Ấm áp tình thương 'mẹ đỡ đầu'. Bài 2: Không để trẻ mồ côi bị bỏ lại phía sau
Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn mang lại tình yêu thương, sự đồng hành cho những trẻ em kém may mắn. Nhằm lan tỏa thông điệp yêu thương, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, Hội LHPN các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó đã tạo nên làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ, huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các cấp hội phụ nữ và cá nhân có tấm lòng nhân ái.
Lan tỏa thông điệp nhân văn
Ngay từ khi triển khai, Hội LHPN các cấp đã xác định công tác tuyên truyền là yếu tố then chốt để khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái. Các cấp hội đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh như: Phát thanh, truyền hình, báo chí và mạng xã hội. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thông, Hội còn tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình. Sự lan tỏa của các câu chuyện về những “mẹ đỡ đầu” đầy yêu thương đã truyền cảm hứng và thúc đẩy thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia.
Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện Mường Chà đã nhận đỡ đầu 16 trẻ mồ côi trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hội viên phụ nữ đã vận động các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân chung tay tích cực hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”; nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng các em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong huyện.
Bà Đoàn Lan Phương, Chủ tịch LHPN huyện Mường Chà tâm sự: Dù cuộc sống của nhiều hội viên hội phụ nữ vẫn còn khó khăn, song chị em rất nhiệt tình hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Quá trình triển khai, tại cơ sở xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Để tạo sự lan tỏa ý nghĩa, thiết thực của chương trình, khi bắt đầu triển khai, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ và các đơn vị, tổ chức, cá nhân với chương trình.
Sau 3 năm thực hiện, đến nay, Hội LHPN huyện Mường Chà đã kêu gọi được Phòng khám Đa khoa Y Tâm Hà Nội đỡ đầu 1 cháu ở xã Mường Mươn (mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng); Hội LHPN huyện đỡ đầu cháu Ly Thị Nóng (xã Mường Tùng) với mức hỗ trợ 4,8 triệu đồng/năm; Hội LHPN xã Pa Ham đỡ đầu 6 cháu (5 cháu các nhà hảo tâm đóng góp) mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng trở lên; thị trấn Mường Chà đỡ đầu 3 cháu với mức hỗ trợ mỗi tháng từ 300 - 500 nghìn đồng. Các xã: Mường Mươn, Na Sang và Hừa Ngài đều đỡ đầu 1 cháu. Hội LHPN tỉnh - Bộ đội Biên phòng tỉnh đỡ đầu 1 cháu ở Ma Thì Hồ; Đồn Biên phòng Mường Mươn nhận đỡ đầu 1 cháu nuôi ăn học hết THPT.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã vận động nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể cùng chung tay, góp sức giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ. Chương trình đã tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các cấp hội, là cầu nối yêu thương, đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi giúp các con vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Hành trình của sự kết nối
Hoạt động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo tất cả các trẻ mồ côi, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được chăm sóc hỗ trợ, giúp đỡ, tránh trùng lặp, bỏ sót. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho hơn 200 trẻ mồ côi với nhiều hình thức hỗ trợ bằng tiền; tặng sổ tiết kiệm, nhu yếu phẩm cho các cháu đến khi các cháu hết THPT. Nhìn chung, công tác rà soát, đánh giá, xác minh thông tin tương đối sát đối tượng, đảm bảo đúng tiêu chí “đỡ đầu”, giúp đỡ kịp thời đúng đối tượng, hạn chế được tình trạng bỏ sót các trường hợp trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn không được giúp đỡ.
Bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Ngay sau khi phát động chương trình đã có nhiều huyện, thị, thành phố và các đơn vị trực thuộc hưởng ứng, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm “mẹ đỡ đầu”. Thông qua các hoạt động rà soát và xác minh thông tin, Hội đã đảm bảo tính chính xác và kịp thời trong việc kết nối “mẹ đỡ đầu” với các con. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng bỏ sót mà còn đảm bảo mọi trẻ mồ côi được hỗ trợ phù hợp, dài lâu.
Đến nay, Hội LHPN cấp huyện đã kết nối, vận động hỗ trợ cho nhiều trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, Hội LHPN các huyện: Nậm Pồ (55 cháu), Mường Nhé (20 cháu), Điện Biên Đông (15 cháu), Mường Chà (16 cháu), Điện Biên (7 cháu), Tủa Chùa (2 cháu), TX. Mường Lay (7 cháu), Tuần Giáo (15 cháu), TP. Điện Biên Phủ (14 cháu) và Mường Ảng (14 cháu). Hội phụ nữ các đơn vị: Công an tỉnh (16 cháu), Bộ CHQS tỉnh (7 cháu) và Bộ đội Biên phòng tỉnh (1 cháu). Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã vận động, kết nối, chăm sóc, đỡ đầu 35 trẻ với các mức hỗ trợ từ 400 - 500 nghìn đồng/tháng. Dù không thể khỏa lấp được sự thiếu vắng cha mẹ nhưng tình cảm của những người mẹ đỡ đầu sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau, sưởi ấm trái tim non nớt của những đứa trẻ trên chặng đường sắp tới. Những người mẹ ấy sẽ giúp tương lai phía trước của các em bớt đi những nhọc nhằn bằng tất cả tấm lòng và sự yêu thương của người mẹ.
Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng khẳng định: Bằng nhiều phương pháp, cách làm khác nhau, cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp đã có những việc làm ý nghĩa, thiết thực, sáng tạo, hiệu quả để giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài kêu gọi, hỗ trợ kinh phí, tặng quà nhân các ngày lễ, tết, các hội viên, phụ nữ còn trực tiếp đến nhà thăm hỏi, chăm sóc, hướng dẫn các em nhỏ các kỹ năng trong cuộc sống. Chương trình thực sự đã trở thành cầu nối yêu thương, giúp trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa trong cuộc sống.
“Mẹ đỡ đầu” là nguồn động viên tinh thần to lớn để các em vươn lên và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, hành trình phía trước còn dài, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng. Mỗi người một hành động nhỏ sẽ cùng nhau tạo nên những thay đổi lớn, mang lại tương lai tươi sáng cho những mảnh đời kém may mắn.