Âm hưởng hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử

Tháng Tư về trong sắc nắng vàng như mật ong trải dài trên những con đường, hàng cây. Khắp các nẻo đường quê hương rực rỡ cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/42025).

Ông Lê Văn Đáng (người thứ 2, từ trái sang) chia sẻ những kỷ niệm về thời thanh xuân rực lửa với cán bộ phường Tân Thành (thành phố Hoa Lư).

Ông Lê Văn Đáng (người thứ 2, từ trái sang) chia sẻ những kỷ niệm về thời thanh xuân rực lửa với cán bộ phường Tân Thành (thành phố Hoa Lư).

Nửa thế kỷ đã qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn vang vọng mãi, khơi dậy trong lòng mỗi người dân Việt Nam niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc. Đặc biệt, với những người lính đã đi qua năm tháng chiến tranh, tháng Tư không chỉ mang màu nắng rực rỡ mà còn là màu của ký ức-ký ức về một thời tuổi trẻ sôi nổi, về những trận chiến hào hùng và cả những hi sinh, mất mát không thể nào quên.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Núi (thị trấn Yên Ninh, Yên Khánh) là một trong những người lính may mắn có mặt ở Dinh Độc Lập vào đúng thời khắc lịch sử của dân tộc 50 năm trước. Giây phút lá cờ Giải phóng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã khắc sâu vào tâm trí ông.

Hồi tưởng lại giây phút đó, ông xúc động chia sẻ: Trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Người dân ôm chầm lấy nhau, vui mừng, hò reo, họ hô vang: “Sài Gòn giải phóng rồi!”, “Quân giải phóng muôn năm!”. Chúng tôi-những người lính cũng ôm chặt lấy nhau, trong niềm vui sướng tột cùng, xen lẫn tiếng cười là những giọt nước mắt... Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui Bắc-Nam sum họp một nhà, nhưng cũng nghẹn ngào khi nghĩ về những đồng đội đã hi sinh ngay trước ngưỡng cửa chiến thắng… Để có được giây phút thiêng liêng ấy, trước đó là những ngày chiến đấu không ngừng nghỉ.

Ông nhớ lại khí thế sục sôi trước giờ xuất trận: “Cuối tháng 4 năm 1975, khi biết đơn vị được vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, các cán bộ, chiến sĩ ai cũng phấn khởi, quyết tâm rất cao. Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam”, ngày 20/4, đơn vị của tôi (Đại đội pháo 105, Sư đoàn 2, Quân khu 5) được lệnh hành quân đánh thẳng vào phòng tuyến Xuân Lộc-một trọng điểm tuyến phòng ngự phía Tây của địch.

Trong trận đánh này tôi đã trực tiếp chỉ huy một khẩu đội pháo cùng với các lực lượng tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng Xuân Lộc, mở cửa ngõ cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Trong trận này, 2 chiến sĩ của khẩu đội pháo đã hi sinh…” 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút, ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trong đội hình tổng công kích ấy, ông Đỗ Xuân Núi vinh dự là một trong những chiến sĩ của Đại đội pháo 105, Sư đoàn 2, Quân khu 5 cùng với các đội quân chủ lực của Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập. Năm 1970, khi mới 16 tuổi, chàng trai Đỗ Xuân Núi xung phong lên đường nhập ngũ với nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng bảo vệ Tổ quốc. Những ngày tháng ở chiến trường đã tôi luyện trong ông bản lĩnh kiên cường cùng tinh thần vượt khó, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.

Sau giải phóng miền Nam, ông cùng đồng đội nhận lệnh làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và tham gia chiến đấu ở đó 10 năm. Năm 1987, ông được cử đi học, rồi về công tác tại Tỉnh đội Ninh Bình, từng giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2009, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Cùng chứng kiến thời khắc thiêng liêng của dân tộc ở Sài Gòn ngày 30/4/1975, với ông Lê Văn Đáng, cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đó mãi là kỷ niệm không bao giờ phai. Tháng 5 năm 1974, ông Lê Văn Đáng thi đỗ vào Khoa Sử học, Đại học Sư phạm Hà Nội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tạm xếp bút nghiên xung phong lên đường ra mặt trận. Sau chặng đường hành quân thần tốc vào Nam và là một trong 3 người vinh dự được kết nạp Đảng, ông được biên chế về Lữ đoàn 316 đặc công Biệt động Sài Gòn.

Đây là Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược về mặt quân sự, khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, đồng thời phát huy tối đa lợi thế chiến thuật của lực lượng biệt động đặc công đối với chiến trường đô thị phức tạp như Sài Gòn. Một trong những trận đánh có tính chất quyết định đó là trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc-cây cầu huyết mạch xung quanh thành phố để mở đường cho các cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Các đơn vị của Lữ đoàn 316 đã chiến đấu kiên cường trước sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Đến rạng sáng ngày 30/4/1975, sau 4 ngày đêm chiến đấu, Lữ đoàn đã đánh chiếm, giành quyền kiểm soát và bảo vệ cây cầu huyết mạch, mở cánh cửa để Quân đoàn 2 đưa xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, góp phần giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong trận đánh quả cảm đó, 52 chiến sĩ của Lữ đoàn đã anh dũng hi sinh, bản thân ông Lê Văn Đáng bị thương.

Nhớ lại khoảnh khắc tiến vào Sài Gòn chiều ngày 30/4/1975, ông Đáng không khỏi xúc. Ông kể: Đầu giờ chiều ngày 30/4, chúng tôi vào đến nội thành, người dân ùa ra đường chào đón Đoàn quân giải phóng, trên khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, hân hoan phấn khởi khi đất nước giải phóng. Đồng bào phấn khởi, ôm chặt lấy các chiến sĩ, cung cấp các nhu yếu phẩm và cùng các chiến sĩ hân hoan trong ngày vui giải phóng. Cờ hoa tung bay khắp mọi tuyến đường, không khí ấy, niềm hạnh phúc ấy nối dài, rưng rưng khó nói thành lời…

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Đáng trở lại giảng đường, học tập và trở thành giáo viên. Quá trình công tác, ông từng kinh qua nhiều vị trí như cán bộ Tuyên giáo và sau này là Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đến khi nghỉ hưu (năm 2016). Năm 2020, ông được Chi bộ phố Trung Nhì, phường Tân Thành, thành phố Hoa Lư tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ và giữ cương vị từ đó đến nay. Ông Đáng tâm sự: Mặc dù chỉ có 2,5 năm tham gia quân ngũ, nhưng đối với tôi, đây là quãng thời thanh xuân tươi đẹp nhất. Đặc biệt, được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng góp một phần nhỏ bé cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc với tôi đó là vinh dự, tự hào. Niềm vui chiến thắng và chiến công không của riêng ai, mà là thành quả của biết bao thế hệ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc…

50 năm đã qua kể từ ngày giang sơn thu về một mối, song ký ức tháng Tư lịch sử của những người lính đã bước ra từ cuộc chiến vẫn vẹn nguyên, là kỷ niệm đẹp khó phai về một thời hoa lửa. Nơi đó có nhiệt huyết tuổi thanh xuân, những trận đánh đi vào lịch sử, niềm vui chiến thắng và cả nỗi tiếc thương đồng đội đã ngã xuống.

Những câu chuyện của họ giúp tôi hiểu thêm về trang sử vẻ vang của dân tộc, giá trị thiêng liêng của hòa bình và sự hi sinh lớn lao của cha anh. Đó mãi là bài học vô giá, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/am-huong-hao-hung-cua-nhung-ngay-thang-tu-lich-su-597669.htm