Ðảm bảo hàng hóa cung ứng dịp Tết
ĐBP - Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thời điểm này nhu cầu mua sắm phục vụ tết của người dân tăng. Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hiện các doanh nghiệp, đại lý, tiểu thương trên địa bàn tỉnh cũng đã có kế hoạch sản xuất, dự trữ, phân phối hàng hóa nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp trước, trong và sau tết.
Ðể đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp tết, Siêu thị Hoa Ba đã nhập hàng, dự trữ hàng hóa trước tết Dương lịch. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại Siêu thị Hoa Ba.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, dao động tăng từ 15% - 20% trở lên. Ðể đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, với lượng hàng hóa dồi dào, phong phú và đảm bảo mức giá cả hợp lý, ngành Công Thương đã triển khai các hoạt động đánh giá lại nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ðồng thời, thường xuyên theo dõi giá cả thị trường, tránh xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát cung cầu hàng hóa, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, thị trường hàng hóa phục vụ tết từ khu vực TP. Ðiện Biên Phủ đến trung tâm các huyện, thị đã bước vào những ngày sôi động. Hàng hóa tại các chợ, cửa hàng, đại lý, siêu thị được các doanh nghiệp, tư thương, các cơ sở kinh doanh sản xuất sẵn sàng chuẩn bị về số lượng, mẫu mã, chủng loại, đảm bảo về chất lượng, nhãn mác và xuất xứ. Chủ động trong khâu cung ứng, các doanh nghiệp, tiểu thương đã khẩn trương trữ hàng khá sớm để phục vụ người tiêu dùng; trong đó, chủ yếu các mặt hàng như: Gạo, thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, rượu bia, đồ uống giải khát… Bên cạnh việc chủ động nguồn hàng, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, cửa hàng, đại lý đều cam kết không tăng giá bán sản phẩm trong dịp tết, trừ một số sản phẩm liên quan đến bia, rượu, sữa... vì giá sản phẩm đó do nhà cung cấp quy định. Ngoài ra, nhằm kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ còn liên tục đưa ra chương trình khuyến mại theo hình thức giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng...
Bà Hà Thị Nha Trang, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba (Siêu thị Hoa Ba) cho biết: Xác định thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, vì vậy khoảng 2 tuần trước tết dương lịch năm 2020, đơn vị đã triển khai các kế hoạch, giải pháp để nhập, dự trữ hàng hóa, đảm bảo không để thiếu nguồn cung. Ðặc biệt, theo dự báo, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu hàng hóa tăng cao hơn nữa, đơn vị đã nhập về kho tổng hàng hóa tăng khoảng 10% so với dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Hiện nay, đơn vị có 30 nhóm hàng với khoảng 30.000 mặt hàng, từ bánh kẹo, nước giải khát đến đồ điện tử, điện lạnh… đảm bảo cung cấp cho người dân. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đơn vị chú trọng chất lượng hàng hóa. Ðể tránh tiếp tay cho tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, đơn vị đã ký kết nhập các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng và được người tiêu dùng tin dùng, lựa chọn, như: Hãng Kinh Ðô, Bibica, Hữu Nghị…
Không chỉ tại doanh nghiệp, tại các chợ truyền thống, cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh, tiểu thương đã có kế hoạch chuẩn bị và dự trữ hàng hóa cho thị trường tết. Ngoài các mặt hàng phổ biến trong ngày tết như gạo, bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước ngọt… đã thấy xuất hiện những giỏ quà tết khá bắt mắt, mỗi giỏ quà có số lượng sản phẩm và chất lượng khác nhau tùy theo mức giá. Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ Trung tâm 1, phường Tân Thanh cho biết: Cũng như các năm trước, dịp này chúng tôi đã chủ động đặt hàng sớm để các cơ sở sản xuất làm kịp hàng cung cấp để phục vụ thị trường tết. Năm nay, dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau nên tôi chủ động lấy hàng rất sớm, từ cuối tháng 11 với số lượng lớn để bán luôn cho dịp Tết. Các mặt hàng phục vụ tết đa dạng về chủng loại, song giá cả không có biến động nhiều, thường chỉ có một số mặt hàng tăng nhẹ như: Bia, rượu, cà phê, bánh kẹo nhập ngoại. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “ế”, tôi chỉ đặt những mặt hàng, sản phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm, ưa chuộng.
Theo khảo sát của chúng tôi, thời điểm này, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối phong phú, đa dạng. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu cơ bản giữ ổn định. Chỉ riêng mặt hàng thịt lợn tăng giá cao so với mọi năm. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn cho thị trường giảm nên giá thịt lợn càng về cuối năm càng tăng cao. Ðây là nỗi lo lớn nhất của cả nhà quản lý và người tiêu dùng. Bởi, thịt lợn được tiêu thụ rất nhiều trong dịp tết, có nhiều món ăn mà thịt bò, thịt gà không thể thay thế được như bánh chưng, giò. Trước tình hình này, các cấp, ngành liên quan cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa; theo dõi sát diễn biến cung cầu, mức giá, nhất là với những sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong dịp Tết, bảo đảm nhân dân ăn tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm.