Ấm áp tình người trong bão lũ

Ghi nhanh

Từ ngày 7/9 đến nay, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh dồn sức, đồng lòng vừa phòng, chống, khắc phục thiệt hại do bão số 3 (YAGI) gây ra vừa ứng phó với tình trạng mưa lũ, ngập lụt gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương. Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của mỗi người dân… lại được nhân lên bởi những hành động ấm áp nghĩa tình.

Người dân xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) được di dời đến Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên

Người dân xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) được di dời đến Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên

Trước diễn biến tình hình nước lũ dâng cao, thành phố Hưng Yên đã tổ chức di dời các hộ dân ở vùng lũ ngoài bãi sông Hồng tới các trường học trên địa bàn. Sau khi được phân công hỗ trợ người dân vùng lũ di dời tới, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên huy động tối đa lực lượng chuẩn bị 3 khu nhà và các vật dụng cần thiết đáp ứng được 1 nghìn chỗ ở. Tại đây có đầy đủ giường, chiếu, chăn, màn, nước sinh hoạt… Bà Nguyễn Thị Lựu ở thôn Cao Xá, xã Hùng Cường cho biết: Mấy chục năm nay tôi mới thấy nước lũ dâng cao như thế này. Người già, trẻ nhỏ được bộ đội cho mặc áo phao, cõng lên thuyền, lên ô tô để đưa đến nơi ở an toàn, chúng tôi rất yên tâm. Ở đây chúng tôi được cung cấp đầy đủ bữa ăn, nước nóng, ấm đun nước nóng…

Cụ Bùi Huy Thành, xã Phú Cường (Kim Động) được nhận quà tại gia đình

Cụ Bùi Huy Thành, xã Phú Cường (Kim Động) được nhận quà tại gia đình

Chị Nguyễn Thị Luyến ở thôn Phượng Hoàng, xã Hùng Cường cùng 2 con nhỏ cũng được đưa đến tránh lũ tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên. Chị bày tỏ: Sau khi được di dời đến đây, chúng tôi được lãnh đạo địa phương, trường học đến thăm hỏi, động viên. Từ cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt đến việc đưa suất ăn đều rất chu đáo. Chúng tôi giảm đi sự lo lắng khi phải tạm xa ngôi nhà của mình.

Kiểm tra nơi ở cho người dân vùng lũ di dời tại Trường Cao đẳng cộng đồng Hưng Yên, đồng chí Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, thành phố xây dựng phương án di dời người dân vùng lũ đến 26 cơ sở là trường học, nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương có địa điểm người dân đến tạm lánh có phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bảo đảm mọi người dân được ăn đủ bữa, đủ nước uống.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh và nhà hàng Quảng Đông trao bánh chưng và trứng cho người dân xã Đức Hợp (Kim Động)

Hội Chữ thập đỏ tỉnh và nhà hàng Quảng Đông trao bánh chưng và trứng cho người dân xã Đức Hợp (Kim Động)

Huyện Kim Động tổ chức di dời người già, trẻ nhỏ ở vùng lũ thuộc các xã Đức Hợp, Mai Động, Hùng An tới nơi an toàn. Đồng chí Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Kim Động cho biết: Huyện huy động các hộ dân có nhà cao tầng trên địa bàn các xã vùng lũ hỗ trợ chỗ ở tránh lũ cho người dân địa phương. Hiện nay, huyện có trên 100 nhân khẩu là người già, trẻ nhỏ được di dời đến gia đình người thân, hộ dân ở cùng địa phương. Nhiều tổ chức, cá nhân đã liên hệ để hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho người dân vùng lũ. Đến thời điểm hiện tại, công tác ứng cứu người dân vùng ngập úng bảo đảm an toàn.

Lực lượng làm công tác phòng, chống lụt bão vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào cho người dân xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên)

Lực lượng làm công tác phòng, chống lụt bão vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào cho người dân xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên)

Trong những ngày thiên tai hoành hành, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã để lại những hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người dân. Khi nước sông Hồng, sông Luộc dâng cao, dưới cơn mưa nặng hạt, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang dầm mình để di dời người dân, nhất là người già neo đơn, trẻ em… và tài sản đến nơi an toàn. Tận tâm, tận lực, các lực lượng làm việc không có giờ nghỉ, quên cả bữa ăn...

Thượng tá Vũ Công Hiệu, Chính ủy Trung đoàn 126 (Bộ CHQS tỉnh) kể: Ngay sau khi hỗ trợ di dời người dân khu vực ngoài bãi sông Luộc ở xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) đến nơi an toàn, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Tứ Dân (Khoái Châu). Tại đây, chúng tôi tham gia khắc phục các sự cố về đê điều như: Chống tràn, xử lý mạch đùn, mạch sủi; hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ chính người dân để khắc phục hậu quả của thiên tai, như: Gia đình chị Hoàng Thị Trinh ở xã Thụy Lôi tặng nước uống cho bộ đội; gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) ủng hộ 1.000 chiếc bao tải dứa để bộ đội đựng cát đắp chống tràn…

Chung sức cùng với cả hệ thống chính trị, chia sẻ khó khăn với người dân, các tổ chức đoàn thể, đơn vị, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về vùng lũ. Với vai trò là cầu nối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, ngay khi người dân một số địa phương phải di dời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kết nối, vận động nhà hàng Quảng Đông (thành phố Hưng Yên) hỗ trợ 400 chiếc bánh chưng và hơn 1 nghìn quả trứng gà đã luộc chín để trao tặng người dân thôn Tả Hà, xã Hùng An và người dân xã Đức Hợp (Kim Động). Anh Quang Anh Nam, chủ nhà hàng Quảng Đông xúc động nói: Nhìn hình ảnh người dân bị thiệt hại do mưa lũ tôi không khỏi xót xa, vì vậy tôi mong muốn mang một chút tấm lòng để phần nào chia sẻ khó khăn với người dân, giúp họ vững tâm, vượt qua bão lũ.

