Ấm áp tình người sau cơn lũ dữ

Bão số 3 đã đi qua nhưng những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản vẫn còn đó. Với tinh thần 'tương thân, tương ái', 'lá lành, đùm lá rách' của người dân Việt Nam, trong đau thương, gian khổ tình người càng thêm tỏa sáng.

Phát huy tinh thần "tương thân, tương ái"

Tìm đến thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, nơi xảy ra trận sạt lở đất đá kinh hoàng do ảnh hưởng bởi hoàn lưu của bão Yagi gây mưa lớn trên diện rộng khiến 18 người chết và mất tích. Những con đường dốc cao hun hút, uốn lượn, bình thường đi lại đã khó, nay lại càng khó bởi bùn lầy. Những vạt núi bị sạt lở như chừng muốn sập xuống, đầy hiểm nguy.

 Đường lên đỉnh Nậm Tông rất khó khăn, nguy hiểm nhưng không ngăn được các xe hàng cứu trợ người dân

Đường lên đỉnh Nậm Tông rất khó khăn, nguy hiểm nhưng không ngăn được các xe hàng cứu trợ người dân

Tuy nhiên, khó khăn không ngăn nổi bước chân của những người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng sẵn sàng lên đường, đối diện gian khó hỗ trợ đồng bào lúc gian nguy.

Từ TP. Hồ Chí Minh, ngay khi nghe tin sự cố tại thôn Nậm Tông, nhóm tình nguyện viên đặc biệt do anh Đinh Hoàng tổ chức đã ngay lập tức lên đường vượt hơn nghìn cây số để có mặt tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, anh Hoàng cho biết nhóm có 7 người, tất cả đều đã qua huấn luyện và có chứng chỉ về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ. Do tình hình mưa gió, đường giao thông bị chia cắt, sau 3 ngày khi sự cố xảy ra, nhóm mới tới được thôn Nậm Tông và cùng lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích. "Những ngày đầu, giao thông bị chia cắt máy móc, thiết bị không vào được nhưng mọi người vẫn quyết tâm tìm kiếm người bị nạn, thậm chí phải đào từng nắm đất, đá bằng tay"- anh Hoàng cho biết.

 Thành viên nhóm tình nguyện viên đặc biệt từ TP. Hồ Chí Minh nghỉ ngơi và bàn cách tìm kiếm người mất tích

Thành viên nhóm tình nguyện viên đặc biệt từ TP. Hồ Chí Minh nghỉ ngơi và bàn cách tìm kiếm người mất tích

"Nhóm đã từng tham gia cứu hộ tại nhiều nơi như Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận..., nhưng đây là lần đi nguy hiểm nhất vì trong lúc tìm kiếm người mất tích, trời vẫn mưa và nguy cơ sạt lở tiếp rất cao, chúng tôi phải cắt cử người gác và cảnh giới nếu có sạt lở để báo cho mọi người", anh Hoàng chia sẻ.

Không trực tiếp tìm kiếm người mất tích tại hiện trường, nhưng nhóm nấu cơm từ thiện do chị Hoàng Thị Hương, huyện Bảo Thắng làm trưởng nhóm mang theo đồ ăn cũng vượt hơn 10km đường rừng đến nơi tạm cư của bà con và các lực lượng cứu hộ để nấu cơm phục vụ các lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Chị Hương chia sẻ: "Đoàn tôi có mặt chỉ sau lực lượng Công an, Quân đội đúng 1 ngày, những ngày đầu tiên là gian khổ nhất bởi trời vẫn mưa, đường sạt lở, đoàn phải mang theo lương thực, thực phẩm đi bộ băng rừng".

 Những ngày đầu, để tiếp cận được khu vực người dân gặp nạn chỉ có thể đi bộ

Những ngày đầu, để tiếp cận được khu vực người dân gặp nạn chỉ có thể đi bộ

Ngoài việc đến tận nơi để nấu nướng, nhóm chị Hương cũng được bà con thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng chung tay đóng góp kinh phí và trợ giúp nấu nướng. Đến nay, cả nhóm đã phục vụ hơn 1.700 suất cơm tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; hơn 1.000 suất cơm tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà.

