'Âm Dương Sư: Tình Nhã Tập' - kỹ xảo khoa trương, nội dung nửa vời
Đảm bảo tính giải trí nhờ kết hợp nhiều yếu tố ăn khách, nhưng tác phẩm dựa trên thương hiệu giả tưởng từ Nhật Bản chưa thành công trong việc tạo điểm nhấn cho khán giả.
Thể loại: Cổ trang, giả tưởng huyền huyễn
Đạo diễn: Quách Kính Minh
Diễn viên: Triệu Hựu Đình, Đặng Luân, Uông Đạc, Vương Tử Văn
Đánh giá: 6/10
Âm Dương Sư nguyên gốc là loạt truyện ngắn và tiểu thuyết Onmyōji do tác giả Baku Yumemakura sáng tác, xuất bản lần đầu trên tạp chí All Yomimono từ năm 1986.
Đến nay, đã có gần 20 tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết Âm Dương Sư được xuất bản. Thương hiệu cũng nhiều lần được chuyển thể thành truyện tranh, phim truyền hình dài tập và phim điện ảnh riêng tại quê hương Nhật Bản.
Tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, thương hiệu Âm Dương Sư được biết đến chủ yếu nhờ loạt game nổi tiếng cùng tên do hãng NetEase Games phát hành năm 2016. Dù cơ bản vẫn dựa trên nguyên tác, các phiên bản điện ảnh của Âm Dương Sư do giới làm phim Đại Lục thực hiện đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ loạt game nội địa.
Hiện tại, có ít nhất hai phiên bản điện ảnh Âm Dương Sư của Trung Quốc được chế tác độc lập. Tác phẩm đầu tiên có tên Âm Dương Sư: Tình Nhã tập do Quách Kính Minh làm biên kịch kiêm đạo diễn, với sự tham gia của Triệu Hựu Đình, Đặng Luân, Uông Đạc, Vương Tử Văn. Tác phẩm đã ra mắt khán giả Đại Lục từ 25/12/2020 và được phát hành toàn cầu qua hệ thống Netflix.
Tác phẩm tiếp theo cũng mang tên Âm Dương Sư do Lý Uất Nhiên làm đạo diễn, với sự tham gia của Trần Khôn, Châu Tấn, Khuất Sở Tiêu, Thẩm Nguyệt, Vương Lệ Khôn, dự kiến khởi chiếu vào dịp Tết Nguyên đán 2021 tại Trung Quốc.
Câu chuyện kết hợp nhiều thể loại
Âm Dương Sư: Tình Nhã tập diễn ra trong một thế giới giả tưởng, nơi con người và yêu quái cùng nhau tồn tại. Nhiều năm trước, đại yêu quái Họa Xà giáng thế gieo rắc tai ương cho bách tính. Bốn vị pháp sư đến từ bốn môn phái lớn đã hợp lực để phong ấn Họa Xà tại Thiên Đô Thành. Nhiều thế hệ tiếp tục trấn giữ và ngăn cản âm mưu tái sinh của yêu vật.
Đến một ngày, hư ảnh của Họa Xà xuất hiện mạnh đến mức có thể thoát khỏi kết giới bất cứ lúc nào. Lo ngại đại yêu tái thế, triều đình tại Thiên Đô lập tức triệu tập các pháp sư của bốn môn phái vào triều, tái lập phong ấn nhằm giam giữ Họa Xà vĩnh viễn.
Tuy nhiên, khi đại sự chưa kịp diễn ra, một trong bốn pháp sư bị sát hại. Các pháp sư nghi ngờ có kẻ âm mưu phá hoại phong ấn để giải phóng Họa Xà, dẫn đến một cuộc chiến ngầm nhằm tìm ra chân tướng, ngăn chặn tai kiếp cho thiên hạ.
