Ấm lòng người nghèo trong mùa dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Giữa cuộc chiến phòng, chống dịch đầy khó khăn, đã xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp và lan tỏa khắp cả nước để những người yếu thế 'không ai bị bỏ lại phía sau'. Ở xứ Sen hồng Đồng Tháp, tinh thần tương thân tương ái, 'nhường cơm sẻ áo' với bà con nghèo đã được khởi phát bằng nhiều việc làm thiết thực.
Những bữa cơm tình người
Sáng 22/4, không khí chuẩn bị bữa cơm tại bếp ăn từ thiện hỗ trợ người bán vé số ở Phường 1, thành phố Sa Đéc diễn ra tất bật, công suất tăng cao hơn ngày thường. Mười giờ, một cụ ông dắt chiếc xe đạp, bước vào. Ông tên là Quách Thuận, 72 tuổi, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, đã hành nghề bán vé số mưu sinh gần 20 năm nay. Xách hai cặp lồng cơm, ông Thuận chia sẻ, nhà có người con bị bệnh tâm thần, một lồng cơm cho cha và một lồng cho con. Trước kia đi bán vé số, hai cha con nương tựa nhau sống qua ngày. Hơn nửa tháng nay, hai cha con ông hầu như phải trông chờ vào tình thương từ xã hội.
Ông Thuận nghẹn ngào nói: “Bữa cơm từ thiện ở đây giúp chúng tôi lót lòng từng bữa. Thấu hiểu nỗi lo toan từ ngày không còn thu nhập từ bán vé số, mấy cô, chú trong bếp ăn ngày nào cũng thơm thảo xới thật nhiều cơm để chúng tôi ăn thêm được buổi chiều. Không có những suất ấm tình người thế này, không biết những người nghèo như chúng tôi phải làm sao”.
Ông Thuận cất hai lồng cơm và dắt xe ra về. Vừa lúc ấy, ông Trương Thanh Dũng (60 tuổi) cùng đứa cháu nội mới lên 3 đạp xe đến. Ông Dũng cho biết: Nhà ông có 5 nhân khẩu, trong đó, cả 3 người lớn đều là lao động tự do, riêng ông bán vé số hơn 10 năm nay. Giờ con dâu của ông làm xưởng may mất việc, con trai cũng ở nhà. May mắn là những người bán vé số trên địa bàn được hỗ trợ suất ăn trưa miễn phí và hơn thế là cho phép mang thêm về ăn buổi chiều, giúp gia đình chú nhẹ gánh một miệng ăn.
Mở phần cơm ra, ông Dũng khoe hôm nay hai ông cháu ông được ăn cá điêu hồng kho với canh cải tép và tráng miệng bằng một quả chuối. Mỗi ngày, ở đây đều có thực đơn khác nhau, có hôm đậu xào - thịt kho; canh chua - cá mặn… và có cả đồ ăn chay. Đặc biệt, hôm nào cũng có thực phẩm tráng miệng sau mỗi bữa ăn.
Ông Nguyễn Văn Mốt, Trưởng ban Điều hành bếp ăn từ thiện cho biết, đây là điểm ăn trưa quen thuộc của 120 người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn kể từ tháng 8/2016. Trong thời gian dịch bệnh tác động lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo bán vé số mưu sinh, được sự hỗ trợ của Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Tháp và các “mạnh thường quân”, bếp ăn từ thiện đã tăng gấp rưỡi lượng cơm và thức ăn. Đây là phần dôi dư để hỗ trợ người bán vé số chủ động nhận thêm cơm về ăn vào buổi chiều.
Ông Mốt cho biết thêm, thay vì trước đây, bà con sẽ được phục vụ ăn tại chỗ nhưng để phòng dịch COVID-19, bếp ăn khuyến khích người dân mang thức ăn về nhà. Khi đến nhận cơm, người bán vé số được thường xuyên nhắc nhở rửa tay bằng nước diệt khuẩn và mang khẩu trang.
Đến những hạt gạo yêu thương
Thị xã Hồng Ngự, một trong những địa phương thuộc vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Từ ngày 20/4, máy "ATM gạo”được đưa vào hoạt động ở thị xã. Ông Huỳnh Tú Linh, Bí thư Đảng ủy phường An Thạnh cho biết, trên địa bàn thị xã có hai máy ATM gạo ở phường An Lộc và An Thạnh.
Ở phường An Thạnh, máy "ATM gạo" được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường. Trung bình mỗi người dân nghèo khăn trên địa bàn có thể nhận được 2kg gạo/lần/ngày từ máy "ATM gạo" này. Ngay trong những ngày đầu tiên hoạt động, rất đông người nghèo trên địa bàn đã đến nhận gạo miễn phí từ máy "ATM gạo". Tuy nhiên, không khí rất trật tự, không chen lấn, đảm bảo khoảng cách giữa người với người là 2 m. Trước khi nhận gạo, người dân đều được hướng dẫn rửa tay diệt khuẩn.
Lan tỏa tinh thần sẻ chia đầy nhân văn, hiện có thêm hai chiếc máy "ATM gạo" ở đường Trần Hưng Đạo, Phường 1 và số 116, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, thành phố Sa Đéc. Theo đó, mỗi người dân sẽ được nhận từ 2 - 3 kg/lần/ngày từ máy "ATM gạo"; thời gian phát gạo từ 8 -10 giờ và từ 14- 16 giờ. Với khẩu hiệu “nếu bạn khó hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác, nếu bạn có hãy chung sức góp thêm”, các máy "ATM gạo" đang sẻ chia một phần khó khăn của người dân, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm tiếp tục hành động vì nghĩa đồng bào.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 4/2020, dịch COVID-19 đã làm cho hơn 7.000 lao động Đồng Tháp bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương; hơn 6.800 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 23.000 lao động tự do bị mất việc làm và hơn 5.500 người bán vé số không kế mưu sinh. Mặt khác, đại dịch cũng tác động lớn đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, gồm: gần 65.800 đối tượng bảo trợ xã hội; trên 12.500 hộ nghèo và hơn 25.200 hộ cận nghèo…
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, những người yếu thế, lao động tự do… là thành phần dễ bị tác động lớn trong mùa dịch COVID-19. Vì vậy, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Đồng Tháp đã yêu cầu các ngành, địa phương phân nhóm, rà soát đối tượng và lập danh sách. Phương châm của tỉnh là trao gói hỗ trợ đến tận tay người dân một cách nhanh nhất, đảm bảo thực hiện rõ ràng, minh bạch, công khai, không tiêu cực, trục lợi.
Trên tinh thần đó, ngày 16/4, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90 về thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách, chế độ quy định; thẩm định, đề xuất nguồn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện trước ngày 29/4/2020.