Ấm lòng người bệnh từ những bếp ăn tình thương
Cuộc sống của người nghèo sẽ khó khăn, vất vả hơn khi bản thân hoặc người nhà phải nằm viện điều trị bệnh dài ngày. Thấu hiểu được hoàn cảnh đó, những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức, nhà hảo tâm trong tỉnh đã hình thành và duy trì bếp ăn tình thương. Người góp công, người góp của, các bếp ăn tình thương luôn đỏ lửa, kịp thời gửi tặng những suất cơm, suất cháo nghĩa tình đến với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh cho biết: Từ năm 2008, Hội CTĐ thành phố Lạng Sơn triển khai thí điểm thực hiện mô hình “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi ngày, các thành viên đều nấu và hỗ trợ miễn phí từ 50 đến 60 suất cháo cho bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện. Đến nay, mô hình đã lan tỏa sâu rộng đến nhiều tổ chức, đoàn thể, câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong tỉnh. Theo đó, đến nay mô hình đã nhân rộng ra tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 8 trung tâm y tế (TTYT) các huyện.
Từ mô hình “Nồi cháo tình thương”, hiện nay đã có nhiều tổ chức, nhóm thiện nguyện cũng đã tổ chức nấu “Cơm nhân ái” hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay đã có 10 tổ chức, doanh nghiệp, câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện, nhà đền đăng ký tự nấu cơm, cháo hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Bình quân mỗi tháng hỗ trợ khoảng 1.000 suất cơm, 600 suất cháo miễn phí với tổng giá trị 35 triệu đồng/tháng.
Một trong những nhóm thiện nguyện đồng hành tích cực đó là Tổ Thiện Tâm, thành phố Lạng Sơn. Nhóm thiện nguyện này đã triển khai thực hiện mô hình “Nồi cháo tình thương” tại TTYT huyện Cao Lộc và “Cơm nhân ái” từ năm 2015 tại 3 bệnh viên tuyến tỉnh. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, các thành viên của Tổ Thiện Tâm lại tập trung từ sáng sớm để phân công công việc: người nhặt rau, người chế biến thực phẩm, người nấu cơm rồi chia thành các suất ăn và vận chuyển đến các bệnh viện tuyến tỉnh để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân nghèo ăn bữa trưa. Bình quân mỗi tháng, Tổ Thiện Tâm hỗ trợ miễn phí từ 1.000 đến 1.500 suất cơm miễn phí. Riêng mô hình “Nồi cháo tình thương” tại TTYT huyện Cao Lộc, Tổ Thiện Tâm hỗ trợ tiền trực tiếp cho nhà bếp của TTYT để nấu cháo cho bệnh nhân.
Bà Trần Bích Hòa, Tổ trưởng Tổ Thiện Tâm thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn khi mắc bệnh phải vào nằm viện điều trị lâu dài sẽ càng thêm vất vả. Do vậy, các thành viên Tổ Thiện Tâm đã kết nối các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để có thêm nguồn lực tổ chức nấu các suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Khi thấy người bệnh đón nhận các suất cơm, cháo miễn phí đều nở nụ cười, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục thực hiện mô hình.
Ông Triệu Sáng Hùng (77 tuổi), xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, cho biết: Tôi bị bệnh về mắt phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dài ngày. Nhà ở xa bệnh viện, lại có hoàn cảnh khó khăn nên trong quá trình điều trị, tôi được các nhà hảo tâm hỗ trợ cơm, cháo miễn phí nhờ đó gia đình tôi đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí sinh hoạt, vơi bớt khó khăn.
Theo báo cáo của Hội CTĐ tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua mô hình “Nồi cháo tình thương”, “Cơm nhân ái” tại các bệnh viện tuyến tỉnh và TTYT các huyện đã hỗ trợ trên 15.000 suất cháo và gần 14.000 suất cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, trị giá gần 300 triệu đồng, tăng hơn 100 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Để có nguồn lực thực hiện mô hình, hội CTĐ các huyện, thành phố đã phối hợp và có những cách vận động nguồn lực, triển khai thực hiện khác nhau như kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị ủng hộ mô hình; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các câu lạc bộ, tổ, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, vật chất thực hiện...
Đơn cử như, Hội CTĐ huyện Hữu Lũng phối hợp đặt thùng quỹ nhân đạo ở các nhà đền, chùa, nhà hàng; Hội CTĐ huyện Văn Quan phát động kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực từ đầu năm; Hội CTĐ huyện Đình Lập phối hợp với Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thị trấn và các nhà hảo tâm triển khai thực hiện mô hình...
Tại các mô hình đều có các tình nguyện viên tham gia mua sắm thực phẩm sạch, tự tổ chức nấu ăn.
Bếp ăn tình thương không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương, sự chia sẻ giữa con người với con người. Thông qua mô hình mà những bữa ăn đến với bệnh nhân nghèo luôn có đủ dinh dưỡng, ấm áp nghĩa tình cộng đồng, giúp người bệnh được động viên, chia sẻ, vươn lên chiến thắng bệnh tật.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/am-long-nguoi-benh-tu-nhung-bep-an-tinh-thuong-5017892.html