Ấm áp tết đoàn viên
Mỗi mùa xuân về, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng hưởng cái tết đầm ấm, sum vầy. Tết Cổ truyền ở những gia đình nhiều thế hệ là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vui tết sum vầy
Cứ mỗi dịp tết về, gia đình tứ đại đồng đường của ông Bùi Văn Nghiệp và bà Nguyễn Thị Mỹ (ấp Cả Cóc, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) lại sum vầy đông đủ. Đến thăm gia đình ông Nghiệp, chúng tôi cũng được lan tỏa sự đầm ấm ấy. Bà Mỹ cho biết: “Gia đình tôi có 5 người con (1 trai, 4 gái). Vợ chồng tôi hiện sống cùng con gái út, vợ chồng người con trai, 3 đứa cháu nội (đều lập gia đình) và 2 đứa cháu cố. Mấy ngày tết, dù đi đâu, làm gì, 27 thành viên của đại gia đình đều về sum họp đông đủ, quây quần bên nhau ăn bữa cơm những ngày đầu năm mới. Gia đình 4 thế hệ luôn sống chan hòa và yêu thương nhau”.
Chị Bùi Thị Thành (con gái út ông Nghiệp) chia sẻ: “Từ rằm tháng Chạp, tôi cùng cha chăm sóc lại vườn kiểng, phụ mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón tết. Ngoài tục tảo mộ, đón giao thừa, lì xì, mừng tuổi, xông đất, gia đình còn đi thăm, chúc tết họ hàng. Mùng 2 thì cả nhà cùng nhau gói bánh tét. Ngồi canh nồi bánh tét, ông bà truyền lại cho con cháu những giá trị truyền thống cốt lõi, các thành viên của gia đình thăm hỏi nhau sau một năm lo toan công việc. Gia đình tôi xem việc gói bánh tét là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong dịp tết”.
Giữ nếp xưa
Nhiều năm nay, tết là dịp gia đình ông Huỳnh Văn Nhuận (SN 1929) và bà Nguyễn Thị Đẹp (SN1932), ngụ ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, sum họp đông đủ nhất. Ông bà có 7 người con và hiện sống chung với vợ chồng người con trai út cùng 2 cháu nội. Để chuẩn bị đón năm mới, các thành viên trong gia đình chia nhau mỗi người một việc. Từ tảo mộ, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ gia tiên đến mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, mâm ngũ quả,… đều được chuẩn bị tươm tất.
Dù có đi đâu, làm gì thì cứ vào mùng 1 tết, tất cả con cháu của ông Nhuận, bà Đẹp đều trở về đón năm mới cùng gia đình. Năm nào gia đình ông bà cũng được sống trong không khí tết xưa. Sau tục xông đất, hái lộc đầu năm, các con cháu lần lượt mừng tuổi, chúc sức khỏe và mong ông bà có một năm mới bình an, vạn sự như ý. Những lời chúc, tiếng cười, nói vui vẻ làm cho không khí gia đình thêm rộn rã. Bà Đẹp cho biết: “Phong tục đón tết ngày nay ít nhiều thay đổi nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp xưa. Niềm mong ước lớn nhất của chúng tôi là tết đến, con cháu cùng quây quần bên mâm cơm gia đình, thưởng thức những món ăn truyền thống ngày tết. Năm nào cũng vậy, các con cháu trong nhà sum họp không dưới 30 người, đông vui lắm! Mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn, vui của năm cũ và chia sẻ dự định tương lai trong những ngày đầu xuân mới”.
Theo cuộc sống hiện đại, Tết Nguyên đán ngày nay có sự thay đổi nhưng vẫn là những ngày ý nghĩa nhất đối với người Việt. Tết Việt không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn lưu giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/am-ap-tet-doan-vien-a89072.html