Ăm Neng - 'bóng cả' ở thôn Vầng

'Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng Ăm Neng - người có uy tín ở thôn Vầng vẫn tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, ông chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi rất hiệu quả. Trong các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa phương, ông gương mẫu đi đầu thực hiện và tuyên truyền, vận động người thân, Nhân dân làm theo. Với những việc làm ý nghĩa của mình, Ăm Neng được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Ông xứng đáng là 'bóng cả' ở thôn Vầng', Phó Chủ tịch UBND xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa Hồ Ai Béc cho hay.

Ăm Neng (bên trái) và những tấm bằng khen do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng do có nhiều thành tích trong phong trào thi đua -Ảnh: N.T

Ăm Neng (bên trái) và những tấm bằng khen do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng do có nhiều thành tích trong phong trào thi đua -Ảnh: N.T

Trước đây, gia đình Ăm Neng thuộc hộ nghèo của xã. Không cam chịu quanh năm chỉ quẩn quanh sản xuất vài sào lúa rẫy năng suất, chất lượng thấp, cuộc sống thiếu trước, hụt sau, Ăm Neng tìm cách thoát khỏi đói nghèo. Trước khi đổi mới phương thức sản xuất, ông dành thời gian đi tìm hiểu thực tế các mô hình kinh tế hiệu quả tại các xã khác trong vùng, từ đó học hỏi, nghiên cứu và áp dụng thực tế tại địa phương như thế nào cho phù hợp.

Tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, Ăm Neng đầu tư, mở rộng diện tích trồng trọt với gần 4 ha sắn, 1.400 gốc hồ tiêu. Nhờ áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, các loại cây trồng của gia đình ông phát triển tốt và đạt năng suất cao.

Nhận thấy khí hậu, chất đất ở Ba Tầng phù hợp với trồng cây ăn quả có múi cũng như nắm bắt nhu cầu của thị trường khá ưa thích loại quýt bản địa (quả tắt rừng), năm 2015, Ăm Neng ươm trồng và xuống giống gần 200 gốc giống quýt này.

Đây là loại cây dễ trồng, có nhiều tác dụng chăm sóc sức khỏe, thích ứng trên nhiều loại đất khác nhau, vốn đầu tư ít và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Chỉ sau khoảng 3 năm trồng, chăm sóc, cây ra quả bói và cho thu hoạch.

Bình quân mỗi năm, vào khoảng tháng 10 âm lịch, gia đình ông thu hoạch khoảng 4 tạ quả. Sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua nên đầu ra khá thuận lợi.

Mô hình trồng quýt bản địa đã góp phần đáng kể vào bảo tồn, phát triển giống cây ăn quả ở địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Không chỉ thành công với mô hình trồng trọt, Ăm Neng còn “mát tay” trong chăn nuôi lợn giống bản địa với gần 20 con, đàn dê 9 con và 2 ao cá gần 0,5 ha với các loại cá như trắm, trê, rô phi..., không chỉ phục vụ thực phẩm của gia đình mà còn cung cấp cho người dân trong xã có nhu cầu.

Với tinh thần “Tuổi già nhưng chí không già”, Ăm Neng đã vượt lên hoàn cảnh nhờ chịu khó học hỏi, đổi mới phương thức canh tác. Sau khi trừ mọi chi phí, mô hình kinh tế này mang lại thu nhập trung bình mỗi năm cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng. Năm 2017, Ăm Neng xây dựng được căn nhà khang trang trị giá gần 600 triệu đồng, đồng thời mua sắm được nhiều trang thiết bị sinh hoạt gia đình.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình mình, Ăm Neng luôn tìm cách giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hộ dân trong thôn vươn lên thoát nghèo. Hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của già làng, Ăm Neng đi từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, xây dựng nông thôn mới.

Các buổi tập huấn, gặp mặt do các cấp, ngành tổ chức để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho người có uy tín ông đều tham gia đầy đủ. Mỗi khi người dân cần bất cứ việc gì ông đều có mặt kịp thời.

Ăm Neng luôn biết cách nói dân nghe, làm dân tin. Ông là cầu nối chuyển tải có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong thôn, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất để đồng bào vùng dân tộc thiểu số học tập, làm theo.

Theo gương Ăm Neng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã tập trung phát triển kinh tế gia đình. Không ít hộ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi thành công, vươn lên thoát nghèo.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/am-neng-bong-ca-o-thon-vang-185835.htm