Đề tài pháp sư hàng yêu trừ ma đã quá quen thuộc với văn hóa và điện ảnh Hoa ngữ qua hàng loạt thương hiệu lừng danh như Thanh Xà - Bạch Xà, Thiến nữ u hồn, Liêu trai chí dị, Truy lùng quái yêu… Do đó, về mặt đề tài, Âm Dương Sư: Tình Nhã tập không có gì mới mẻ dù được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết cùng tên đến từ Nhật Bản.
Về mặt câu chuyện, bộ phim đem đến cho khán giả mô-típ hàng yêu tróc quỷ khuôn mẫu và điển hình, được kể dưới góc nhìn của nhân vật chính là các pháp sư. Điểm nhấn của Âm Dương Sư: Tình Nhã tập đến từ việc kết hợp nhiều thể loại, ý tưởng, nhằm cố gắng làm mới câu chuyện kiểu cũ.
Tâm điểm của bộ phim là sự kết hợp giữa hai pháp sư Tình Minh (Triệu Hựu Đình) và Bác Nhã (Đặng Luân) nhằm khám phá âm mưu thực sự của kẻ thù trong bóng tối. Đây là mô-típ “buddy cop” quen thuộc: hai nhân vật với cá tính khác biệt, cùng liên thủ một cách bất đắc dĩ vì nhiệm vụ chung.
Quá trình điều tra phá án của tuyến nhân vật chính mang đậm phong cách trinh thám cổ trang trong các tác phẩm cùng loại như loạt Địch Nhân Kiệt quen thuộc. Bên cạnh đó, Âm Dương Sư: Tình Nhã tập cũng không quên xây dựng yếu tố tình cảm lãng mạn, đặc biệt thông qua các nhân vật phản diện nhằm tạo chiều sâu cho tuyến nhân vật này.
Điều này giúp cho câu chuyện của Âm Dương Sư: Tình Nhã tập dù quen thuộc, trung thành với mô-típ có sẵn, lại vẫn có nét thú vị riêng với nhiều hương vị kết hợp nhằm hướng đến nhiều đối tượng khán giả.
Kỹ xảo khoa trương, nhưng thiếu chất
Là một tác phẩm điện ảnh đề tài cổ trang giả tưởng huyền huyễn, Âm Dương Sư: Tình Nhã tập’ được đầu tư rất lớn về mặt hiệu ứng hình ảnh. Về cơ bản, chất lượng kỹ xảo của bộ phim có thể chấp nhận được với tiêu chuẩn của một tác phẩm Hoa ngữ nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.
Bối cảnh Thiên Đô thành trong phim được xây dựng tương đối chỉn chu, nhưng tạo cảm giác lặp lại, thiếu đa dạng do các nhân vật thường xuyên chỉ di chuyển trong một khu vực Ti Thiên Giám nhỏ hẹp cố định.
Các bối cảnh trong phim chủ yếu nằm trong trường quay với hiệu ứng ánh sáng nhân tạo rất dễ nhận biết. Điều này khiến cho nhiều phân cảnh tỏ ra nhạt nhòa, thiếu sức sống do không tạo được chiều sâu như ánh sáng tự nhiên.
Các bối cảnh đêm hoặc cảnh nội trong phim được thực hiện hợp lý hơn, tạo không khí cổ trang huyền huyễn khá tốt. Phần hiệu ứng phép thuật của các nhân vật và tạo hình yêu quái được thực hiện ở mức khá, đủ để tạo ra cảm giác kịch tính và mãn nhãn cho khán giả.
Tuy nhiên, dù đã nỗ lực để xây dựng nên một thế giới giả tưởng nơi nhân-yêu đồng nhất, cùng những trận đại chiến long trời lở đất giữa pháp sư và đại yêu quái, Âm Dương Sư: Tình Nhã tập chỉ mới thể hiện được cái khoa trương bề ngoài, chứ chưa tạo được chất riêng cho mình.
