Ấm lòng trong những chuyến hồi hương từ vùng dịch

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã lập kế hoạch để đưa người dân đi làm ăn tại các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 về quê. Tuy nhiên, nhiều người quá khó khăn không thể đợi đến ngày được đón về, nên đã chạy xe gắn máy hồi hương, bất chấp chặng đường dài cả ngàn cây số.

 Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam về quê qua Chốt kiểm dịch y tế Sao Mai. Ảnh: VGP/Dương Nương

Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam về quê qua Chốt kiểm dịch y tế Sao Mai. Ảnh: VGP/Dương Nương

Tỉnh Kon Tum có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua lòng thành phố, để kiểm soát người tới, về từ vùng dịch, địa phương đã lập chốt kiểm dịch Sao Mai ngay cửa ngõ phía Nam vào TP. Kon Tum (giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum).

Theo ghi nhận, mấy ngày nay lượng người từ các tỉnh phía Nam hồi hương về các tỉnh miền Trung, miền Bắc đi qua địa bàn tỉnh rất đông, trong đó có khoảng 4 đoàn lớn với số lượng hàng trăm xe gắn máy mỗi đoàn.

Tham gia trực chốt kiểm dịch y tế, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các lực lượng chức năng và một số nhà từ thiện tổ chức hỗ trợ, tiếp sức cho các đoàn khi qua đây. Theo đó, sau khi tập hợp đoàn, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã hỗ trợ người dân đổ đầy bình xăng, trực tiếp phát đồ ăn nhẹ, cơm, sữa, nước uống cho mọi người trước khi khởi hành đi tiếp.

Đối với những người dân về tỉnh Quảng Ngãi được phân tuyến đi trước theo hướng lên huyện Kon Plông, qua đèo Vi O Lăk về; còn người dân đi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, hay Huế trở ra được tách để di chuyển theo hướng khác. Tất cả các hướng khi di chuyển đều có xe của công an dẫn đường.

Ai cũng lấm lem, mệt mỏi, nhiều người ngồi bệp xuống rệ đường sau hơn hai mươi giờ chạy xe máy. Họ mang theo về tất cả những gì có thể. Hầu hết là lao động tự do hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp nên tài sản cũng chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo, chăn màn, vài cái nồi niêu xoong chảo. Trong đoàn người ấy, có vài ba đứa trẻ đi theo bố mẹ, còn hầu hết là được gửi ông bà nội, ngoại chăm sóc ở quê, do việc làm không ổn định, nơi ở không cố định và chi phí sinh hoạt, học tập tại các thành phố lớn đắt đỏ...

Luôn có sự hỗ trợ cơm ăn, nước uống và xăng xe dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nơi đoàn hành hương dừng chân từ các địa phương và nhà hảo tâm. Ảnh: VGP/Dương Nương

Luôn có sự hỗ trợ cơm ăn, nước uống và xăng xe dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nơi đoàn hành hương dừng chân từ các địa phương và nhà hảo tâm. Ảnh: VGP/Dương Nương

Đi qua địa phận tỉnh Kon Tum, đoàn đông có tới hơn trăm xe gắn máy. Xe nào cũng “kẹp” 2, “kẹp” 3-đó là những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ, là những cặp vợ chồng, là anh em và là những người bạn cùng đi làm ăn xa, có thể “đổi tài” để chuyến hành trình được trọn vẹn, suôn sẻ trong chuyến đi dài.

Bạn Lê Hương, thành viên đoàn chia sẻ: “Tôi làm công nhân tại khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tôi và nhiều người bạn phải về quê ở Huế tránh dịch. Dọc đường đi, lực lượng chức năng các địa phương hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Tại Kon Tum, ngoài nước uống, đồ ăn nhẹ, chúng tôi còn được hỗ trợ cơm, xăng xe để tiếp tục di chuyển về quê. Mong mọi chuyện sớm qua để trở lại cuộc sống bình thường, chúng tôi có việc làm”.

Trung tá Lê Quang Chính, Phó Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đang rất nóng, tâm lý của bà con di chuyển về các địa phương rất nhiều. Tại Kon Tum, trung bình có khoảng 140-170 lượt phương tiện/ngày đi qua địa bàn, số người dao động từ 250-350 người. Người dân chủ yếu di chuyển bằng xe gắn máy, đa số là những lực lượng công nhân, lao động tự do, hoàn cảnh rất khó khăn.

Khi người dân về đến chốt kiểm soát dịch Sao Mai, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã hỗ trợ cơm, nước uống, sữa và xăng để tiếp thêm động lực cho người dân trong suốt hành trình dài di chuyển. Với các phương tiện bị hư dọc đường, lực lượng cảnh sát giao thông đã điều xe chuyên dụng để mang đi sửa chữa giúp dân.

Không chỉ tại các chốt kiểm dịch y tế tại tỉnh Kon Tum, mà qua tìm hiểu được biết, trong suốt chặng đường từ các tỉnh phía Nam về với quê hương, những công nhân này đều được sự hỗ trợ cơm ăn, nước uống và xăng xe dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nơi đoàn dừng chân từ các địa phương và nhà hảo tâm.

Ông Võ Duy Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum (Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên) cho biết, đơn vị đã chủ động đề xuất với tỉnh Kon Tum hỗ trợ miễn phí nhiên liệu tại 2 địa điểm có vị trí thuận tiện, xa khu dân cư bảo đảm công tác phòng dịch và có cơ sở vật chất đáp ứng được một số nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đó là đối với tuyến Quốc lộ14-đường Hồ Chí Minh là tại Cửa hàng xăng dầu 124, đoạn Km1475, thuộc thôn Dục Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi. Đối với tuyến Quốc lộ 24 là tại Cửa hàng xăng dầu 118, đoạn Km 117+237, thuộc thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Chi nhánh đã hỗ trợ xăng cho người dân về từ vùng dịch tại 2 cửa hàng này từ ngày 25/7, đơn vị tiếp tục bố trí nhân lực thường xuyên túc trực tại cửa hàng sẵn sàng hỗ trợ người dân về quê khi đi qua tỉnh Kon Tum.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,các địa phương đã lập kế hoạch để đưa người dân đi làm ăn tại các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 về quê. Tuy nhiên, nhiều người rất khó khăn không thể đợi đến ngày được đón về, nên họ đã chạy xe gắn máy hồi hương, bất chấp chặng đường dài cả ngàn cây số. Với những việc làm ý nghĩa của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum và các địa phương khác không chỉ hỗ trợ cho những người lao động khó khăn đang hành trình hồi hương mà còn góp phần lan tỏa tình người trong đại dịch COVID-19.

Dương Nương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/am-long-trong-nhung-chuyen-hoi-huong-tu-vung-dich/440678.vgp