Âm mưu phản loạn rúng động Hoàng gia Jordan

Tháng 4/2021, chính quyền của Vua Jordan Abdullah II khiến dư luận sửng sốt khi thông báo cựu Thái tử Hamzah bin Hussein, em cùng cha khác mẹ với ông, âm mưu soán ngôi vương.

Lời tòa soạn

Từ thời Ai Cập cổ đại cho đến thế giới hiện đại, những câu chuyện tranh giành quyền lực và của cải trong các gia tộc giàu có và hùng mạnh không hiếm, từ việc anh chị em ruột tranh giành ngôi báu, anh em ruột đấu đá lẫn nhau để độc chiếm tài sản cho đến bị cả họ tộc quay lưng vì bất đồng chính trị. Cùng VietNamNet điểm lại một số câu chuyện “huynh đệ tương tàn” nổi tiếng trên thế giới:

Bài 1: Chuyện nữ hoàng Ai Cập ra tay tàn độc với cả em ruột để độc chiếm ngôi báu

Bài 2: Nỗi đau ‘huynh đệ tương tàn’ trong gia đình tỉ phú giàu nhất châu Á

Vào thời điểm đó, chính quyền của Vua Abdullah II, 63 tuổi, cáo buộc Hoàng tử Hamzah, 41 tuổi, đã cấu kết với nước ngoài để "xúi giục nổi loạn" với mục tiêu "gây mất ổn định an ninh cho Jordan", cụm từ ám chỉ âm mưu đảo chính.

Cựu Thái tử Jordan bị phế truất Hamzah bin Hussein. Ảnh: People

Cựu Thái tử Jordan bị phế truất Hamzah bin Hussein. Ảnh: People

Ngày 3/4/2021, nhà chức trách đã bắt giữ Hoàng tử Hamzah và 17 người khác bị tố cáo dính líu đến âm mưu phản loạn, bao gồm cả cựu phụ tá thân cận của hoàng gia Bassem Awadallah và cựu Đại sứ Jordan tại Ảrập Xêút Sherif Hassan bin Zaid. Một ngày sau, Ngoại trưởng kiêm Phó thủ tướng Jordan Ayman Safadi tuyên bố "âm mưu đảo chính đã bị chặn đứng".

Căng thẳng công khai

Trong bức thư được Hoàng gia Jordan công bố ngày 5/4/2021, Hoàng tử Hamzah khẳng định trung thành với Vua Abdullah II. Trước đó, nhà vua cũng nhất trí hòa giải "để xử lý vấn đề của Hoàng tử Hamzah trong nội bộ hoàng tộc". Việc hòa giải được giao cho chú của hai anh em là Hoàng thân Hassan. Ngày 7/4, Vua Abdullah II tuyên bố đã khôi phục sự bình yên của đất nước.

Tuy nhiên, Hoàng tử Hamzah, người bị quản thúc tại gia kể từ đó, đã gửi một thông điệp video tới giới truyền thông, phủ nhận việc ông dẫn đầu âm mưu “tranh quyền đoạt vị”.

Các thành viên khác trong hoàng tộc cũng sớm lên tiếng, tiếp tục phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Vương triều Hashemi của Jordan.

Thái hậu Noor Al Hussein, mẹ ruột của Hoàng tử Hamzah và là mẹ kế của nhà vua, đã đăng đàn mạng xã hội Twitter (nay đổi tên thành X) bày tỏ “sự thật và công lý sẽ thắng thế và minh oan cho tất cả các nạn nhân vô tội của sự vu khống độc ác này”. Trong một thông điệp Twitter bị xóa ngay sau đó, Công chúa Firyal, cô ruột của cả Vua Abdullah II và Hoàng tử Hamzah viết, “tham vọng của Thái hậu Noor và con trai của bà là mù quáng, ảo tưởng, vô ích và không đáng”.

Cựu Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Jordan Jawad Anani chia sẻ với tạp chí Vox rằng, sự việc đã khiến dư luận nước này sốc nặng. Mặc dù những cãi vã và tranh chấp giữa các thành viên hoàng gia ở những nước khác thường diễn ra công khai và phổ biến, nhưng chúng hiếm khi xảy ra ở Jordan và chưa bao giờ nghiêm trọng đến như vậy trong thời hiện đại.

Diễn biến bất thường cũng thu hút sự chú ý của các nước đối tác và đồng minh lâu năm của Jordan, bao gồm cả Mỹ. Washington đã ngay lập tức lên tiếng khẳng định hoàn toàn ủng hộ Vua Abdullah II.

Vua Abdullah II (trái) và Hoàng tử Hamzah đã có mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" suốt nhiều năm. Ảnh: Bloomberg

Vua Abdullah II (trái) và Hoàng tử Hamzah đã có mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" suốt nhiều năm. Ảnh: Bloomberg

Bất hòa âm ỉ

Theo một số cựu quan chức và giới quan sát, những rạn nứt giữa Vua Abdullah II và Hoàng tử Hamzah đã có từ lâu nhưng họ vẫn giữ kín trước công chúng. Căng thẳng được tin có liên quan đến quá trình chọn người kế vị ngai vàng.

