Ấm lòng bữa ăn học sinh bán trú

Mùa đông đến, cùng với việc chăm lo cho học sinh vùng cao có đủ quần áo ấm, giày dép đến trường, có đệm êm, chăn ấm đảm bảo giấc ngủ, thì vấn đề cần quan tâm hiện nay ở các trường học vùng cao là nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Đảm bảo những bữa ăn trưa

Trong các địa phương trên địa bàn tỉnh thì Sa Pa là huyện có khí hậu khắc nghiệt nhất trong mùa đông, vì nhiều thời điểm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thậm chí có năm có tuyết rơi. Khi chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình thì tiết học cuối cùng của buổi sáng cũng kết thúc, các em bán trú vào giờ ăn trưa. Mặc dù ngoài trời sương mù rét tái tê, nhưng em nào cũng ăn cơm thật ngon vì có cơm nóng, canh nóng, mỗi suất đều có thịt gà rang.

Bữa ăn trưa của học sinh bán trú vùng cao Sa Pa.

Bữa ăn trưa của học sinh bán trú vùng cao Sa Pa.

Thầy giáo Đoàn Văn Nhượng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường có 8 lớp với 266 học sinh, trong đó có 138 học sinh bán trú. Trước đây, trường nấu cơm bằng bếp củi, nhưng nay nấu bằng bếp gas. Thực phẩm cho học sinh cũng được mua ở đơn vị cung ứng có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian gần đây, giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng phần nào đến bữa ăn của học sinh. Do vậy, số lượng bữa cơm có thịt lợn giảm xuống, thay vào đó là thịt gà, đậu phụ, cá, trứng gà, trứng vịt. Tuy nhà trường có diện tích đất không rộng, nhưng vẫn tích cực trồng rau xanh, đáp ứng khoảng 20% tổng lượng rau trong bữa ăn của học sinh.

Rời xã Tả Giàng Phình, chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS A Lù, huyện Bát Xát. Đây cũng là một trong những trường nằm ở xã xa xôi, khó khăn nhất huyện Bát Xát. Theo thầy giáo Vũ Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, hiện trường có 536 học sinh, trong đó có 141 học sinh bán trú từ lớp 3 đến lớp 9. Nhà trường đã có 2 tủ điện để nấu cơm, canh cho học sinh, nên đảm bảo bữa ăn nóng trong mùa đông. Bữa ăn trong mùa đông cũng có thực đơn phong phú hơn, bổ sung thức ăn có nhiều tinh bột, dinh dưỡng như khoai tây, cà chua, cá, thịt gà… giúp các em có thêm năng lượng chống lại cái lạnh của vùng cao.

Trăn trở chất lượng “cơm cặp lồng”

Đến một số trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy trong khi học sinh bán trú có bữa ăn khá đảm bảo, thì không ít học sinh không thuộc diện được hưởng chế độ bán trú hoặc học sinh mầm non 0 - 2 tuổi, học sinh tiểu học ở các phân hiệu đang gặp nhiều khó khăn về bữa ăn ở trường. Gần đây chúng tôi có chuyến công tác đến phân hiệu Hoàng Nhì Phố, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Cải (huyện Bắc Hà) là một trong những phân hiệu xa nhất, giáp với địa phận tỉnh Hà Giang, đến bữa ăn trưa của học sinh, chúng tôi thật ái ngại vì học sinh đều ăn cơm đựng trong cặp lồng mang đi từ nhà. Em nào ăn “sang” thì có miếng trứng rán, ít cá khô, còn đa số chỉ ăn cơm với rau cải luộc, bí đỏ luộc chấm muối, không có canh. Cơm và thức ăn đều lạnh ngắt vì để từ sáng. Thầy giáo Hoàng Seo Vu, phụ trách phân hiệu tâm sự: Phân hiệu có 3 lớp với 46 học sinh lớp 1, lớp 2, đều là con em đồng bào Mông, trong đó 23 em thuộc con hộ nghèo. Trên này dân cư sống thưa thớt, nhiều em cách xa trường nên chỉ có cách mang cơm đựng trong cặp lồng đi ăn trưa. Ở các phân hiệu khác như Sẻ Chải, Sán Trá, Cờ Cải, học sinh lớp 1, lớp 2 đa số mang cơm cặp lồng đi ăn trưa. Vì nhiều gia đình khó khăn, bố mẹ cũng ít quan tâm nên bữa ăn của các em chỉ có vậy.

Ở nhiều phân hiệu vùng cao, học sinh phải ăn cơm đựng trong cặp lồng mang đi từ nhà.

Ở nhiều phân hiệu vùng cao, học sinh phải ăn cơm đựng trong cặp lồng mang đi từ nhà.

Trở lại câu chuyện ở Trường Tiểu học và THCS A Lù, huyện Bát Xát, thầy giáo Vũ Văn Minh, Hiệu trưởng cho biết thêm: Trăn trở của nhà trường là ở các phân hiệu như Khu Chu Lìn, Séo Phìn Chư, Tả Suối Câu 1, Tả Suối Câu 2 vẫn có gần 50 học sinh tiểu học hàng ngày phải mang cơm đi học. Gia đình các em rất khó khăn nên bữa cơm đơn giản chỉ có rau, ít khi có thịt. Tuy nhiên, để học sinh về nhà ăn cơm thì càng khó vì nhiều em xa trường, mùa đông rất lạnh, đi lại vất vả, buổi chiều học sinh sẽ không đến lớp.

Để học sinh thêm ấm bụng

Câu chuyện ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Cải, Tiểu học và THCS A Lù cũng là câu chuyện chung của nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh hiện nay. Làm thế nào để nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh ở các điểm trường lẻ trong mùa đông? Thầy giáo Mai Đức Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Cải cho biết: Để học sinh được ăn cơm nóng trong mùa đông, nhà trường đã tìm mọi cách kêu gọi nguồn xã hội hóa để mua cặp lồng bảo ôn cho học sinh, sau đó ủ trong chăn để giữ nhiệt. Thầy cô giáo cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bố mẹ các em buổi sáng nấu cơm, canh cho học sinh mang đến lớp đầy đủ, đặc biệt là thức ăn có nhiều dinh dưỡng như trứng, thịt băm…

Các trường cần tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Các trường cần tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Theo thầy giáo Vũ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Lù, giải pháp của trường là từ các nguồn ủng hộ sẽ hỗ trợ gạo, mỳ tôm cho học sinh ở các phân hiệu để nấu cơm, nấu canh ăn trưa; động viên các thầy cô giáo tranh thủ nấu cơm cho học sinh được ăn cơm nóng, còn thức ăn học sinh mang từ nhà đi.

Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa cho biết: Thời gian qua, huyện Sa Pa đã tuyển dụng hợp đồng hơn 70 nhân viên cấp dưỡng cho các trường học để nấu ăn cho học sinh. Cùng với đó, mua sắm các trang, thiết bị nhà bếp như tủ bảo quản thực phẩm, tủ lưu mẫu thức ăn, tủ nấu cơm bằng gas, nồi cơm điện cho nhiều trường từ mầm non tới THCS. Đối với các phân hiệu học sinh đang phải ăn cơm cặp lồng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tuyên truyền tới phụ huynh đóng góp ăn trưa cho học sinh, ưu tiên góp gạo để nấu cơm. Các trường cũng tích cực tăng gia sản xuất như trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn cho học sinh; thay đổi thực đơn hợp lý đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh trong mùa đông; kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để học sinh thêm ấm bụng, yên tâm học tập.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/am-long-bua-an-hoc-sinh-ban-tru-z5n20191206163152487.htm