Ðảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành ngân hàng Lào Cai đã triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ tín dụng nhằm cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh trở lại.

Các ngân hàng trên địa bàn đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

Các ngân hàng trên địa bàn đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

Hơn 1.900 khách hàng vay vốn được hỗ trợ

Để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh trước những tác động từ dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lào Cai đã sớm chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh và rà soát mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn tại đơn vị. Bên cạnh đó, yêu cầu các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng theo Thông tư 01 của NHNN Việt Nam.

Là một trong những ngân hàng thương mại trên địa bàn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Lào Cai đã chủ động rà soát, thống kê dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất, giảm phí chuyển tiền tại quầy và qua các kênh ngân hàng điện tử... Theo đó, các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được giảm 0,5 - 1%/năm; khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp giảm 5 - 10% số lãi phải trả ngân hàng; khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Lào Cai đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch bảo đảm mọi hoạt động của ngân hàng cũng như của khách hàng không bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời xác định khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để thực hiện phương án hỗ trợ. Ông Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc Agribank Lào Cai cũng cho biết: Đơn vị không ngừng hoàn thiện, đổi mới phong cách phục vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, như đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ và cung ứng nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng trong việc nộp thuế, gửi tiền, chuyển khoản…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lào Cai, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã kịp thời triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến hết tháng 7/2020, các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ 1.901 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với dư nợ được hỗ trợ là 6.997 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 2.230 tỷ đồng, số lãi lũy kế đã giảm và khách hàng được hưởng là hơn 3,1 tỷ đồng đối với 865 khách hàng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.610 tỷ đồng đối với 423 khách hàng; doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 3.057 tỷ đồng của 613 khách hàng.

Tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lào Cai, tính đến ngày 31/8/2020, tổng nguồn vốn đạt 51.800 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, vốn huy động trên địa bàn đạt 28.700 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2019; nguồn vay Trung ương, huy động ngoài địa bàn và nguồn vốn khác đạt 23.100 tỷ đồng, tăng 235 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu là 0,89%.

Nguồn vốn cho vay được các ngân hàng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; các lĩnh vực tỉnh có lợi thế đang đẩy mạnh thu hút đầu tư như du lịch, thương mại, kinh tế cửa khẩu, chế biến sâu công nghiệp... Các ngân hàng và tổ chức tín dụng còn triển khai gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống chính đáng của người dân nhằm hạn chế nạn tín dụng đen, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 13.000 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp đạt gần 10 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là 8.100 tỷ đồng, dư nợ hợp tác xã là 60 tỷ đồng; dư nợ cho vay xuất khẩu là 565 tỷ đồng; dư nợ cho vay theo Nghị quyết 30a đạt 203 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng và tổ chức tín dụng còn đẩy mạnh thông tin về các chương trình, sản phẩm tín dụng và dịch vụ ngân hàng đang triển khai đến doanh nghiệp; trao đổi, giải đáp các thắc mắc liên quan đến tiếp cận tín dụng; đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, xác định đối tượng doanh nghiệp đang khó khăn để có các biện pháp tháo gỡ và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý. Dư nợ cho vay theo chương trình này đạt 18.146 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Đề, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lào Cai cho biết: Trong thời gian qua, các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Mặt bằng lãi suất ổn định, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Viết Vinh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/am-bao-nguon-von-phuc-vu-san-xuat-kinh-doanh-z3n20200910154624405.htm