Ấm lòng nơi xóm trọ

Mặc dù xa quê song khi đến làm việc ở các khu công nghiệp, những công nhân ở các xóm trọ luôn được đón nhận tình cảm ấm áp, yêu thương từ cộng đồng. Những tình cảm ấy giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó hơn và coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Thân thiện, gắn kết

Chiều cuối tuần, tôi cùng Bí thư Đoàn xã Song Khê (TP Bắc Giang) có mặt tại dãy nhà trọ của công nhân ở thôn Song Khê 2. Đang huýt sáo theo lời bài hát phát ra từ chiếc điện thoại thông minh, nghe tiếng gọi của ông chủ nhà trọ, anh Lạc Văn Tuấn (SN 1987), dân tộc Nùng, quê ở xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) dừng lại để tiếp khách. Theo lời anh Tuấn, trước kia ở quê, kinh tế gia đình khó khăn, cả nhà chỉ có vài sào ruộng trong khi anh phải nuôi bố mẹ già và 2 con nhỏ đang độ tuổi ăn học. Năm 2021, nghe mọi người giới thiệu, vợ chồng anh xuống làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Song Khê - Nội Hoàng. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cũng như tiện cho việc đi lại, vợ chồng anh thuê 1 phòng trọ ở với mức 1 triệu đồng/tháng. Dãy nhà nơi anh ở gồm 12 phòng, 18 công nhân, chủ yếu là người ngoài tỉnh Bắc Giang.

 Cán bộ Đoàn Thanh niên xã Song Khê (TP Bắc Giang) và tổ tự quản xóm trọ thôn Song Khê 2 tìm hiểu cuộc sống của công nhân xa quê.

Cán bộ Đoàn Thanh niên xã Song Khê (TP Bắc Giang) và tổ tự quản xóm trọ thôn Song Khê 2 tìm hiểu cuộc sống của công nhân xa quê.

"Sống ở đây, vợ chồng tôi được chủ nhà trọ coi như người thân trong gia đình. Mỗi khi ốm đau, chủ nhà thường xuyên qua lại thăm hỏi, tặng quà; mua thuốc uống; lúc thì cho con cá, mớ rau. Từ hai bàn tay trắng khi đến Bắc Giang làm việc, nhờ chăm chỉ lao động, chắt chiu dành dụm, vợ chồng tôi đã tích cóp được khoản tiền lớn gửi về quê để làm nhà, nuôi các con ăn học, cuộc sống khấm khá hơn", anh Tuấn tâm sự.

Ông Đào Mạnh Tiến (SN 1955), chủ nhà trọ - người từng có 28 năm công tác ở UBND xã Song Khê chia sẻ, không chỉ riêng anh Tuấn, các công nhân đang thuê trọ tại đây đều được gia đình ông đối xử như vậy. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, ông đều giảm từ 50 - 80% tiền thuê phòng cho công nhân, khi nào có thì trả. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ông đều có quà tặng công nhân. Dù giá trị phần quà không lớn nhưng thể hiện tình cảm, tấm lòng của chủ nhà trọ với công nhân xa quê.

Do số lượng người đến thuê nhà trọ ngày một nhiều, cuối năm 2023, mô hình “Tổ tự quản xóm trọ văn minh, thân thiện, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường” của thôn được thành lập do ông Tiến làm tổ trưởng. Tổ gồm 15 thành viên là những chủ nhà trọ, có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nội quy của công nhân khi thuê trọ, vệ sinh môi trường, phối hợp với lực lượng công an xã bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống cháy nổ. Có lần, khi đang trên đường làm nhiệm vụ, ông Tiến nhặt được chiếc điện thoại thông minh (trị giá khoảng 10 triệu đồng) nghi của công nhân rơi, ông đã báo cáo lãnh đạo thôn thông báo lên loa trả lại người đánh mất.

 Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh động viên công nhân ở xa về quê đón Tết.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh động viên công nhân ở xa về quê đón Tết.

