Âm nhạc 'chữa lành'
Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, nhiều người đã tìm đến âm nhạc để được chữa lành. Sức lan tỏa của âm nhạc chữa lành đã và đang chạm đến trái tim nhiều người, trong đó có rất nhiều người trẻ.
Âm nhạc đổi lấy nụ cười
Năm 2024 tiếp nối xu hướng mang đến những bản phối nhạc mới, trào lưu “âm nhạc chữa lành” đã lan rộng trong cộng đồng giới trẻ và được đón nhận một cách rộng rãi. Xu hướng âm nhạc này đã lên ngôi với câu từ mộc mạc, dễ đi vào lòng người, xoa dịu những nỗi đau, sự vất vả mà chúng ta trải qua trong cuộc sống thường nhật.
Trên thế giới, khái niệm âm nhạc chữa lành không quá xa lạ. Âm nhạc giúp giảm căng thẳng, giảm cảm xúc tiêu cực, thoát khỏi sự trì trệ… Tại thị trường nhạc Việt, nhiều nghệ sĩ cũng lựa chọn loại hình âm nhạc này để gửi gắm những thông điệp tích cực tới cộng đồng. Như nhạc sĩ Trần Tiến dùng lời ca, giai điệu của mình chia sẻ với những cảnh đời trẻ em lang thang cơ nhỡ. Hay, nhạc sĩ An Hiếu từng có ca khúc về bảo vệ môi trường; ca sĩ Thái Thùy Linh cùng các nghệ sĩ mang âm nhạc đến bệnh viện với thông điệp: “Chúng tôi không biểu diễn. Chúng tôi mang âm nhạc tới bệnh viện để đổi lấy nụ cười hiếm hoi nơi này”.
Thế hệ các nghệ sĩ trẻ ngày nay cũng dựa trên giá trị của âm nhạc chữa lành để phát huy và lan tỏa những điều tích cực. Trong đó phải kể đến "nghệ sĩ viết nhạc chữa lành" - 14 Casper. Tuy là một tên tuổi mới nhưng 14 Casper nhanh chóng ghi được dấu ấn trong lòng khán giả với các sáng tác kết hợp cùng ca sĩ trẻ Bon Nghiêm như "Bao tiền một mớ bình yên", "Có ai ở đây không"... Giai điệu trong âm nhạc của chàng trai 9x được chắt lọc từ những chất liệu gần gũi nhất để khán giả có thể tưởng tượng chính bản thân mình trong đó, góp phần không nhỏ vào sức mạnh chữa lành, xoa dịu của âm nhạc đối với người nghe.
Trước đó, ca sĩ trẻ Orange cũng tự hát và viết nhạc để chữa lành, các ca khúc “Khi em lớn”, “Nơi pháo hoa rực rỡ”, “Tự sự”… của cô gần gũi, chạm đến tâm hồn người nghe, đặc biệt là khán giả trẻ một cách rất tự nhiên.
Gần nhất, Emily Wagner cũng đốn tim khán giả với ca khúc "Safe & Sound". Với giai điệu mang phong cách âm nhạc dân gian đơn giản cùng tiếng đàn guitar nhẹ nhàng, ca khúc gợi lên nỗi da diết, tâm tư đồng cảm và lòng trắc ẩn với mỗi người nghe, truyền đi thông điệp: “Hãy chợp mắt một tí, bạn sẽ ổn thôi”.
Hầu hết sản phẩm âm nhạc chữa lành đều xuất phát từ trải nghiệm của cá nhân nhạc sĩ, ca sĩ. Có thể thấy, vượt lên trên giai điệu, ca từ, âm nhạc giờ đây còn là tâm tư, nơi an ủi, là người bạn đồng hành. Như Orange, từng đối diện nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc, nhưng khi đã vượt qua, ca sĩ trẻ này muốn truyền động lực, cổ vũ khán giả vượt qua khó khăn.
Thông điệp nhân văn, truyền cảm hứng
Theo ca sĩ Hà Myo, "chữa lành" là một cụm từ được quan tâm nhiều trong cuộc sống hiện nay khi mọi người đối diện cuộc sống nhiều thử thách. Mỗi người cải thiện đời sống tinh thần bằng những cách riêng, nhưng với Hà Myo đó là âm nhạc. “Âm nhạc luôn là thứ dễ dàng chạm đến trái tim của chúng ta, ca từ trong bài hát mang năng lượng của hạnh phúc sẽ giúp chúng ta đối diện tích cực hơn với các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Trong âm nhạc, điều quan trọng nhất là sự đồng điệu” - nữ ca sĩ cho biết.
Là nghệ sĩ trẻ luôn mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa xẩm bằng âm nhạc, Hà Myo cho biết cô muốn thông qua các sản phẩm để lan tỏa tinh hoa của âm nhạc dân tộc một cách gần gũi hơn với các bạn trẻ. Năm 2024 vừa qua và những năm tiếp theo, cô đã, đang và sẽ mang Xẩm đến các trường đại học, bằng các buổi trò chuyện về văn hóa truyền thống và các tour biểu diễn để lan tỏa tình yêu dòng nhạc cổ truyền đến với người trẻ.
“Đi càng nhiều nơi, tiếp xúc càng nhiều nền văn minh mới thấy sự khác biệt của chúng ta chính là văn hóa Việt Nam, là con người Việt Nam. Nhờ có Xẩm tôi nhận ra thứ âm nhạc khác biệt chỉ Việt Nam mới có, giúp tôi và rất nhiều khán giả trẻ và khán giả cả nước tìm được tiếng nói chung, từ đó thêm tự hào và yêu quê hương đất nước mình hơn” - nữ ca sĩ bộc bạch.
Ca sĩ Đức Lộc - thành viên ban nhạc Rock Đông Đô cho rằng: Không riêng gì ca khúc hay âm nhạc, các bộ môn nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng để truyền tải những thông điệp cụ thể của các tác giả, các nghệ sĩ đến khán giả. Âm nhạc hay và ý nghĩa chắc chắn sẽ đem lại chuyển biến tâm lý tích cực cho người nghe. “Ví như tại một trận đấu bóng đá, đội tuyển Việt Nam thắng - một đoạn nhạc ngắn trong quốc ca vang lên, khi đó ca khúc “Tiến quân ca” không chỉ mang tính chất hào hùng, mà giai điệu ấy còn chứa đựng cả niềm vui, sự hân hoan với khí thế chiến thắng. Âm nhạc giúp cho cảm xúc, tâm trạng của người nghe ở thời điểm đó được thăng hoa hơn nhiều lần” - nam ca sĩ chia sẻ.
Có thể thấy, càng ngày sức lan tỏa lớn của dòng nhạc chữa lành đã và đang chạm đến trái tim nhiều người, trong đó có thế hệ trẻ. Đặc biệt, âm nhạc chữa lành còn truyền tải thông điệp nhân văn, đầy cảm hứng về lòng tốt của con người, tình yêu thiên nhiên và hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn.
Từ những hiệu ứng cảm xúc này, ngày càng nhiều khán giả, nhất là những bạn trẻ đã chung tay tạo nên những điều tử tế. Âm nhạc chữa lành xứng đáng được tôn vinh và lan tỏa nhiều hơn nữa, vì có thể tạo ra những thay đổi, ảnh hưởng tích cực đến đời sống và xã hội. Nhiều đốm lửa nhỏ sẽ nhen nhóm thành ngọn lửa yêu thương lớn lao, và khán giả chính là nguồn tiếp sức, động viên cho các nghệ sĩ trên hành trình nối dài những ca từ hay, ý đẹp cho đời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/am-nhac-chua-lanh-10298397.html