Trước khi Vua Abdullah II làm lễ đăng quang năm 1999, cha của ông - cố Quốc vương Hussein đã trị vì Jordan từ năm 1952. Lúc đó, em trai của Vua Hussein là Hassan giữ cương vị thái tử và đã chờ kế nhiệm ông được 34 năm.

Tuy nhiên, tháng 1/1999, Vua Hussein khiến cả vương quốc sửng sốt khi bất ngờ ra sắc lệnh phế truất địa vị thái tử của em trai, đồng thời công bố chọn con trai cả của ông - Hoàng tử Abdullah làm người kế vị. Công chúng kinh ngạc vì nhiều người trước đó tin, nếu ngôi báu không truyền cho em trai nhà vua, người được chọn sẽ là Hoàng tử Hamzah, con trai thứ 4 của ông. Hamzah được đông đảo đánh giá là người con Quốc vương Hussein yêu quý nhất và cũng thường xuyên túc trực bên vua cha khi ông điều trị bệnh ung thư.

Theo hãng thông tấn Aljazeera, vào thời điểm ấy, Hamzah mới 18 tuổi và Vua Hussein cảm thấy hoàng tử còn quá trẻ để gánh vác trọng trách. Trong khi đó, người con trai cả Abdullah được quân đội ủng hộ và được người dân biết đến nhiều hơn.

2 tuần sau khi vua cha qua đời, vào ngày 7/2/1999, Vua Abdullah II lên ngôi và ngay lập tức sắc phong Hamzah làm thái tử. Do hai anh em không có mối quan hệ đặc biệt thân thiết nên động thái được cho là theo tâm nguyện của người cha quá cố.

Tuy nhiên, gần 6 năm sau, vào tháng 11/2004, Vua Abdullah II đột ngột tước quyền thừa kế ngai vàng của Hamzah. Trong một bức thư gửi em trai, nhà vua giải thích thái tử chỉ là tước hiệu "danh dự" và việc nắm giữ nó "hạn chế quyền tự do của em và cản trở chúng ta giao cho em những trọng trách em hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận".

Vua Abdullah II không chỉ định ngay thái tử mới. Mãi 5 năm sau đó, vào tháng 7/2009, ông mới sắc phong tước vị này cho con trai cả của mình – Hoàng tử Hussein.

Robert Satloff, giám đốc điều hành Viện chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) lưu ý, động thái của Vua Abdullah II đã có tiền lệ. Cố Quốc vương Hussein từng thay đổi thứ tự kế vị tới 4 lần. Hiến pháp Jordan cũng nêu rõ “tước vị hoàng gia sẽ được truyền từ người nắm giữ ngai vàng cho con trai cả của mình”, trừ khi nhà vua muốn trao lại ngôi báu cho anh/em trai.

Vua Abdullah II (phải) tại đám cưới của vợ chồng Hoàng tử Hamzah giữa năm 2012. Ảnh: NYT

Vua Abdullah II (phải) tại đám cưới của vợ chồng Hoàng tử Hamzah giữa năm 2012. Ảnh: NYT

Từ bỏ tước vị hoàng gia

Về sau, chính quyền của Vua Abdullah II không còn nhắc tới bất kỳ lùm xùm nào liên quan đến Hoàng tử Hamzah nữa. Ông ngày càng bị gạt ra ngoài lề trong cơ cấu quyền lực của Jordan và trở thành người chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của anh trai. Song, Vua Abdullah II gần như phớt lờ những lời công kích từ người em trai cùng cha khác mẹ, được cho “vẫn chưa nguôi bất mãn vì bị tước quyền kế vị ngôi báu”.

Tháng 3/2022, Hoàng gia đã công bố một bức thư của Hoàng tử Hamzah, trong đó ông xin lỗi nhà vua và bày tỏ hy vọng "chúng ta có thể bước sang trang mới trong lịch sử đất nước và gia đình".

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Hoàng tử Hamzah thông báo từ bỏ tước vị. "Sau những gì bản thân đã chứng kiến trong những năm qua, tôi đi đến kết luận rằng niềm tin cá nhân của tôi và những giá trị mà cha tôi đã truyền lại không phù hợp với cách tiếp cận, xu hướng hoặc phương pháp hiện đại của thể chế hiện nay", ông Hamzah viết. Thông điệp không trực tiếp chỉ trích nhà vua hay giới tinh hoa cầm quyền.

Tháng 5/2022, Vua Abdullah II chính thức tuyên bố ông Hamzah bị quản thúc tại gia và việc liên lạc cũng như đi lại của ông bị hạn chế do "các hành vi và nguyện vọng thất thường" của bản thân.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/am-muu-phan-loan-rung-dong-hoang-gia-jordan-2283473.html