Cùng ở thôn Song Khê 2, gia đình ông Đào Hữu Thông có dãy nhà 2 tầng với 12 phòng cho thuê. Tòa nhà được xây dựng khang trang, đẹp đẽ nằm trong khuôn viên của gia đình với tổng diện tích khoảng 350 m2. Nơi đây có 13 công nhân quê ở các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… ở trọ. Khu nhà trọ có biển nội quy về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, số điện thoại đường dây nóng của công an xã, hệ thống camera giám sát.

Anh Trịnh Phú Quý (SN 1987), quê ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) làm công nhân ở KCN Song Khê - Nội Hoàng thuê trọ tại đây bộc bạch: "Những ngày nghỉ, chúng tôi thường tổ chức nấu ăn cùng nhau; được chủ nhà mời ăn cơm, mời hát karaoke giao lưu. Có những hôm đi làm về muộn, không kịp nấu cơm, gia đình ông Thông lại chia sẻ gói mì ăn liền, khi thì bát cơm nóng, chiếc bánh lót dạ. Sống ở đây, chúng tôi cảm thấy an toàn, tình cảm giữa chủ nhà trọ và công nhân luôn gần gũi".

Trao đổi với ông Đào Văn Dư, Bí thư Đảng ủy xã Song Khê được biết, trên địa bàn xã có hơn 200 gia đình có nhà trọ cho thuê (khoảng 2.500 phòng) với hơn 3 nghìn công nhân đang sinh sống. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được Đảng ủy, UBND xã quan tâm chỉ đạo. Lực lượng công an xã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, tổ tự quản ở các thôn nắm bắt tình hình nơi có đông công nhân thuê trọ, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh. "Cứ 1-2 tháng, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Bắc Giang phối hợp với xã tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ cho công nhân xóm trọ. Vài năm gần đây, ở các xóm trọ trên địa bàn xã không xảy ra những vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự", ông Dư nói.

Đất lành chim đậu

Là tỉnh có nhiều KCN với những dự án lớn được đầu tư, Bắc Giang có sức hút đối với công nhân lao động ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân tăng cao. Hiện toàn tỉnh có gần 5,5 nghìn nhà trọ với hơn 56 nghìn công nhân đang thuê, tập trung ở thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang. Hầu hết các nhà trọ được xây dựng kiên cố, cao tầng, không còn nhà tạm.

 Bà Nguyễn Thị Ngân Giang, chủ nhà trọ ở tổ dân phố Quang Biểu, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên) thăm hỏi

Bà Nguyễn Thị Ngân Giang, chủ nhà trọ ở tổ dân phố Quang Biểu, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên) thăm hỏi

Để nâng cao chất lượng khu nhà trọ, UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có nhà trọ thường xuyên tuyên truyền chủ nhà trọ sửa chữa, nâng cấp phòng trọ, hoàn thiện hạng mục thiết yếu, bảo đảm cơ sở vật chất phù hợp với quy chuẩn; niêm yết công khai giá phòng trọ, giá điện, nước… Trong điều kiện nhà ở xã hội cho công nhân còn thiếu thì những khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng cho thuê rất đáng quý. Qua đó, vừa giải quyết nhu cầu về nhà ở cho lao động xa quê, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhà trọ, đồng thời kích cầu các dịch vụ khác ở địa phương. Cũng từ đây, có biết bao câu chuyện cảm động về tình người nơi xóm trọ được ghi lại.

Hiện toàn tỉnh có gần 5,5 nghìn nhà trọ với hơn 56 nghìn công nhân đang thuê, tập trung ở thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng, TP Bắc Giang. Cũng từ đây, có biết bao câu chuyện cảm động về tình người nơi xóm trọ được ghi lại.

Ở tổ dân phố Quang Biểu, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên), dẫn chúng tôi đi thăm một vòng dãy nhà trọ 5 tầng được xây dựng khang trang với 70 phòng cho thuê, bà Nguyễn Thị Ngân Giang, chủ nhà trọ hồ hởi tâm sự: "Hầu hết công nhân thuê trọ ở đây tuổi đời còn trẻ, tôi coi họ như con cháu trong nhà. Nhà có quầy tạp hóa, công nhân mua đồ nhưng chưa có tiền trả, tôi cho chịu. Đối với các cháu hoàn cảnh khó khăn, khi lĩnh lương trả tiền nợ, tôi bảo gửi về quê trước cho bố mẹ trang trải, chi tiêu, nợ của tôi trả sau".

