Ấm lòng sau bão

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang ở nhiều tỉnh miền Trung đã về các địa phương hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Càng trong gian khó, càng ấm áp tình quân dân.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra.

Ấm lòng quân dân

Ngay sau khi cơn bão số 4 đi qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ gồm Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ tỉnh Thừa Thiên Huế về các địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Ông Hà Văn Tình (trú tại tổ dân phố Cổ Bưu, phường Hương An) cho biết, bão số 4 đã làm ngôi nhà ông bị tốc mái, hư hỏng nặng. Do tuổi cao nên việc sửa sang lại mái ngói đối với gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

“Sau khi bão qua đi, Bộ đội, Công an đã về giúp nhà tôi thu dọn những mảnh ngói bị vỡ cũng như lợp lại những chỗ bị hư hỏng. Bão lũ gây ra những thiệt hại khá nặng nề, nhưng trong khó khăn chúng tôi cũng thấy ấm lòng bởi sự giúp đỡ của các anh”- ông Tình tâm sự.

Cũng như ông Tình, nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Gái (65 tuổi, trú tại tổ dân phố Cổ Bưu) bị bão số 4 làm tốc mái, hư hỏng rất nặng, trong khi nhà chỉ có 2 vợ chồng già yếu khiến việc sửa sang lại nhà cửa gặp rất nhiều khó khăn.

“Nếu không có các cán bộ chiến sĩ hỗ trợ, gia đình tôi không biết phải làm sao trong những ngày tới, phần tuổi già sức yếu, phần hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thật sự chúng tôi cảm ơn rất nhiều đến các chú bộ đội đã giúp đỡ gia đình”- bà Gái xúc động.

Với phương châm không để người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã không quản khó khăn, vất vả khẩn trương giúp đỡ bà con nhanh chóng lợp và sửa chữa lại những ngôi nhà bị hỏng, bị tốc mái.

Binh nhất Nguyễn Quang Lương - chiến sĩ Trung đội Kiểm soát quân sự Phòng Tham mưu cho biết, với tinh thần khẩn trương nhất, chúng tôi chỉ biết cố gắng làm sao để giúp đỡ bà con nhanh chóng ổn định lại cuộc sống trong những ngôi nhà vững chãi, bớt đi những nỗi lo trong mùa mưa lũ.

Trung tá Nguyễn Tấn Thắng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, để kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, trước mắt đơn vị sẽ tập trung giúp đỡ người dân ở các địa phương bị thiệt hại nặng, trong đó tập trung ưu tiên những gia đình chính sách, người già neo đơn và các nhà bị hư hỏng nặng… để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Đại tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ, cùng với 3.484 lượt Dân quân tự vệ và 7 phương tiện phối hợp cùng với các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả sau bão, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam giúp dọn bùn đất trên tuyến đường ở Nam Giang.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam giúp dọn bùn đất trên tuyến đường ở Nam Giang.

Giúp dân trong mọi hoàn cảnh

Trước, trong và sau khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cũng tích cực tham gia hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, đơn vị đã thành lập 64 tổ với hơn 400 cán bộ chiến sĩ giúp dân chằng néo và kéo đưa lên bờ được 994 tàu, thuyền; tham gia sơ tán 707 hộ gia đình với 2.099 nhân khẩu sinh sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ các gia đình gia cố nhà cửa, cơ sở vật chất ứng phó bão; thu hoạch được 5,3 ha lúa giúp người dân.

Tại Đồn Biên phòng Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), sau khi nhận được thông tin có 1 ngôi nhà trên địa bàn bị tốc mái do bão số 4 gây ra, đơn vị đã cử hơn 10 cán bộ chiến sĩ đến phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để khắc phục hậu quả ban đầu; đồng thời, hỗ trợ gia đình 50 kg gạo và 1 triệu đồng tiền mặt.

Trước đó, chiều ngày 27/9, trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã xảy ra lốc xoáy khiến 120 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, nhiều hàng quán bị hư hỏng…Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều động cán bộ chiến sĩ của đơn vị đến hiện trường giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.

Do Quảng Trị xuất hiện mưa lớn khiến ngầm tràn bị ngập nước, nhiều khu dân cư bị cô lập, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã cử lực lượng tham gia vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm đến giúp người dân vượt qua khó khăn.

