Ðậm đà câu hát quê hương
Trong nhiều ca khúc viết về quê hương Bình Thuận, nhạc sĩ Huy Sôđã phát triển từ nhiều câu ca dao xưa, như trong ca khúc 'Đậmđà câu hát quê hương'ôngđãđưa vào những địa danh, những xóm làng mang đậm dấu ấn văn hóa của miền quê Hàm Thuận: Phú Tài,Đại Nẫm, Xuân Phong, Phú Hội, Bàu Da, Cây Trôm, Lại Yên, Xóm Lụa, Sa Ra…
Ðậm đà câu hát quê hương
Từ cửa sông Cà Ty đi lên, các làng quê Phú Tài, Đại Nẫm, Xuân Phong, Phú Hội…là cáclàng quê nằm liền nhau ở ngoại vi Phan Thiết thuộc phủHàm Thuận từ xưađã nổi tiếng miệt vườn trù phú. Nằm theo hai bên bờ suối Lạng có nhiều phù sa nên vùng Phú Hội - Đại Nẫm đất đai phì nhiêu, vườn tược cây trái xum xuê, rau xanh tươi tốt. Nhiều nhất là bưởi, chuối và xoài, các cô gái lại giỏi giang, mỗi sáng sớm gánh gánh rau về chợ lớn, làm các chàng trai dưới phố ngẩn ngơ: “Thò tay ngắt một cọng ngò/Thương em đứt ruột giả đò làm ngơ”. Trong dân gian vùng này cho đến giờ vẫn còn lưu truyền câu: “Đại Nẫm nhiều bưởi/Phú Hội chuối xoài/Phú Tài mạch nha/Xuân Phong cốm nếp”. Và nhất là câu: “Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài/Xuân Phong cốm nếp, Phú Tài mạch nha” nói lên đặc sản cây trái và bánh trái của vùng này: Chuối, xoài, bưởi, cốm, mạch nha… Đặc biệt làbưởi, ngày trước người ta đã từng so sánh:nếu ở trong Biên Hòa cóbưởi Tân Triều thì ngoài Phan Thiết cũng cóbưởi Phú Hội… Có câu hát rằng: “Gái Phú Hội lấy trai Phú Nhang/Đêm nằm hương bưởi mênh mang cõi lòng”.Thuở trướccòncó xóm động Cây Cám, một xóm nhỏ cuối làng Trinh Tường (nay thuộc phường Phú Thủy) chuyên trồng khoai,làm muối, khoaiđất cát độngở đây ngon nức tiếng, người ta truyền nhau câu ca:“Ai về Cây Cám ăn khoai/Đi lên Đại Nẫm ăn xoài chín cây”. Rồi các chàng trai Đại Nẫm ý tứ mở lời: “Khoai lang chấm muối khoai bùi/Lấy chồng Đại Nẫm biết mùi bưởi thơm”…
Còn vùng bên sông Cái từ chợ Cửa Phú Hàiđi lên vùng chợ Dinh, rồi chợ Xóm Lụa (thị trấn Phú Long ngày nay) và làng Lại Yên là vùng đất trù phú, giàu có nhất của phủ Hàm Thuận bởi ngoài đồng ruộng ngọt rộng lớn cả 2 miền thượng, hạ, còn có cánh đồng ruộng mặn sản xuất muối cho nghề làmnước mắm và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp dệt lụa, dệt vải ta (bông vải), chằm lá dệt đệm, làm mộc, làm lò… và đặc biệt là trên dòng sông Cáiđã sớm phát triển giao thương buôn bán. Ngày trước, thời phong kiến, biểutượng cho quyền lực và sự giàu có của một làng là ở sự to lớn uy nghi của ngôiđình làng, cho nên ngôiđình làng Lại Yên bên này và Thiện Mỹ (chợ Dinh) bên kia của đôi bờ sông Cái to lớn nhất nhì phủ Hàm Thuận, trong dân gian một thời truyền tụng câu phương ngôn“Trống Lại Yên, Chiêng Thiện Mỹ” nói lên sự to lớn uy nghi của 2 đình làng này trong “xuân thu nhị kỳ” tế lễ (rất tiếc 2 ngôiđình nàyđã bị phá bỏ trong tiêu thổ kháng chiến, sau ngày giải phóng mới xây dựng lại đình làng Lại Yên song bề thế không bằng đình xưa). Sinh hoạt văn hóa, hội hè của vùng này cũng rất nhộn nhịp nhất là ở xóm Lụa và Lại Yên như câu ca xưa mà nhạc sĩ Huy Sôđã phát triển trong ca khúc“Đậmđà câu hát quê hương”:“Ai về xóm Lụa coi ca/Lại Yên hát bội/Sa Ra bài chòi”.
