Âm nhạc của gen Z: Phóng khoáng và tự do
Nghệ sĩ thuộc thế hệ gen Z đang khuấy đảo làng nhạc Việt và dần làm chủ 'cuộc chơi' với hàng loạt sản phẩm âm nhạc gây bão. Ngoài sự tươi mới, trẻ trung, chất nhạc của họ còn tôn thờ sự phóng khoáng, tự do và thể hiện điều đó ở mức cao nhất- điều mà thế hệ trước ít làm được.
Gen Z là cụm từ để chỉ thế hệ sinh từ năm 1995 đến 2012. Là thế hệ lớn lên cùng công nghệ, tiếp cận Internet rất sớm nên tư duy của gen Z luôn có sự đa dạng, cởi mở hơn so với thế hệ cũ. Thậm chí có đánh giá cho rằng gen Z là thế hệ tự do nhất từ trước đến nay, họ không bị bó buộc trong một khuôn khổ nào.
Thị hiếu và cá tính âm nhạc của gen Z cũng không ngoại lệ. Làm bạn với thế giới phẳng, hiểu thế nào là toàn cầu hóa nên gu âm nhạc của họ rất đa dạng. Họ cập nhật đủ thể loại âm nhạc và sẵn lòng đón nhận các trào lưu âm nhạc mới lạ ở khắp hành tinh.
Không ngạc nhiên khi một cô nàng/ anh chàng gen Z mê K-pop như điếu đổ nhưng tối về vẫn mở nhạc Trịnh, nghe V-pop hay cuối tuần lại “quẩy” với rap, EDM. Những gì mà cả thế giới mê, họ cũng sẽ nghe, không ngại. Thế hệ gen Z không bảo thủ với một dòng nhạc như lớp đàn anh mà sẵn lòng nghe đủ thứ hay ho trên đời với thái độ háo hức tìm tòi, khám phá.
Mới 19 tuổi nhưng rapper Pháo đã có nhiều ca khúc vươn tầm quốc tế.
Tất cả khiến gen Z tạo nên một lớp nghệ sĩ vô cùng đa năng và cá tính. Tuy cùng một thế hệ nhưng mỗi người lại là một sắc màu chứ không chạy theo một xu hướng, trào lưu nhất định. Nếu Erik là hoàng tử của những bản ballad buồn bã thì Jack khuấy đảo với dòng nhạc điện tử pha hoài cổ khi phảng phất âm hưởng ngũ cung. Xuất hiện trên sân khấu chương trình “King of Rap”, Pháo khiến khán giả đứng ngồi không yên khi cô trình làng các bản rap thú vị do mình sáng tác: “Ganh”, “Ta là của nhau”, “Lạy ông lạy bà”…
Cũng sinh năm 2003 như Pháo nhưng Phương Mỹ Chi lại khẳng định thương hiệu riêng khi gắn bó với dòng nhạc dân ca, bolero. Cô nàng Mỹ Anh, con gái của diva Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân thì sở hữu giọng hát lẫn cách sáng tác mang đậm màu sắc Âu Mỹ khi tung loạt ca khúc tiếng Anh theo phong cách RnB như “Got you”, “Pillars”… hay tiếng Việt như “Yên”. Trong khi đó Tlinh lại tung tẩy với đủ thể loại, từ rap, pop cho đến RnB, dance với các sáng tác “Em là châu báu”, “Gái độc thân”, “Thích quá rùi nà”, “Dạy tôi cách yêu”…
Amee hóa thành công chúa đáng yêu với những bài hát theo dòng pop trong sáng, siêu dễ thương như “Anh nhà ở đâu thế”, “Đen đá không đường”, “Yêu thì yêu không yêu thì yêu”, “Trời giấu trời mang đi”, “Sao anh chưa về nhà”… Cất lời chào khiêm tốn mà giàu chiêm nghiệm là Tùng với các bản “Con dế mèn hát vào mùa hè”, “Chiếc hộc tủ”, “Xa”, “Con chim trên cành hát về tình yêu”…
Điều đặc biệt ở nghệ sĩ gen Z chính là sự toàn năng. Rất nhiều người trong số họ không chỉ hát rất hay, sáng tác rất cừ mà còn kiêm luôn nhà sản xuất, hòa âm phối khí và tiếp thị sản phẩm âm nhạc của chính mình chứ không thông qua một khâu trung gian nào. Điển hình như Mỹ Anh, Tùng, Wren Evans … Chính vì tự biên tự diễn từ “A đến Z” nên chất tự do, phóng khoáng vốn có trong âm nhạc của gen Z được đẩy lên tối đa. Dấu ấn cá nhân vì thế trở nên đậm đặc, mỗi người mang một phong cách riêng không thể trộn lẫn.
Nếu trước đây câu từ nhạy cảm sẽ khiến nhạc sĩ đắn đo thì bây giờ, sự cởi mở của khán giả đồng lứa giúp thế hệ gen Z tự do hơn khi sử dụng những từ này. Nghệ sĩ theo dòng RnB hay rap thoải mái đưa câu từ cực kỳ bụi phủi, bắt trend (xu hướng) đời thường mà không hề kiêng dè, nể nang. Dòng pop, acoustic lại mang lời ca bình dân, dung dị và rất mực chân thành, nghe như tiếng nói tâm tình, gần gũi của một người bạn.
