị lũ nhấn chìm và sạt lở đất gây ra. Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô đang háo hức đón chờ một năm mới đang về...

 Đường vào xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa - Ảnh: NV

Đường vào xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa - Ảnh: NV

Chị Hồ Thị Phan, thôn Cù Bai, xã Hướng Lập nói với chúng tôi: “Mùa xuân năm nay đặc biệt hơn những mùa xuân trước vì nhiều bản làng ở đây vừa phải trải qua những cơn lũ dữ mà hàng chục năm nay chưa khi nào xuất hiện. Nhiều tên xã như Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Sơn mỗi khi nhắc đến ai cũng cảm thấy xót xa vì sự tàn phá do lũ lớn gây ra”.

Cùng chia sẻ với câu chuyện của chị Hồ Thị Phan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa Hồ Ngọc Tình cho biết: “Cảm nhận được sự mất mát quá lớn về người và tài sản của bà con ngay khi cơn lũ vừa rút, nhiều tổ chức, cá nhân đã băng rừng lội suối bất chấp hiểm nguy kịp thời đến giúp đỡ người dân. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng sau lũ, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có hơn 1.800 tổ chức, cá nhân đến chia sẻ vật chất, tinh thần cho người dân vùng lũ Hướng Hóa với tổng giá trị vật chất 50 tỉ đồng. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa tiếp tục khảo sát nắm bắt tình hình công tác chuẩn bị đón tết của người dân để huyện có kế hoạch giúp dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu. Có thể khẳng định rằng, bằng các giải pháp cụ thể của tỉnh, huyện và sự chung tay của cả cộng đồng thì Tết Nguyên đán này người dân vùng lũ dẫu không đón được cái tết sung túc như những năm trước nhưng vẫn đảm bảo gạo, thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm đầy đủ”.

Trong số hơn 1.800 tổ chức, cá nhân thiện nguyện đến giúp đỡ người dân vùng lũ Hướng Hóa có Đại đức Thích Liễu Bổn, Giám đốc Trung tâm Thừa kế ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành Quảng Trị. Đại đức Thích Liễu Bổn chia sẻ: “Khi nghe tin các xã huyện Hướng Hóa bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trung tâm đã kêu gọi các đơn vị, cá nhân hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ người dân hai xã Hướng Việt, Hướng Lập với số tiền hơn 700 triệu đồng thông qua phiên chợ 0 đồng (phiên chợ có 50 mặt hàng là dụng cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt hằng ngày và áo quần, chăn màn…để người dân lựa chọn miễn phí những mặt hàng cần thiết cho gia đình) cũng như tặng quà cho người dân 2 thôn Cát và Trỉa, xã Hướng Sơn với số tiền gần 80 triệu đồng. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ hạt giống rau màu cho người dân gieo trồng sớm có nguồn sau sạch để ăn”.

Một tin vui nữa, năm nay, cà phê ở Hướng Hóa có giá tương đối cao, từ 5.500 - 5.700 đồng/ kg phần nào đã giúp cho người dân vơi bớt khó khăn do lũ. Hiện toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 5.000 ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 3.500 ha.

 Các nhà hảo tâm tổ chức phiên chợ 0 đồng hỗ trợ cho người dân 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng - Ảnh: NV

Các nhà hảo tâm tổ chức phiên chợ 0 đồng hỗ trợ cho người dân 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng - Ảnh: NV

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Bài toán tạo sinh kế lâu dài cho người dân thì còn nhiều việc phải làm nhưng trước mắt bằng các giải pháp cấp bách của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương thì cuộc sống của người dân vùng lũ cơ bản ổn định. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa nhân vật lực hỗ trợ người dân cải tạo diện tích ruộng nước, sửa chữa công trình dân sinh, nhất là hệ thống thủy lợi, hồ đập tưới tiêu cũng như hỗ trợ kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi cho người dân. Qua thống kê, tổng thiệt hại tài sản do các đợt lũ trong tháng 10 năm 2020 gây ra cho huyện Hướng Hóa lên đến gần 600 tỉ đồng, trong đó riêng công trình thủy lợi thiệt hại gần 110 tỉ đồng. Huyện được trung ương hỗ trợ 33 tỉ đồng, tỉnh cũng hỗ trợ ngân sách để khắc phục thiên tai. Sau lũ, UBND huyện đã rà soát và đưa ra phương án bố trí, sắp xếp dân cư cho 265 hộ với 1.196 khẩu ở 5 xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và xã Húc nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất bất cứ lúc nào đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, nhà nước và các tổ chức, cá nhân hảo tâm triển khai mạnh mẽ việc xây dựng nhà ở cho người dân khó khăn về nhà ở do lũ gây ra”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết thêm: “Để giúp dân khôi phục sản xuất, ngoài huy động nguồn lực khôi phục hạ tầng giao thông, thủy lợi…, huyện Hướng Hóa đã trích ngân sách mua 17 tấn lúa giống cấp cho người dân ngay sau khi lũ rút; trước mắt hỗ trợ cho xã Hướng Linh 750 triệu đồng để phục hóa diện tích lúa nước do đất đá vùi lấp; vận động các tổ chức phục hóa bước đầu 7 ha đất ruộng cho hai xã Hướng Phùng, Hướng Sơn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án số 5841 ngày 18/12/2020 về khôi phục sản xuất do thiên tai gây ra, trong đó hỗ trợ cho huyện Hướng Hóa 36 tấn giống lúa, 14,5 tấn giống ngô, 1,179 tấn hạt giống rau các loại để phát triển sản xuất vụ đông xuân 2020- 2021. Với số giống lúa, rau, ngô kể trên cũng như nguồn giống của người dân cất giữ được cơ bản đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân 2020- 2021 trên địa bàn huyện".

Cùng với việc hỗ trợ giống cây trồng, tỉnh hỗ trợ cho huyện Hướng Hóa khôi phục ruộng bị vùi lấp giai đoạn 1 là 300 ha, giai đoạn 2 là 100 ha, mức hỗ trợ giai đoạn 1 là 18,2 triệu đồng/ha, trong đó 15 triệu đồng để khôi phục đất, 3,2 triệu đồng mua vôi và các chế phẩm sinh học xử lý đất. Nhờ sự nỗ lực của người dân trong việc gieo trồng các giống rau màu nên đã cho thu hoạch. 4.000 ngàn con gà giống, 1.000 con ngan giống do Nhà nước hỗ trợ, sau hơn 2 tháng nuôi sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm tốt cho người dân sắp tới. Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, người dân huyện Hướng Hóa sẽ bước vào thu hoạch ngô, thêm 2 tháng nữa sẽ thu hoạch lúa. Những khó khăn dần được bà con khắc phục để hướng tới cuộc sống ổn định, no đủ hơn.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155395