Ðảm bảo dinh dưỡng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

ĐBP - Ðể phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Bên cạnh đó, việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém để tăng cường sức đề kháng, góp phần bảo vệ người dân an toàn trước sự lây lan của dịch bệnh.

Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Nếu chức năng hệ miễn dịch tốt có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn không đầy đủ, thiếu cả số lượng và chất lượng dinh dưỡng vẫn còn khá phổ biến ngay cả đối với nhiều người đang khỏe mạnh bình thường. Ðiều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc các loại bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ðể nâng cao sức khỏe phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân cần thực hiện tốt 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, các khuyến cáo về tiêu thụ thực phẩm phù hợp cho mỗi nhóm tuổi theo Tháp dinh dưỡng dành cho các lứa tuổi khác nhau do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) ban hành. Trong đó, chú trọng cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và protein thực vật (từ các loại ngũ cốc…). Ðồng thời, cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như: A, C, D, E, sắt, kẽm… Ðây đều là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ví dụ như vitamin C sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon - loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Ðây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: Cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông... Nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc khi cơ thể được bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng, người dân cần thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…).

Cùng với đó, người dân cần tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: Tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển... giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm giàu flavonoid như: Các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh… cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Không được để miệng và cổ họng khô, cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát. Những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy cần hạn chế.

Ðối với một số đối tượng đặc biệt, cần phải chú ý chế độ dinh dưỡng, như người cao tuổi, lưu ý phải ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng... Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1 - 2 cốc mỗi ngày. Ðối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi cần bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng, chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Ðến 24 tháng tuổi cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ số lượng nếu trẻ biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn. Những người đang mắc các bệnh mạn tính, như: Ðái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

Song song với việc bổ sung chất dinh dưỡng, người dân cũng cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Luôn ăn chín, uống sôi, các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Ðặc biệt là không nên sử dụng bia rượu, tụ tập đông người tại hàng quán để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19...

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/suc-khoe/177022/%C3%B0am-bao-dinh-duong-de-phong-chong-dich-benh-covid-19