Qua chia sẻ của nhiều công nhân, không ít trường hợp, xe máy hết xăng hay bị hỏng, bà Giang cho mượn xe nhà để họ kịp giờ làm. Có những công nhân thuộc hộ nghèo, được bà tặng điện thoại, mũ bảo hiểm, quần áo cũ. Mỗi lần xuống Bắc Giang, họ mang theo đặc sản quê hương, mời công nhân khu trọ và gia đình bà cùng thưởng thức. Tình cảm của mọi người vì thế càng thêm gắn kết. Bà Giang hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Nếnh; chồng, con trai đều làm KCN trên địa bàn huyện, kinh tế thuộc diện khá giả.

Sinh sống gần công nhân, bà Giang có rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ. Điển hình như năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Sùng A Hứa, quê ở tỉnh Sơn La bất ngờ đau bụng chuyển dạ, lúc đó không có ai ở bên. Nghe tiếng kêu từ phòng trọ, bà Giang vội vàng chạy tới. Tình huống xảy ra quá bất ngờ, nếu chậm trễ, tính mạng của mẹ con chị Hứa sẽ bị đe dọa, bà Giang lập tức gọi điện cho con dâu (học ngành y) đang trên đường đi làm quay trở về cùng hỗ trợ, giúp chị Hứa sinh con ngay tại phòng trọ. Gần đây nhất, do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Cầu dâng cao, bà Giang tuyên truyền tới tất cả công nhân đang thuê trọ sẵn sàng phương án di chuyển lên ở tầng cao hơn của khu nhà trọ, đồng thời chuyển xe máy, đồ đạc đến nơi an toàn. Trong căn phòng khách của bà Giang có treo nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận nhà trọ công nhân an toàn, văn minh.

 Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan các câu lạc bộ nhà trọ công nhân tỉnh Bắc Giang năm 2024 do Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phối hợp tổ chức.

Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan các câu lạc bộ nhà trọ công nhân tỉnh Bắc Giang năm 2024 do Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phối hợp tổ chức.

Để nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự gắn kết giữa các công nhân nơi xóm trọ, hằng năm, LĐLĐ tỉnh, Ban Quản lý Các KCN tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như chương trình: Sân chơi văn hóa “Giờ thứ 9” dành cho công nhân tại các câu lạc bộ nhà trọ, “Nhà trọ văn minh - Tết không xa nhà”, “Ngày hội tháng 5”; cuộc thi "Xóm trọ thanh niên công nhân văn hóa", "Tìm hiểu kiến thức pháp luật"; các buổi biểu diễn văn nghệ, giải thể thao… thu hút hàng nghìn công nhân xóm trọ tham gia, tạo niềm vui sau những giờ làm việc căng thẳng.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: "Thực hiện Đề án xây dựng “Nhà trọ công nhân an toàn, văn minh giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang", cùng với các hoạt động phối hợp chăm lo đời sống công nhân nơi xóm trọ, trong 2 năm qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng 100 nhà trọ công nhân an toàn, văn minh tiêu biểu; công nhận 318 nhà trọ công nhân đạt danh hiệu "Nhà trọ công nhân an toàn, văn minh".

Rời phường Quang Châu khi ánh đèn vàng soi sáng khắp các con đường, ngõ xóm dẫn vào những khu nhà trọ, trong tôi đọng lại câu nói của chị Nguyễn Thị Liên - công nhân thuê trọ quê ở tỉnh Lạng Sơn: "Có nơi ăn, chốn ở hợp lý, việc làm ổn định, thu nhập tốt là điều công nhân luôn mong mỏi. Với những người xa quê như chúng tôi, được chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể và chủ nhà trọ ở tỉnh Bắc Giang quan tâm, chúng tôi cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc lắm!".

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/am-long-noi-xom-tro-151139.bbg