Tại Quảng Bình, mưa to, mực nước tại một số ngầm trên địa bàn dâng cao, chảy xiết và ngập khiến người và các phương tiện không thể qua lại. Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Ra Mai đã lập các chốt ở các ngầm Copy, Hà Nôông, Tô Cổ để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh an toàn.

Trong khi đó, tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) đường vào các bản Trung Sơn, Dốc Mây, Rìn Rìn, Ploang, Hôi Rấy và Nước Đắng đã bị chia cắt cục bộ. Hiện, mực nước các sông, suối trên địa bàn xã Trường Sơn dâng cao từ 1-1,5m, đường vào các bản Ploang, Rìn Rìn, Dốc Mây, Trung Sơn bị ngập sâu. Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền xã Trường Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, túc trực và đặt biển cảnh báo không cho người qua lại để tránh nguy hiểm.

Thượng tá Lê Đình Huân - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô (huyện Quảng Ninh) cho biết: “Đề phòng nước dâng sau những trận mưa lớn, Đồn đã cử cán bộ, chiến sĩ về các bản giúp bà con, các hộ neo đơn di chuyển đồ đạc, tài sản lên cao. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền người dân không đi vớt củi dọc sông suối và không đi qua đoạn đường ngập lụt để tránh gây thiệt hại về người”.

Tất tả chạy lũ trong đêm

Những ngày qua, Hà Tĩnh đã có mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Tại huyện miền núi Hương Sơn, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất, khiến hàng chục hộ dân phải di dời trong đêm đến nơi an toàn.

Theo ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, trong đêm 28/9, địa phương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ 17 hộ có nguy cơ sạt lở đất tại các xã Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Bình di dời đến nơi an toàn. Đến rạng sáng 29/9, địa phương tiếp tục sơ tán 7 hộ bị ngập lụt tại các xã Sơn Tiến, An Hòa Thịnh.

Ngoài ra, mưa lớn khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Tuyến Quốc lộ 8A đoạn qua địa bàn huyện Hương Sơn, đường lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sạt lở nghiêm trọng tại một số điểm, cơ quan chức năng phải lắp biển cảnh báo, cấm đường để xử lý sạt lở.

Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ha ngô, chè, keo, rau màu của địa phương này ngập, đổ gãy. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Hương Sơn buộc phải cho học sinh 11 xã với 27 trường trên địa bàn nghỉ học.

Ở một diễn biến khác, bắt đầu lúc 11h ngày 29/9, Thủy điện Hương Sơn điều tiết xả lũ với lưu lượng nước qua các cửa van đập tràn khoảng từ 15,4 - 92 m3/giây và lưu lượng nước qua tổ máy phát điện 8,7 m3/giây. Mưa lớn, thủy điện xả lũ cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên tình hình lũ lụt ở huyện miền núi Hương Sơn còn diễn biến phức tạp.

Để ứng phó với mưa lũ, huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm ngập lũ, đồng thời phân công lực lượng cắm chốt tại các điểm xung yếu nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại... Đặc biệt là chủ động phương án 4 tại chỗ, sẵn sàng các phương án khi có lũ lớn xảy ra.

Yêu cầu 3 thủy điện hạ mực nước để đón lũ

Chiều 29/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đã gửi văn bản đến Công ty CP thủy điện Đak Mi, Công ty CP thủy điện Sông Bung, Công ty CP thủy điện A Vương yêu cầu hạ dần mực nước các hồ thủy điện (Đak Mi 4, Sông Bung 4, A Vương) về mực nước cao nhất trước lũ, trước 19 giờ ngày 6/10. Tuy nhiên, việc vận hành phải đảm bảo yêu cầu không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ. Thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam để theo dõi.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân việc yêu cầu các công ty này hạ mực nước để đảm bảo dung tích đón lũ là do hiện nay các hồ thủy điện có mực nước cao hơn mực nước quy định nên buộc phải hạ xuống đúng mực nước quy định.

“Đợt mưa vừa rồi, các thủy điện giữ lại nước hồ để giảm ngập lụt cho hạ du khiến nước hồ lên cao. Tuy nhiên, hiện nay hạ du đang ổn định, mực nước dưới báo động 1, nên buộc phải hạ mực nước hồ xuống để đúng quy định, chứ mùa lũ mà để mực nước cao là rất nguy hiểm”- ông Tý thông tin.

Tấn Thành - Chí Đại

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-long-sau-bao-5697998.html