Ấm lòng tình cảm của lãnh đạo Bộ Công an với các thương, bệnh binh

Nhiều năm nay, gần như mỗi năm 2 lần tôi đều tháp tùng lãnh đạo Bộ Công an đến thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Nơi đây là nhà, là mái ấm của các đồng chí thương, bệnh binh nặng (tỷ lệ thương tật từ 81 đến 100%) - những người đã để lại tuổi trẻ, sức khỏe ở chiến trường...

Cũng chính vì vậy, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa”, lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị thuộc Bộ thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà, cố gắng làm những gì tốt nhất có thể cho các đồng chí thương, bệnh binh và cán bộ, y, bác sĩ nơi đây.

Mới đây nhất, chiều 24/7, đoàn công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo các cục nghiệp vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an đã thăm, tặng quà các thương, bệnh binh và cán bộ, công nhân viên Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đã trao 91 suất quà của Bộ Công an đến các thương, bệnh binh đang điều trị tại trung tâm nhằm tri ân sâu sắc trước những hy sinh, đóng góp to lớn của các đồng chí thương, bệnh binh đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng trao 50 triệu đồng tặng cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành nhằm chia sẻ với những vất vả, khó khăn mà cán bộ, công nhân viên của trung tâm đã và đang nỗ lực vượt qua để chăm sóc, nuôi dưỡng các đồng chí thương, bệnh binh.

Thương binh Lê Văn Quý xem tivi do lãnh đạo Bộ Công an tặng.

Thương binh Lê Văn Quý xem tivi do lãnh đạo Bộ Công an tặng.

Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành yên bình nằm giữa hàng sấu xanh mướt ở thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương, bệnh binh nặng tập trung, có số lượng thương binh đông nhất cả nước, được thành lập từ năm 1965. Hiện nay, trung tâm đang chăm sóc điều trị cho 91 thương binh quê ở 22 tỉnh, thành phố gồm 3 thế hệ kháng chiến: chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới, xây dựng đất nước. Do tình trạng thương tật rất nặng nên trong sinh hoạt hằng ngày, gần như đa số thương, bệnh binh đều cần phải có sự phục vụ, trợ giúp của cán bộ, nhân viên y tế và người thân.

Nhớ lại tình cảm của lãnh đạo Bộ Công an đối với các thương, bệnh binh, bác Đỗ Văn Thế, SN 1944, quê ở Ý Yên, Nam Định cho biết, nhiều năm nay, năm nào lãnh đạo Bộ Công an cũng đến thăm, tặng quà các thương binh ở trung tâm. “Tôi nhớ từ thời đồng chí Trần Đại Quang làm Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng: Lê Thế Tiệm; Đặng Văn Hiếu… đều đến thăm, tặng quà chúng tôi. Đặc biệt là Bộ trưởng Tô Lâm (nay là Chủ tịch nước) là người có tình cảm rất sâu đậm đối với chúng tôi” - bác Đỗ Văn Thế chia sẻ.

Được biết, do bị thương nặng, liệt nửa người nên bác Thế không xây dựng gia đình. “Tôi tham gia chiến đấu bị thương ở chiến trường Huế vào tháng 2/1968 trong chiến dịch Mậu Thân, sau đó bị bắt làm tù binh 5 năm ở Biên Hòa. Đến tháng 3/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi là một trong những thương binh được trao trả tại sông Thạch Hãn. Về miền Bắc, tôi được điều trị ở nhiều nơi, năm 1976 tôi về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành đến nay. Do bị liệt hoàn toàn phần dưới, mất hết hạnh phúc riêng tư, không tự vệ sinh cá nhân được, tất cả sinh hoạt đều nhờ vào cán bộ trung tâm nên tôi không xây dựng gia đình, sợ làm lỡ dở hạnh phúc người khác. Giờ cha mẹ mất rồi, tôi ở đây đến cuối đời thôi” - bác Thế cho biết.

Nói về sự quan tâm của Bộ Công an, bác Thế cho biết, hiếm có đơn vị nào quan tâm đến các thương, bệnh binh như lãnh đạo Bộ Công an. “Lãnh đạo Bộ quan tâm nên các đơn vị trong Bộ cũng rất quan tâm. Đồng chí Tô Lâm tặng chúng tôi tivi, ngoài quà chung còn có quà riêng cho từng người. Nhớ nhất là có lần đồng chí tháp tùng Tổng Bí thư đi Nga, dù bận nhiều việc nhưng vẫn nhớ mua kẹo sô-cô-la mang về tặng cho chúng tôi. Những tình cảm chân tình đó, anh em chúng tôi không quên được” - bác Thế xúc động nhớ lại.