Tại thị xã Mỹ Hào, 2 ngày nay, cán bộ, hội viên phụ nữ mỗi người một việc, người nấu cơm, người chia xôi, người làm muối vừng… tất cả đều cố gắng, nhanh tay hoàn tất phần việc của mình để mang đến cho các lực lượng phòng, chống lụt bão của thị xã. Đồng chí Hoàng Thị Mỹ Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Mỹ Hào thổ lộ: Cán bộ, hội viên phụ nữ thị xã đã nấu, trao gần 750 suất ăn và sữa, nước lọc… đến với lực lượng làm công tác phòng, chống lụt bão. Đây không chỉ là sự quan tâm về vật chất mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ đối với cộng đồng.

Các lực lượng ở xã Việt Hưng (Văn Lâm) phối hợp đắp bao cát chống tràn

Các lực lượng ở xã Việt Hưng (Văn Lâm) phối hợp đắp bao cát chống tràn

Phát huy sức trẻ, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã tích cực tham gia giúp người dân thu hoạch tài sản, di chuyển cây cảnh, vật nuôi… đến khu vực an toàn. Đồng chí Sái Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Lạc Đạo (Văn Lâm) cho biết: Ngày 11/9, đoàn viên thanh niên xã Lạc Đạo đã cùng đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn trong huyện Văn Lâm giúp nông dân xã Lương Tài thu hoạch dưa hấu; tham gia đắp bao đất, bao cát chống tràn để bảo vệ sản xuất… Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia, phối hợp xử lý các tình huống xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân.

Trong cuộc sống mưu sinh ai cũng có việc của riêng mình. Nhưng tất thảy đều không quan trọng bằng việc hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra. Sắp xếp, điều hành hoạt động của công ty hợp lý, chị Bùi Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Quang Vũ Hưng Yên (thành phố Hưng Yên) bố trí 3 xe tải hỗ trợ người dân vùng ngập lụt ở thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu vận chuyển, di dời tài sản và vận chuyển thực phẩm thiết yếu... Chị Hường chia sẻ: Từ ngày 11/9 đến nay, cứ có người gọi là lái xe lại nổ máy lên đường hỗ trợ. Các xe hoạt động hết công suất, chúng tôi không đếm được mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến xe để giúp người dân ở các xã như: Quảng Châu, Hoàng Hanh, Phú Cường, Hùng Cường (thành phố Hưng Yên)… và một số xã ở huyện Khoái Châu. Chứng kiến nụ cười, niềm vui của người dân khi tài sản được vận chuyển đến nơi an toàn, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để có thêm việc làm ý nghĩa vì cộng đồng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ người dân ở xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) di dời đến nơi an toàn

Lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ người dân ở xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) di dời đến nơi an toàn

Trên hành trình cùng chị Vũ Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phú Cường (thành phố Hưng Yên) mang những chai nước lọc, sữa, bánh mì đến trao tặng người dân thôn Tân Mỹ 1, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) gặp khó khăn trong sinh hoạt do mất điện, mất nước, chúng tôi thấm thía giá trị tình người Hưng Yên trong bão lụt. Cầm trên tay suất quà được trao tặng, cụ Bùi Huy Thành, xã Phú Cường rưng rưng xúc động nói: Tôi đã 74 tuổi, mưa bão gia đình tôi bị thiệt hại gần 6 sào ngô và chuối. Được các nhà hảo tâm đến tận nhà trao quà, tôi thấy rất ấm lòng, tiếp thêm động lực để gia đình tôi vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau bão.

Không chỉ là sự tương trợ lẫn nhau của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, với tinh thần tương thân tương ái, lá rách ít đùm lá rách nhiều, nhiều đội thiện nguyện, nhiều cá nhân, tập thể còn dành sự quan tâm đến những vùng bị lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc... Đang nhanh tay cùng một số bạn bè, người dân ở thôn Hồng Thái (xã Lạc Hồng, Văn Lâm) chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để gửi đến cho người dân vùng lũ, chị Phạm Kỳ Giang cho biết: Những ngày qua, tôi đã lên mạng xã hội facebook kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức ủng hộ người dân vùng ngập lụt. Sau khi nhận được sự ủng hộ của bạn bè, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, chúng tôi đã chuyển khoảng 14 tấn hàng gồm: Mì tôm, nước lọc, sữa, bánh mì, thuốc phòng bệnh, áo phao, áo mưa, quần áo, chăn ấm… đến người dân vùng lũ ở tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương khác. Đồng thời, gói khoảng 2.000 cái bánh chưng và giò để gửi đến những người dân trong vùng ngập lụt... Mỗi chiếc bánh, mỗi cái giò, gói hàng… gửi gắm sự quan tâm, chia ngọt sẻ bùi, mong mọi người sớm vượt qua khó khăn.

Lực lượng vũ trang huyện Yên Mỹ phối hợp di dời tài sản cho người dân ở xã Lý Thường Kiệt

Lực lượng vũ trang huyện Yên Mỹ phối hợp di dời tài sản cho người dân ở xã Lý Thường Kiệt

Những hình ảnh đẹp trong những ngày bão, lũ chứa đựng những giá trị lớn lao về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Tin tưởng rằng, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, những điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa, tình người luôn còn mãi và Hưng Yên sẽ sớm vượt qua bão lũ.

Nhóm phóng viên Chính trị xã hội

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/am-ap-tinh-nguoi-trong-bao-lu-3175391.html