 Thay vì cơm hộp như mọi ngày, nhóm của chị Hương đã mang theo đồ ăn đến tận nơi để nấu cho người dân và các lực lượng tìm kiếm những mâm cơm nóng sốt

Thay vì cơm hộp như mọi ngày, nhóm của chị Hương đã mang theo đồ ăn đến tận nơi để nấu cho người dân và các lực lượng tìm kiếm những mâm cơm nóng sốt

Sau ngày làm việc cật lực, quây quần bên mâm cơm tập thể, chúng tôi tiếp tục được nghe nhiều câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người, những tấm gương về sự hy sinh, chia sẻ trong cơn nguy cấp như anh Lý A Hải, Trưởng thôn Nậm Tông. Anh Hải cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, mọi liên lạc bị cắt đứt, không quản nguy hiểm lập tức băng 8km đường rừng để báo tin về UBND xã; anh Lù Seo Pểnh (người dân tại thôn) không 1 giây do dự đã cho người dân, các lực lượng cứu hộ cứu nạn mượn toàn bộ nhà để dựng lán trại, chăm sóc người bị nạn.

Hay như, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Lúc Trương Thị Hào; Trạm trưởng Trạm y tế xã bác sĩ Sim Thị Tâm khi nhận được tin báo từ anh Hải đã lập tức đội mưa, băng rừng không màng nguy hiểm cứu hộ người dân, vận chuyển người bị nạn xuống núi để tới bệnh viện cấp cứu.

Chứng kiến những việc hai người phụ nữ này đã làm, ngay cả lực lượng Công an, Quân đội tham gia cứu nạn, cứu hộ cũng không khỏi thán phục và gọi họ là những người "Phụ nữ thép". Hai chị chia sẻ "Khi nghe tin dữ, đoàn chúng tôi lập tức lên đường. Dù chưa biết chuyện gì đang đợi mình phía trước, nhưng thông tin có rất nhiều người thương vong đã thôi thúc bước chân cả đoàn đi bộ hơn 4 tiếng, vượt qua 8km đường rừng núi dốc, hàng chục điểm sạt lở để tiếp cận, hỗ trợ người dân".

 Sau 10 ngày xảy ra sạt lở tại thôn Nậm Tông, trạm trưởng Trạm y tế xã Nậm Lúc bác sĩ Sim Thị Tâm vẫn cảm thấy đau xót, mong rằng mình lên được hiện trường sớm hơn

Sau 10 ngày xảy ra sạt lở tại thôn Nậm Tông, trạm trưởng Trạm y tế xã Nậm Lúc bác sĩ Sim Thị Tâm vẫn cảm thấy đau xót, mong rằng mình lên được hiện trường sớm hơn

Chung tay xoa dịu những nỗi đau

Chia tay thôn Nậm Tông cùng lời chúc mọi người khỏe mạnh, cố gắng sớm đưa được bà con mất tích về với gia đình, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển hơn 50km tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi chịu sự tàn phá nặng nề nhất của tỉnh Lào Cai, tính đến thời điểm hiện tại, trận lũ quét thảm khốc sáng 10.9 đã làm 55 người chết, 14 người đang điều trị tại viện, 12 người mất tích.

Dọc đường đi chúng tôi không khỏi xúc động bởi hàng loạt quán cơm, quán nước 0 đồng sẵn sàng phục vụ những nhà hảo tâm tham gia cứu trợ; từng nhóm đông có cả người già, trẻ em đứng vẫy cờ, vẫy tay chào cảm ơn các đoàn xe...

Đến thôn Làng Nủ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa trước cảnh tượng hoang tàn, đổ nát khắp nơi. Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, tính đến thời điểm hiện tại, số người chết do thiên tai tại thôn Làng Nủ là 55 người và còn 12 người mất tích. Hiện còn 12 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện.

