Ấm áp tình người sau hỏa hoạn
Ngày 14/9, trời mưa tầm tã không ngớt, những dòng người vẫn nối tiếp nhau tìm về căn chung cư mini tại ngõ 29/70 Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi vừa xảy ra vụ hỏa hoạn, cướp đi sinh mạng của 56 nạn nhân xấu số.
Sáng 14/9, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, dù trời mưa lớn, nhưng tại nhà văn hóa và các tuyến phố xung quanh căn chung cư mini ở Khương Hạ vẫn tấp nập dòng người từ khắp nơi đổ về. Người mặc áo mưa, người đội ô, trên tay là đủ những thứ đồ thiết yếu, vội vã đưa về điểm tập kết để chuyển tới nạn nhân và các gia đình.
“Đau xót lắm, thương lắm. Có gia đình cả nhà không ai còn sống, có những trẻ mới vài tháng tuổi hoặc còn đang đi học thì mất cả cha lẫn mẹ. Cả những cháu sinh viên vừa đỗ chưa kịp dự lễ khai giảng, bao dự định, hoài bão vẫn còn dang dở. Từ hôm xảy ra vụ việc đến giờ, chúng tôi chưa phút nào được yên lòng”, bà Đỗ Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu dân cư số 8 - phường Khương Đình nghẹn ngào.
Từ tối muộn ngày 13/9, ngay khi thông báo chính thức từ Chi hội Phụ nữ khu dân cư số 8 (Khương Đình) về việc kêu gọi và nhận quyên góp, rất nhiều người dân khu vực và lân cận đã tới để chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân xấu số. Gần hai ngày trôi qua, nhưng chưa ai hết bàng hoàng. Cứ thế lặng lẽ, chẳng ai bảo ai, mỗi người đều đến thắp một nén nhang cầu siêu, mang theo nỗi tiếc thương sâu sắc.
Trước cửa căn nhà bị thiêu rụi, chỉ còn lại đống tro tàn, một bàn thờ nhỏ được dựng tạm. Không ai kìm được được nước mắt trước cảnh tượng đau lòng này. Cách đó vài bước chân, một chiếc bàn gỗ, với thùng quyên góp cắt ra từ vỏ bìa các-tông được đặt dưới lán che bên đường. Mọi thứ đơn sơ nhưng lại chan chứa tình người.
Chị Lê Khánh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ngay khi nghe tin, tôi đã mong mọi người được bình an, nhưng không có phép màu nào xảy ra cả. Hôm nay tới đây không chỉ có tấm lòng của tôi, mà có cả những người bạn của tôi vì ở xa không thể đến trực tiếp, cũng đã cùng chung tay, gửi gắm chút tấm lòng đến với các nạn nhân của vụ hỏa hoạn này”.
Cùng mong muốn được đóng góp tình cảm của mình đến những số phận bất hạnh, anh Đinh Văn Đức (Trường Chinh, Hà Nội) cho biết, qua báo chí và mạng xã hội, anh biết đến chương trình từ thiện, nên đã tranh thủ giờ nghỉ trưa, cùng các đồng nghiệp tới đây. “Tôi nghĩ ai cũng sẽ thương xót và buồn. Sự việc này cũng chính là lời cảnh tỉnh với những người đang kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà và cả những người đi thuê, cần nắm chắc, tuân thủ các quy định, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ chính mình và gia đình”, anh Đức chia sẻ.
Không chỉ người dân, mà rất nhiều nhà hảo tâm đại diện cho các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, cũng tìm về nơi đây để san sẻ phần nào khó khăn với các gia đình gặp nạn. Ca sĩ Du Thiên sáng 14/9 cùng có mặt tại Khương Hạ tâm sự: “Tôi đã rất đau lòng khi nghe tin. Tôi hy vọng, với chút tình cảm của mình hôm nay có thể san sẻ gánh nặng với gia đình những người đã khuất và những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện”.
Nam ca sĩ cũng chia sẻ, anh sẽ cùng một số nghệ sĩ khác tới tham gia và tài trợ cho chương trình Trung thu sắp diễn ra của phường Khương Đình. Qua đó, cùng với lãnh đạo phường và bà con dành sự tưởng nhớ tới những người đã khuất, cũng như động viên tinh thần những người ở lại. Đồng thời, lan tỏa nhiều hơn thông điệp về tình yêu thương tới tất cả mọi người.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hồng - Tổ phó Tổ dân phố 20, phường Khương Đình xúc động: “Những lúc thế này mới cảm nhận được tấm lòng và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam mình. Chúng tôi cảm thấy rất cảm kích. Không chỉ tiền và lương thực, thực phẩm, rất nhiều người đã tới đây để đăng ký cho mượn nhà làm nơi đón tiếp, ăn nghỉ cho người nhà và các bệnh nhân về. Thậm chí, có người còn hỏi để tình nguyện đến viện cùng chăm sóc các bệnh nhân nữa”.
Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều tài khoản đã đăng tải thông tin về việc cung cấp chỗ ở miễn phí cho những người bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình sẵn sàng nhường lại cả căn nhà chuẩn bị cho thuê và khẳng định sẽ cho ở miễn phí đến khi các nạn nhân ổn định lại cuộc sống.
Càng về trưa, mưa càng lúc càng lớn, nhưng những đoàn người vẫn cứ thế nối tiếp nhau. Chúng tôi bắt gặp cả những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, mặc áo mưa, loạng choạng leo từng bậc tam cấp đến điểm tiếp nhận tại nhà văn hóa. Đôi bàn tay run lẩy bẩy khẽ lấy ra những tờ tiền được gói ghém cẩn thận, ánh mắt của “kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh” thật khiến ai cũng đau lòng.
Sáng ngày 14/9, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lễ khai giảng cũng dành một phút để tưởng niệm những nạn nhân xấu số đã qua đời trong vụ cháy tối 12/9. Trong số đó, có một nữ sinh của trường, chưa kịp dự buổi lễ trọng đại đầu tiên của sinh viên trường Báo, đã vĩnh viễn ra đi.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/am-ap-tinh-nguoi-sau-hoa-hoan-20230914162934477.htm