Ấm áp xuân biên cương

Với sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp và các đơn vị, doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn biên giới vùng phía Bắc huyện Hướng Hóa đã đón tết Nhâm Dần thật sự bình yên và ấm áp.

 Một góc trung tâm xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Đ.V

Một góc trung tâm xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Đ.V

Trong không khí phấn chấn những ngày xuân, dọc theo các xã biên giới phía Bắc huyện Hướng Hóa như: Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, nơi chịu thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, dẫu dấu vết thiên tai chưa hoàn toàn xóa hết nhưng vẫn cảm nhận được một cuộc sống mới đang dần hồi sinh. Những “vết thương” của núi rừng, sông suối do sạt lở đã dần xanh lại; những đoạn đường giao thông, cầu cống hư hỏng cũng đã được khắc phục nối liền thông suốt. Nụ cười của bà con dân bản đã vui tươi hơn. Không ai bảo ai, với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, bà con từng bước khôi phục sản xuất để xây dựng lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Các bản làng dọc theo các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập cũng bừng lên sức sống mới với hình ảnh đầy kỳ vọng từ những vườn cây cà phê xanh tốt, những vườn cây bời lời đều tăm tắp, những cánh đồng ruộng lúa nước mang màu no ấm, những nếp nhà sàn rộn rã tiếng nói cười…

Dịp Tết năm nay, anh Hồ Văn Nhơn, đối tượng khuyết tật, hộ nghèo ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ số tiền 70 triệu đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết. Anh Nhơn xúc động cho biết, mình là đối tượng yếu thế, việc duy trì cuộc sống hằng ngày vốn không dễ dàng gì nên việc có một ngôi nhà kiên cố là ước mơ xa vời. Vì vậy, khi được nhận sự quan tâm, giúp đỡ để xây dựng căn nhà mới anh rất vui. “Cả gia đình tôi lâu nay ở trong căn nhà tạm bợ, nay được hỗ trợ số tiền lớn để làm nhà, tôi vui không ngủ được. Gia đình dự định bỏ thêm một ít kinh phí nữa để xây dựng căn nhà được kiên cố hơn”, anh Nhơn chia sẻ.

Vượt qua đèo Sa Mù khá hiểm trở, chúng tôi đến với xã Hướng Việt, địa phương thiệt hại nặng nề nhất đợt cuối năm 2020. Khu trung tâm xã vốn nằm ở vị trí giữa thung lũng nên thời điểm xảy ra mưa lũ hầu như trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, đường giao thông và nhiều nhà dân, nương rẫy, ruộng lúa ở đây đều bị vùi lấp bởi bùn đất, cây cối. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tấm lòng hảo tâm và sự nỗ lực của cán bộ, Nhân dân địa phương, hậu quả thiên tai dần được khắc phục, khó khăn cũng đã vơi bớt. Địu đứa cháu đến trụ sở xã nhận món quà Tết, ông Hồ Lành, 72 tuổi ở thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt phấn khởi cho biết: “Mưa lũ năm 2020 tràn qua cả xã hoang tàn, xơ xác. Trong khó khăn đó, địa phương, các đoàn thể, các nhà hảo tâm đã nỗ lực khắc phục hậu quả, hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến Tết năm nay thì cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, ấm no hơn”.

Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh thông tin, toàn xã hiện có 368 hộ với 1.593 khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Vân Kiều. Là địa bàn đặc biệt khó khăn và lại hứng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai nên đời sống của người dân địa phương còn khá vất vả. Với sự hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, bản và bà con tích cực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp tập trung tháo gỡ những vướng mắc và giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội nên đời sống của Nhân dân đã ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo. Toàn xã hiện có tổng diện tích cây lương thực hơn 121 ha, cây công nghiệp dài ngày 94 ha với các loại cây như: Cà phê, bời lời, cây ăn quả các loại và tổng đàn gia súc gần 2.300 con, gia cầm gần 2.600 con. Nhờ phát triển mạnh trồng trọt, chăn nuôi nên thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, địa phương có dân số hơn 94.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô chiếm trên 50%. Thiên tai cuối năm 2020 đã gây thiệt hại rất lớn cho huyện nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, huyện đã chỉ đạo các địa phương, người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định đời sống. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ hộ nghèo của Hướng Hóa vẫn đang còn ở mức cao, đến đầu năm 2022 là 29,8%. Để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đón Tết ấm áp, huyện đã trích gần 450 triệu đồng hỗ trợ cho 500 gia đình. Ngoài ra, 1.836 hộ gia đình chính sách cũng nhận được quà Tết của Chủ tịch nước với kinh phí gần 600 triệu đồng; huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ gần 1 tỉ đồng cho hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đón Tết đầm ấm… Đồng thời, huyện cũng đã tổ chức cấp phát gạo cứu trợ của Chính phủ cho 8.000 hộ nghèo, cận nghèo đón Tết.

Với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và sự nỗ lực vượt khó vươn lên, Nhân dân các xã vùng biên giới thuộc địa bàn Bắc Hướng Hóa đã đón được một cái Tết ấm áp, đủ đầy. Cũng từ mùa xuân đầy kỳ vọng này, bà con sẽ càng quyết tâm hơn nữa trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống ấm no, góp sức xây dựng bản làng khởi sắc và bình yên.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=164910&title=am-ap-xuan-bien-cuong