 Quang cảnh thôn Làng Nủ sau trận lũ kinh hoàng nhìn từ trên cao

Quang cảnh thôn Làng Nủ sau trận lũ kinh hoàng nhìn từ trên cao

Bên cạnh công tác tìm kiếm, việc tái thiết, ổn định lại cuộc sống cho người dân cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Sau 11 ngày xảy ra thảm họa lũ quét, chiều 21.9, tỉnh Lào Cai và Đài truyền hình Việt Nam đã khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ, khu tái định cư mới được quy hoạch 16 ha cách trung tâm cũ 1,5 km. Giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, sắp xếp cho 40 hộ gia đình theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày với diện tích 8x12 m, cùng các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh…).

 Lễ khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ. Ảnh: ITN

Lễ khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ. Ảnh: ITN

Đồng hành cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn; đồng cảm với những đau thương, mất mát của người dân, hàng triệu trái tim trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hướng về thôn Làng Nủ cùng nhau "xoa dịu" những nỗi đau cho người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Nhiều đoàn từ thiện đã vội vàng đến và đi trong đêm cho kịp hành trình tới các điểm tiếp theo hỗ trợ người dân như đoàn thiện nguyện do Ủy viên dự khuyết hội đồng trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên, Đại Đức Thích Nhuận Thanh làm trưởng đoàn, cùng chư tăng, phật tử chùa Linh Quang Nha Trang, Điện Biên, Gia Lai, Vạn Ninh.

 Đoàn thiện nguyện trao quà cho các em học sinh vùng lũ

Đoàn thiện nguyện trao quà cho các em học sinh vùng lũ

Đại Đức Thích Nhuận Thanh cho biết, đoàn thiện nguyện đã trao 150 suất quà ở Xã Phúc Khánh; 150 suất ở xã Việt Tiến; 100 suất ở xã Xuân Thượng huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Mỗi phần gồm các nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, đường, muối, bột giặt, xà bông, thuốc tây...cùng một chút tiền mặt để người dân tự trang trải những đồ cần thiết khác. "Chúng ta là người Việt Nam, trải qua những khổ nạn do thiên tai, mong bà con đoàn kết mau chóng vượt qua để tiếp tục xây dựng thôn bản phát triển, an bình", Đại Đức Thích Nhuận Thanh chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, đoàn thiện nguyện do Đại Đức Thích Nhuận Thanh làm trưởng đoàn lên đường ngay trong đêm hướng về với bà con tỉnh Cao Bằng. Cứ như vậy, những chuyến hàng cứu trợ, những nhóm tình nguyện viên, những chuyến xe, quán cơm, quán nước "0 đồng", hay chỉ là những lời động viên, chia sẻ trên mạng xã hội... tất cả đã cùng nhau viết nên nhiều câu chuyện ấm áp tình người. Trong hiểm cảnh, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam như được thắp sáng lên gấp nhiều lần.

 Ban Trị sự, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Điện Biên; Chùa Linh Quang Nha Trang; tăng ni, Phật tử Ninh Hòa và đồng bào, phật tử các nơi đã đi xuyên đêm ủng hộ đồng bào xã Phúc Khánh, Việt Tiến và xã Xuân Thượng huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Ban Trị sự, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Điện Biên; Chùa Linh Quang Nha Trang; tăng ni, Phật tử Ninh Hòa và đồng bào, phật tử các nơi đã đi xuyên đêm ủng hộ đồng bào xã Phúc Khánh, Việt Tiến và xã Xuân Thượng huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Rời khỏi thôn Làng Nủ, bên tai chúng tôi như văng vẳng tiếng của các chiến sĩ Công An, Quân đội trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn động viên nhau mà chúng tôi tình cờ nghe được: "Anh em cố gắng lên! Dưới kia còn nhiều người vẫn phải nằm trong bùn lạnh, trên bờ còn nhiều người thân ngày ngày vẫn đỏ mắt chờ mong".

Xe chúng tôi vẫn chạy qua những con đường dốc gập ghềnh, ngập bùn đất, sạt lở... nhưng lần này nó đã không còn đáng sợ!

An Nhiên - Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/am-ap-tinh-nguoi-sau-con-lu-du-post391164.html