Ảm đạm thị trường lịch Tết

Vào thời điểm này nhiều năm trước, trên khắp các cửa hàng văn phòng phẩm, nhà sách đã ngập tràn sắc màu rực rỡ của lịch Tết. Nhưng năm nay, mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là sang năm 2022, nhưng thị trường lịch Tết Nhâm Dần lại vô cùng trầm lắng, người mua thưa thớt.

Lịch Tết năm 2022 tại Cửa hàng sách và thiết bị trường học Vĩnh Phúc vẫn thưa thớt khách mua

Lịch Tết năm 2022 tại Cửa hàng sách và thiết bị trường học Vĩnh Phúc vẫn thưa thớt khách mua

Tại các cửa hàng sách, văn phòng phẩm trên địa bàn tỉnh, các loại lịch Tết đã được bày bán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, lịch Tết năm nay không có nhiều thay đổi về mẫu mã, chủng loại so với những năm trước.

Phần lớn vẫn là các mẫu lịch để bàn, lịch tuần, lịch block treo tường với những chủ đề quen thuộc về hoa, cây cảnh mùa xuân; phong cảnh quê hương, đất nước; ẩm thực, lễ hội; phù điêu, bon sai...

Mặc dù năm 2022 là năm Nhâm Dần, nhưng hình ảnh con hổ trên các mẫu lịch cũng khá đơn điệu, không đa dạng, phong phú, đặc sắc như linh vật của những năm trước. Về chất liệu, ngoài chất liệu giấy thông thường, các nhà sản xuất cũng đã sáng tạo hơn khi in lịch trên chất liệu gỗ, nhựa, in 3D, giấy bìa cứng cao cấp mạ vàng.

Tùy từng chất liệu và kích thước nên giá cả các loại lịch cũng khác nhau, trong đó, lịch treo tường có giá từ 15 - 50 nghìn đồng/cuốn; lịch để bàn từ 25 - 55 nghìn đồng/sản phẩm. Những loại lịch block có giá từ 40 - 600 nghìn đồng/sản phẩm.

Theo nhân viên Cửa hàng sách và thiết bị trường học Vĩnh Phúc (phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên): Lịch Tết đã được cửa hàng nhập và bán từ đầu tháng 11/2021. Năm nay, mặc dù nguồn nguyên liệu khó khăn nhưng giá bán các loại lịch không tăng, thậm chí cửa hàng còn giảm từ 15-20% so với giá niêm yết để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, sức mua vẫn khá chậm, bởi vậy, cửa hàng cũng chỉ nhập số lượng “cầm chừng” vừa bán vừa lựa, nếu nhu cầu khách tăng thì mới nhập tiếp.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, chủ nhà sách Thu Thủy, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên các công ty in, phát hành lịch của các tỉnh phía Nam sản xuất lịch với số lượng rất hạn chế, việc vận chuyển sản phẩm ra miền Bắc cũng khó khăn nên cửa hàng cũng không nhập được nhiều như trước. Nếu như khoảng 2 – 3 năm trước, thời điểm này, người đi mua lịch năm mới rất đông thì năm nay, mỗi ngày chỉ lác đác vài khách mua hoặc tham khảo giá, mẫu mã.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sức mua chậm so với mọi năm, đại diện Cửa hàng sách và thiết bị trường học Vĩnh Phúc cho biết: Hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp năm nay đều gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 nên không đặt mua lịch để biếu, tặng như trước; còn với người dân cũng phải thắt chặt chi tiêu trong thời điểm dịch bệnh và có tâm lý chờ giáp Tết mới đi mua lịch.

Điều đáng nói là hiện nay công nghệ phát triển, lịch đều đã được tích hợp vào các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại nên lịch giấy cũng không còn được ưa chuộng, quan tâm nhiều, nhất là với người trẻ.

Anh Hoàng Trung Hiếu, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Năm nào cùng vậy, cùng với việc chỉnh trang nhà cửa đón Tết, tôi không quên treo lên tường một cuốn lịch năm mới.

Việc xem ngày chỉ là một phần, quan trọng nhất là thấy tờ lịch mới là thấy có không khí Tết rộn ràng, tươi mới hơn cho ngôi nhà. Nhưng tôi nhận thấy, vài năm trở lại, mặc dù các nhà sản xuất lịch đã có sự đổi mới trong lựa chọn hình ảnh, chất liệu làm lịch tuy nhiên tôi vẫn mong muốn lịch Tết thể hiện sự sáng tạo, đột phá, bắt nhịp thời cuộc hơn nữa để đẹp hơn, đặc sắc hơn.

Với mỗi thế hệ người Việt Nam, lịch Tết ngoài chức năng xem ngày, tháng thì còn mang giá trị là một ấn phẩm thể hiện nét đẹp văn hóa mỗi độ Tết đến, xuân về. Mỗi ấn phẩm lịch Tết là kênh thông tin, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, phong tục tập quán của mỗi vùng miền, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo chiều dài lịch sử đất nước.

Bởi vậy, lịch Tết vẫn được coi là một món quà đầy ý nghĩa trong dịp năm mới để chúng ta biếu, tặng người thân, bạn bè, đối tác kinh doanh. Để những cuốn lịch Tết không mất đi giá trị của mình, có lẽ những nhà sản xuất cần quan tâm đầu tư phát triển những sản phẩm mới đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, lưu giữ văn hóa phẩm ý nghĩa này để thu hút người tiêu dùng hơn nữa, nhất là giới trẻ.

Bài, ảnh: Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71698/am-dam-thi-truong-lich-tet.html