Thời đó, thuyền buôn Trung Hoa đến giao thương buôn bán khá đông, nhập vào tơ lụa, sành sứ, thuốc Bắc… và mang đi nước mắm, cá khô, dầu rái, chai cục…Từ đầu thế kỷ XX lại có quốc lộ 1 (đường thuộc địa số 1) chạy qua và cácđường nhánh Phú Hài- Kim Ngọc và Phú Hài- Phú Long nên trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xóm Lụa – Phú Long đã trở thành “tiểu thị tứ”, trung tâm thương mại vùng với ngôi chợ vùng và nhiều quán hàng cửa tiệm: cá mắm, rau xanh, đậu mè, chạp phô, thuốc Bắc, may mặc, vàng bạc, thợ nhuộm, cắt tóc, bánh hỏi, bánh tráng… và một đời sống của “kẻ chợ”, chỉ sau chợ lớn Phan Thiết. Bấy giờ phát triển giao thương qua những chuyến ghe bầu, chúng tôi sưu tầmđược câu ca nói về những cặp vợ chồng mới “ra riêng” thời đó:“Hai tay bưng khay trầurượu/Lạy cha, cha cho cặp trâu/Lạy mẹ cho chiếc ghe bầu/Lạy năm bảy chị cho năm chục đồng/Phải chi thuận vợ thuận chồng/Bỏ xuống ghe làm vốn xuôi trong Sài Gòn/Em không trắc nết lăng loàn/Sao anh vô sòng xócđĩa không còn nhớt xu”. Hai câu đầu cho ta thấy sự giao thông và buôn bán thời đó, xe trâu (cặp trâu) để đi thu mua vận chuyển hàng hóa lâm thổ sản và nông sản, hải sản về tập kết xuống ghe bầu chở đi buôn bán ở các nơi, nhất là trong Nam mà Sài Gòn là trung tâm. Tuy vậy, bốn câu ca cuối đã cho thấy “mặt trái của cơ chế thị trường thời đó”, qua sự giao thương buôn bán,điđâyđiđó, gặp điều hay cũng nhiều, màđiều dỡ cũng không kém, trước Cách mạng Tháng Tám tệ nạn cờ bạc, hút xách… tràn lan làm xáo trộn nếp sống làng quê. Tuy nhiên cũng có cái mới cái hay, lúc bây giờ trong Nam bộ đang phát triển“đờn ca tài tử” và ca ra bộ “cải lương”, theo những chuyến ghe bầu các thầy đờn với máu tài tử giang hồ đã ra Bình Thuận truyền dạy đờn ca ở các vùng thị tứ đông dân như Phan Thiết, xóm Lụa (Phú Long), Mũi Né, Phan Rí, Long Hương… Các gánh cải lương cũng về che rạp hát, có cả gánh “SơnĐông mãi võ” tổ chức “đánh võđài”… Từ đó có câu ca: “Ai về xóm Lụa coi ca”… Ca là ca cải lương, còn hát là hát bội. Nhưđã nói ở trên, làng Lại Yên là một làng lớn, giữ vững nghi lễ truyền thống, xuân thu nhị kỳ tế lễ là có tổ chức hát bội, dân gian gọi là “trong chay, ngoài bội”. Mặt khác “trống Lại Yên” màđánh chầu hát bội thì 3 làng đều nghe tiếng, cho nên có câu“Lại Yên hát bội”! Còn vùng Sa Ra bên chân núi Tà Dôn vì ở xa trung tâm, thì thôi “Đêm trăng thanh trải chiếu hát bài chòi”, không cần đờn, chỉ cần 2 thanh tre gỏ nhịp, vui với nhau sau một ngày cày bừa cấy gặt trên đồng.
Sa Ra là tên một vùng đất cũ của người Chăm, nằm dưới chân một ngọn núi có tên gọi núi Tà Dôn. Người miệt đồng Sa Ra hàng ngày thường đi chợ miệt biển Mũi Né. Từ nửa đêm mỗi người một gánh gạo hay khoai nọc, đậu mè, dưa thơm, những sản vật của vùng ruộng rẫy, leo lên động cát qua vùng Rẫy Thơm tới Giếng Triền, băng qua chập chùng động cát mới tới chợ Rạng, rồi từ chợ Rạng ra chợ Mũi Né tiếng là đường cái xứ nhưng cát là cát, băng qua cái dốc bà Banh thì trời sáng tỏ. Như vậy đoàn người đã gánh gánh đi từ núi Tà Dôn ra động Mũi Né, đi chân không qua đường rừng, động cát, đi qua trọn xã Thiện Nghiệp ngày nay từ Tây sang Đông, ước chừng trên 15 cây số. Tan buổi chợ, đã trưa, lại mỗi người một gánh cá lên vai, đi ngược lại cho kịp buổi chợ chiều của miệt Sa Ra. Để rồi, không biết từ thuở nào vùng đất này có câu phương ngôn nổi tiếng. Đólàcâu:“Cá hôi Mũi Né – Trâu bán Sa Ra”. Trời ơi! Thật tuyệt vời các tác giả dân gian. Cá hôi thì mũi phải né chớ sao, còn trâu nó báng thì phải xa ra là đúng rồi. Tuyệt vời hơn là ai muốn ăn cá mắm thì cứ ra Mũi Né (hồi đó chữ “hôi” thật nhẹ nhàng không phải như “hôi của” ngày nay, ai muốn có cá ăn thì cứ ra Mũi Né đeo cái đai vô xúm kéo lưới rùng, hoặc xúm vô gánh cá, gở cá, khiêng cá thì được chia một phần ngay). Còn muốn sắm một cặp trâu đi rừng cho tốt thì cứ tới Sa Ra là có người bán ngay, tha hồ mà chọn.