Tạo hình các yêu quái và Thức thần - những sinh vật mang pháp lực siêu nhiên phục vụ cho các Pháp sư - chưa có sáng tạo và điểm nhấn nổi bật. Tất cả sinh vật chỉ đơn giản là do diễn viên người đóng được trang điểm đơn giản, nhìn không khác biệt gì so với người thường nhưng sở hữu siêu năng lực mạnh mẽ vượt trội.
Trong khi đó, một vài nhân vật phụ có vai trò rất nhỏ như Phát yêu (yêu quái tóc) lại được thể hiện tà dị, phong phú hơn hẳn. Điều này gợi cảm giác bất hợp lý và thiếu nhất quán trong tư duy đội ngũ chế tác tạo hình.
Thêm vào đó, việc thể hiện năng lực pháp thuật của các pháp sư trong phim còn hạn chế và thiếu sáng tạo. Toàn bộ phim gần như chỉ có một vài chiêu thức dịch chuyển tức thời hoặc tạo khiên chắn bằng Thủ Hộ chú lặp đi lặp lại. Chúng có thể đẹp mắt, nhưng sớm tỏ ra nhàm chán. Trong khi đó, các chiêu thức tấn công thì toàn đòn đánh bằng tay chân và binh khí bình thường đơn điệu.
Ôm đồm nhiều thứ, nhưng chỉ ở mức nửa vời
Âm Dương Sư: Tình Nhã tập cố gắng kết hợp phong cách đặc trưng của nhiều thể loại vào trong một bộ phim theo mô-típ trảm yêu trừ ma truyền thống. Tuy nhiên, việc ôm đồm quá nhiều thứ trong phim lại chưa gặt hái thành công như mong đợi.
Phong cách “buddy cop” kết hợp điều tra phá án từng được thể hiện khá thành công trong hai phần phim Địch Nhân Kiệt gần đây do Từ Khắc làm đạo diễn, cũng có sự tham gia của Triệu Hựu Đình trong vai chính Địch Nhân Kiệt bên cạnh bạn diễn Phùng Thiệu Phong. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của Địch Nhân Kiệt trong Âm Dương Sư: Tình Nhã tập bởi hướng đi tương đồng ban đầu.
Công bằng mà nói, bản thân nguyên tác Âm Dương Sư cũng tập trung vào màn hợp tác giữa hai nhân vật chính Tình Minh và Bác Nhã. Do đó, việc bộ phim chuyển thể trung thành với nguyên tác là điều dễ hiểu. Quá trình điều tra phá án trong phim không được chặt chẽ và công phu như Địch Nhân Kiệt, nhưng cũng có thể chấp nhận được với một tác phẩm giả tưởng huyền huyễn là chủ đạo.
Điều đáng bàn nằm ở cách bộ phim xây dựng hai nhân vật chính và mối quan hệ giữa họ. Trong Địch Nhân Kiệt, bộ đôi Địch Nhân Kiệt và Úy Trì Chân Kim được đầu tư xây dựng tương đồng về thời lượng, hoàn cảnh và cá tính đều rõ rệt, với mối quan hệ phát triển hợp lý từ thế đối địch sang hợp tác một cách tự nhiên.
Còn trong Âm Dương Sư: Tình Nhã tập, mối quan hệ giữa Tình Minh và Bác Nhã giờ đây bị “bẻ lái” một cách thái quá theo hơi hướm đam mỹ, chứ không còn là anh hùng trọng anh hùng đơn thuần nữa.
Diễn biến liên kết giữa hai nhân vật được xây dựng quá chóng vánh, vội vàng, gần như không có nền tảng cơ sở vững chắc. Từ hai cá nhân có cái tôi mạnh mẽ, với lý tưởng khác biệt đến mức gần như xung đột, vậy mà cả hai lại có thể nhanh chóng bỏ qua định kiến ban đầu để kết thân một cách khó hiểu thông qua vài ba câu thoại sơ sài.
