Ấm áp tình thầy trò
Đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hẳn bất kỳ ai cũng nhớ đến một thuở mình cắp sách tới trường, nhớ hình ảnh các thầy cô giáo năm xưa đã dạy dỗ, quan tâm, thậm chí đòn roi để trò nên người.
Năm tôi học lớp 5, thầy giáo Trần Đình Long được phân công làm chủ nhiệm lớp. Lúc ấy, đây là thông tin không mấy vui vẻ với lũ trẻ chúng tôi, bởi các thế hệ học trò trong trường vẫn truyền tai nhau câu “Gặp thầy Long, cong đuôi chạy dài”. Thầy rất nghiêm khắc, sợ nhất là cây thước gỗ dài huyền thoại của thầy. Học trò nào phạm lỗi, thầy bắt nằm lên bàn, phạt 3-5 roi, lỗi nặng thì nhiều hơn. Tôi đã từng 1 lần nếm roi của thầy và từ đó về sau không bao giờ tái phạm. Hầu như học trò nào cũng từng bị thầy phạt, nhưng không ai ghét mà đều thương yêu và kính trọng thầy. Phụ huynh cũng vậy, họ yên tâm khi con mình được thầy dạy dỗ. Không chỉ giỏi về chuyên môn, thầy thực sự quan tâm, yêu thương học trò và mong trò nên người.
Lớp tôi cũng là lớp cuối cùng thầy dạy ở Trường tiểu học Thủy Lương, Hương Thủy. Sau đó, thầy chuyển lên công tác ở TP. Huế và làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngự Bình. Năm lên lớp 10, tôi thi đậu vào lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế. Sau niềm vui đỗ vào trường chuyên, tôi - con bé nhà quê lúc ấy không muốn lên Huế học vì sợ xa môi trường sống quen thuộc, xa gia đình và bạn bè. Ba mẹ tôi cũng lo lắng, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì con còn nhỏ, lần đầu xa nhà, sợ con chưa thể tự lập, sợ sống một mình không an toàn… 27 năm trước, khoảng cách 15km từ nhà tôi lên Huế xa xôi, cách trở chứ không như bây giờ.
Biết tin tôi đậu vào Quốc Học, thầy Long mừng lắm và muốn bao bọc, chở che học trò cũ trước khi tôi quen với môi trường mới để có thể tự lập. Năm học lớp 10, thầy bàn với vợ, một cô giáo ở Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Huế đưa tôi về nhà nuôi. Lúc ấy, tôi học lớp chuyên Văn – Pháp, điều vui là con gái thầy, một học sinh chuyên Pháp cũng học cùng lớp với tôi. Thuở ấy khó khăn, hàng tháng, thầy chỉ nhận của ba mẹ tôi ít gạo và tiền, có lẽ là không đủ phần ăn cho tôi. Thầy cô yêu thương, che chở tôi, chăm lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở học hành... Khi tôi lớn lên, lập gia đình, thầy vẫn về dự đám cưới của tôi. Mỗi năm, đến sinh nhật, vẫn gửi lời chúc mừng cô học trò mình cưu mang năm xưa. Còn tôi, sau gần 30 năm, vẫn luôn nhớ nụ cười ấm áp, sự bao bọc, chở che đầy ắp tình yêu thương của thầy giáo tiểu học.
Năm học lớp 11, thầy Nguyễn Phú Thọ, bây giờ là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế, dạy lớp tôi môn tiếng Anh. Lớp chuyên Văn chúng tôi lúc ấy có 13 học sinh, tất cả đều là nữ. Có lẽ vì thế nên lớp chúng tôi được thầy yêu thương nhất trong số các lớp thầy dạy năm ấy, cũng là lớp học để lại nhiều ấn tượng với thầy cho đến bây giờ. Mỗi ngày học hành căng thẳng, môn tiếng Anh lại học tiết cuối nên chúng tôi có phần uể oải vì mệt và đói bụng. Để “xốc” lại tinh thần cho học trò, vào giờ ra chơi, thầy hay cho tiền cả lớp xuống nhà bà cai trường mua kẹo, mua bánh. Sau những lần nạt học trò vì học không tập trung, thấy lũ con gái chúng tôi rơm rớm nước mắt, thầy cũng dỗ dành bằng những gói kẹo…
Sau này, khi gặp lại trong công việc sau hơn 20 năm ra trường, thầy Thọ vẫn nhận ra tôi, một thành viên của lớp chuyên Văn khóa 1997-2000. Ngạc nhiên hỏi sao lâu thế mà thầy vẫn nhận ra học trò cũ giữa hàng nghìn học trò, thầy cười hiền rồi kể lại kỷ niệm xưa. Thầy bảo, dù có rất nhiều học trò, thầy vẫn nhớ rõ từng gương mặt của lớp chuyên Văn năm ấy. Nhớ nhất là lúc thầy đi chơi với vợ sắp cưới, bị lớp tôi bắt gặp, căn vặn rồi giận dỗi… Cả thầy và trò phá lên cười.
Ngày xưa đi học, chúng tôi không hề bị bắt ép đi học thêm, thậm chí, thầy cô giáo còn động viên chúng tôi đi học thêm ở thầy miễn phí. Đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi cũng không có quà tặng thầy cô ngoài bó hoa nhỏ. Vậy nhưng, tình thầy trò luôn trong sáng, ấm áp. Và, hạnh phúc của người thầy chỉ giản dị là được dìu dắt từng chuyến đò qua sông. Họ làm những việc ấy như một sứ mệnh tự nhiên của nghề, không tính đến việc được cảm ơn, báo đáp… Mỗi người thầy, người cô tôi được học là một tấm gương về nhân cách, đạo đức với bao yêu thương, cảm thông, chia sẻ sâu sắc với học trò. Trò phạm lỗi, thầy phạt trong sự vị tha và bao dung. Để sau này, trò nhớ lại thời đi học và cảm ơn những lần thầy phạt đã giúp mình nên người.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/am-ap-tinh-thay-tro-148162.html