Lại nói vềđêmtrăng thanh giómát, trai gái trong cáclàng say sưa hátđối, hát sai sàng.Trước hết là các câu hát hẹn hò, tình cảm, tình tứ. Về Phú Hài, chúng tôi gặp câu ca xưa: “Rừng núi Cố không nhiều mà rậm/Biển Phú Hài không thẳm mà sâu/Gặp nhau mới thuở ban đầu/Miệng cười mắt liếc thay câu tỏ tình”.Hoặc: Ngó ra ngoài biển ba lần/Thấy anh ở trần trong bụng xót xa/Trở về mua lụa đậu ba/Cắt áo cổ giữa mà tra nút vàng/Không ai gởi áo cho chàng/Áo này chàng bận cho nhàn tấm thân/Áo rách còn bốn láđinh/Sao anh không nghĩ công tình em may/Tốn chỉ lại tốn thêm dầu/Thức đêm mỏi mệt thảm sầu bạn ơi”.Trai gái thời nào cũng vậy, ngoài những câu hát tình tứ, tình cảm thì còn có những câu hát chọc ghẹo quá lỳ lợm dị hợm như có chàng trai hát : “Đi qua Phú Hội ghé chơi/Thấy cô con gái đang phơi dưới bàu/Dưới bàu có con cá tràu/Nó theo nó đớp làm sao không buồn”. Trở lại với đêm trăng kéolưới ở Quán Thùng, trong khi các cô gái ướm thử: “Thương anh em cũng muốn theo/Sợ truông Khe Cả, sợ đèo Tú Luông” (Hồi ấy ở Khe Cả rừng còn rậm rịt, cọp, heo rừng thường xuyên ra ngắm biển, còn đèo Tú Luông (Tú Long - Bình Tú) thì dốc cao dốc đứng) thì các chàng trai lại đùa cợt vô duyên:“Thương em anh quyết đi theo/Qua truông rậm rịt, vượtđèotùmlum”… Các côgái thì chẳng vừa gì, hát lại rằng: “Sáng trăng anh tới anh chơi/ Xăn quần em đái lội bơi anh về…”.
Đólà những câuhát của các chàng trai cô gáiđã tới mức “dạn dĩ”. Còn ở lứa tuổi “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” thì vô cùng trong trắng. Thuở ấy các cậu học trò học xong sơ cấp ở trường làng thì tập trung về Phan Thiết học trường tiểu học Pháp Việt, để rồi các cô gái:“Sớm mai xách dĩa mua tương/Gặp anh trong trường cầm bútđi ra/Hỏi thăm anh học trường nào/Mua ba tờ giấy gởi vào cho anh” hoặc “Tay bưng một dĩa bánh bò/Lén cha lén mẹ cho tròđi thi”. Để rồi: “Làm một cái thơ/Gởi về Phú Hội/Gởi vội Bàu Da/Gởi qua Phan Thiết/Gởi miết Cây Trôm/Bớ anh ơiăn học cho khôn/Đừng lại mà lêu lõng nam nồm cực em”…
Trong dân gian còn truyền kể lại chuyện ngày trước các quan phủ Hàm Thuận thường gọi “người đẹp” vào hầu, dân gian mới có câu ca: “Tai nghe quan phủ đòi hầu/Mua trái bồ kết gội đầu cho thơm”. Cólầnđi điền dã tôi bắt gặp câu ca:“Anh về Phan Thiết đưa đò/Trước đưa quan khách sau dò ý em”, phải chăng đó là câu hát của một người chèo đò nghèotình si nào đó !?.
***
Trong một số báo trước, chúng tôi có bài “Tìm hiểu đôi câu ca dao, tục ngữ trên quê biển Bình Thuận” nay có bài tiếp “Đậm đà câu hát quê hương” với mong muốn có thêm nhiều người sưu tầm và ghi chép lại để các câu hát thuở nào trở thành di sản của một miền quê thương nhớ!...
Ghi chép:VÕ NGỌC VĂN
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/%C3%B0am-da-cau-hat-que-huong-128911.html