Điều này càng khó hiểu trong bối cảnh các nhân vật đang rơi vào tình huống đối địch do cùng là nghi can của một vụ án mạng bí ẩn. Càng về sau, biên kịch và đạo diễn càng thể hiện sự áp đặt lộ liễu cho các nhân vật khi liên tục “ép duyên” Tình Minh và Bác Nhã, nâng tầm họ thành đôi nhân vật chính hành hiệp trượng nghĩa đầy đơn điệu và một chiều.
Mối liên kết giữa bộ đôi nam chính không thuyết phục không chỉ bởi cách xây dựng liên kết, mà còn đến từ cách thức xây dựng nhân vật có vấn đề của kịch bản. Tình Minh của Triệu Hựu Đình gần như là một bản sao của Địch Nhân Kiệt mà anh đã từng hóa thân trước kia.
Nhưng nếu Địch Nhân Kiệt tài trí hơn người, vững vàng, đáng tin cậy, thì Tình Minh lại không tạo được cảm giác đó. Ngay đầu phim, nhân vật được miêu tả là người vừa thiếu tài trí, mà còn có phần cao ngạo, dẫn đến hậu quả nặng nề là cái chết của sư phụ anh. Chi tiết thể hiện đây là nhân vật khiếm khuyết, không hoàn hảo.
Nhưng ngay sau đó, bộ phim lại bỏ quên chi tiết này khi để nhân vật tỏ vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra, vẫn duy trì cá tính cao ngạo khi đối đầu người khác. Càng về sau Âm Dương Sư: Tình Nhã tập càng tìm mọi cách nâng Tình Minh thành vai chính toàn thiện toàn mỹ, văn võ toàn tài một cách hiển nhiên, chẳng cần phải cố gắng để thay đổi hay vượt qua thử thách.
Điều này làm cho ý đồ xây dựng nhân vật ban đầu của bộ phim bị gãy và trở nên thừa thãi. Tình Minh tưởng như sẽ trở thành nhân vật đa dạng, có chiều sâu, cuối cùng cũng chỉ là người “ngậm sẵn thìa bạc” hay nói đạo lý.
Ở vế ngược lại, nhân vật Bác Nhã chỉ là bản sao nhạt nhòa của Úy Trì Chân Kim. Nhân vật của Đặng Luân liên tục bị “dìm hàng” một cách không thương tiếc, từ vị trí Đại đệ tử của Tịnh Vân Đài đã thủ hộ Thiên Đô hàng trăm năm - một nhân vật trí dũng vô song, chí công vô tư - bỗng trở thành vị pháp sư nhạt nhòa thiếu chính kiến, tài nghệ hạn chế, chỉ biết chạy theo sau Tình Minh một cách thụ động.
Bác Nhã từ hình tượng đối tác đồng cấp bỗng trở thành trợ thủ dưới cấp một cách tội nghiệp. Thậm chí, những gì anh thể hiện sau này còn thua kém cả những Thức thần do Tình Minh triệu hồi. Định hướng xây dựng nhân vật của Âm Dương Sư: Tình Nhã tập có thể đáp ứng được ý đồ “đam mỹ hóa”, nhưng lại làm chất lượng tổng thể của tác phẩm giảm sút.
Đối với các tuyến nhân vật còn lại, bộ phim cố gắng xây dựng chiều sâu thông qua một câu chuyện tình cảm vượt qua lý trí. Bản chất ý tưởng này không tệ, nhưng cách thức truyền tải lại chưa được rõ ràng và hiệu quả, khiến cho hoàn cảnh và câu chuyện của tuyến phản diện không tạo được sự đồng cảm cần thiết với khán giả như kỳ vọng.
Âm Dương Sư: Tình Nhã tập có đủ các yếu tố để tạo nên một tác phẩm hấp dẫn. Tuy nhiên, việc xử lý chưa khéo léo khiến bộ phim trở nên ôm đồm nhưng nhạt nhòa, nửa vời. Tác phẩm vẫn đảm bảo tính giải trí cơ bản, nhưng khó ghi được dấu ấn so với các thương hiệu cùng loại.