Nói về tình cảm đối với Bộ Công an, bác Lê Văn Quý, SN 1952, quê ở Kinh Môn, Hải Dương ánh lên niềm vui. Bác cho biết, các đồ dùng trong phòng như tivi, bếp từ… đều là của Bộ Công an tặng. “Mấy năm trước, khi đến phòng thăm, thấy chúng tôi xem tivi to đời cũ, đồng chí Tô Lâm - khi ấy là Bộ trưởng Bộ Công an đã hỏi chúng tôi tivi còn xem được không. Chúng tôi bày tỏ nguyện vọng mong có tivi mỏng đời mới, đồng chí liền tặng mỗi phòng 1 chiếc tivi 32 inch treo tường, hôm sau cho lắp đặt ngay. Sau này, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, tivi 32inch không xem được Internet, chúng tôi đề xuất mong muốn có tivi đời mới để nắm bắt tin tức qua Internet, đồng chí lại tặng mỗi phòng 1 tivi đời mới có thể kết nối Internet” - bác Quý cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc trung tâm cho biết, các thương, bệnh binh ở trung tâm đều bị thương tật rất nặng, nhiều người không thể tự sinh hoạt cá nhân được nên việc chăm sóc đều do cán bộ, nhân viên y tế thực hiện. Đa số các thương, bệnh binh tuổi đã cao, thương tật nặng nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Theo đó, hằng ngày, các cán bộ y tế thăm khám, cấp phát thuốc, chăm sóc cho các thương, bệnh binh. Trường hợp nào bệnh diễn biến nặng thì chuyển tuyến để điều trị.

“Có những bác phải điều trị lâu dài ở tuyến trên, anh chị em chia nhau mỗi người 1 tuần lên bệnh viện để chăm sóc. Hằng đêm, cán bộ y tế ngủ dưới sàn nhà, sát giường bệnh nhân để tiện theo dõi, chăm sóc 24/24h. Có bác bị suy thận độ 4, nhiều năm nay chạy thận ở Viện Quân y 103, cán bộ y tế của trung tâm cũng thay gia đình ở cùng, chăm bệnh nhân. Khi các thương, bệnh binh bị bệnh nặng, không cứu chữa được, trung tâm lại đưa họ về gia đình chăm sóc những ngày cuối cùng và cùng gia đình lo hậu sự” - bác sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương chia sẻ, ở trung tâm, điều kiện khó khăn, máy móc thiết bị y tế không nhiều, chưa hiện đại, chính vì vậy, sự quan tâm, chia sẻ của các đơn vị là rất đáng quý. Nhiều năm nay, Bộ Công an rất quan tâm đến thương, bệnh binh và cán bộ, y bác sĩ của trung tâm. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đều rất gần gũi, giản dị nên thương, bệnh binh rất quý mến, những đề xuất của thương, bệnh binh mà trong phạm vi giải quyết được là lãnh đạo Bộ Công an giải quyết ngay.

Không chỉ lãnh đạo Bộ quan tâm mà các đơn vị nghiệp vụ cũng có rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, hiệu quả cao tại Trung tâm. Riêng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần đóng trên địa bàn huyện năm nào cũng có hoạt động chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan, giao lưu với các thương - bệnh binh. Hồi đầu năm, đoàn của Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị; Cục Y tế và các bệnh viện đến thăm khám, cấp phát thuốc đã tạo được ấn tượng rất tốt. Đoàn mang nhiều máy móc hiện đại, làm xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang ngay tại trung tâm.

Qua thăm khám, xét nghiệm, đoàn đã phát hiện nhiều trường hợp có bệnh mà trước đó các bệnh viện tuyến trung ương cũng chưa phát hiện ra. Cụ thể, đoàn đã phát hiện 1 trường hợp bị u bàng quang, mấy trường hợp bị phình động mạch và nhiều trường hợp có các bệnh mãn tính khác. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro” - bác sĩ Nguyễn Văn Hương chia sẻ.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/am-long-tinh-cam-cua-lanh-dao-bo-cong-an-voi-cac-thuong-benh-binh-i738652/