Sự tự do còn thể hiện trong chủ đề mà gen Z khai thác. Nếu lớp nghệ sĩ trước thường quẩn quanh với đề tài tình yêu thì gen Z cực kỳ quan tâm đến đề tài thời sự, vấn đề xã hội, trải nghiệm cuộc sống, triết lý nhân sinh, giải phóng cái tôi…
Giai đoạn TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội vì dịch bệnh, họ tung ra không ít sản phẩm âm nhạc lay động lòng người. Câu hát “Sài Gòn đau lòng quá, toàn kỷ niệm của chúng ta” (Sài Gòn đau lòng quá) của ca sĩ – nhạc sĩ Hoàng Duyên khiến người nghe ao ước thành phố trở lại ngày tháng cũ. Mỹ Anh cũng viết “Yên” vỗ về cho tâm hồn trong một năm có quá nhiều mất mát. Còn rất trẻ nhưng Tùng lại nổi tiếng với chuỗi bài hát chiêm nghiệm về cõi nhân sinh, về không gian và thời gian ta đang sống, về thanh xuân lắm vấp váp, lỗi lầm: “Chờ đợi xa xôi sẽ cứu tôi thôi/ Lo toan đong đếm cũng chỉ một thoáng đôi mươi/ Bao nhiêu lầm lỗi mong sao chôn vùi/ Mình cứ khoác vai lại vui…” (Ở đây lúc này). Các bài hát này đều được khán giả trẻ hưởng ứng nồng nhiệt khi nó mang lại cho họ không gian âm nhạc đậm chất trí tuệ, nhân văn và cởi mở.
Mỹ Anh là gương mặt tiêu biểu của nghệ sĩ gen Z khi cô vừa biết sáng tác, vừa hát hay kiêm sản xuất âm nhạc.
Nếu thế hệ anh chị nổi tiếng nhờ sân khấu âm nhạc, CD hay về sau là các gameshow thì gen Z nổi lên từ nền tảng số. Môi trường nhạc số chính là nơi để âm nhạc gen Z tả xung hữu đột. Vì không giới hạn biên giới, ít vấp phải rào cản kiểm duyệt nên âm nhạc của họ giải phóng tối đa bản thân. Internet có thể đưa âm nhạc đến bất cứ đâu, từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo, thậm chí vươn mình ra thế giới.
Giỏi ngoại ngữ là thế mạnh lớn của gen Z. Rất nhiều người trong số họ tạo nên nhiều bản hit bằng tiếng Anh. Môi trường số chắp thêm đôi cánh đưa âm nhạc của họ đến khắp năm châu. Dù mới 19 tuổi nhưng Pháo đã lập thành tích vô tiền khoáng hậu. Ca khúc “Hai phút hơn” của cô được đánh giá cao ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và từng dẫn đầu bảng xếp hạng đình đám Shazam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một ca khúc chiếm hạng đầu tiên trong bảng xếp hạng lớn và uy tín của thế giới.
Là cái tên mới nổi gần đây nhưng Mỹ Anh đã xuất hiện ở rất nhiều sân khấu ca nhạc quốc tế như Round Music Festival 2021 (Hàn Quốc), lễ hội âm nhạc Head In The Clouds 2021 (Mỹ) và mới đây là Round Asean - Korea Music Festival (Hàn Quốc). Cô gây phấn khích với khán giả khi mang đến phong cách trình diễn mới mẻ, đậm cá tính.
Theo dõi Mỹ Anh từ những ngày đầu, nhạc sĩ Dương Khắc Linh kỳ vọng con gái của ca sĩ Mỹ Linh sẽ là một nghệ sĩ thành công không chỉ ở Việt Nam mà còn vang danh quốc tế. Cùng nhận định, nhạc sĩ Thanh Bùi nói: “Việc Mỹ Anh bước ra quốc tế bằng âm nhạc của mình tôi không ngạc nhiên. Âm nhạc Việt Nam ngày càng chuẩn hóa và quốc tế hóa, bên cạnh thị trường âm nhạc lớn tuổi thì có thị trường của các bạn trẻ như Mỹ Anh. Tôi chỉ mong Mỹ Anh đang bước những bước đầu tiên vào thế giới rộng lớn vẫn giữ được chất của mình”.
Bạn trai của Mỹ Anh, Wren Evans cũng có nhiều sáng tác chinh phục fan trong nước lẫn quốc tế: “Thích em hơi nhiều”, “Gặp may”, “Fashion 3”… Dễ hiểu vì sao sản phẩm của Wren Evans nhanh chóng trở thành hit. Những dòng nhạc thịnh hành trên thế giới như bossa-pop, disco, trap, jazz trở nên cuốn hút, ấn tượng bởi tư duy âm nhạc mới lạ, giàu năng lượng của cậu.
Tuy vậy, dù sở hữu nhiều lợi thế, nghệ sĩ gen Z vẫn vấp phải không ít thách thức. Khi quá lệ thuộc vào nền tảng nhạc số, rất nhiều ca sĩ bị khớp khi chính thức bước ra sân khấu lớn. Mải thể hiện cá tính, một số người bị đánh giá là hát chưa tròn vành rõ chữ và biểu cảm hơi quá như Wren Evans. Giỏi ngoại ngữ cũng khiến lắm nghệ sĩ mắc bệnh lai căng, sính ngoại khi viết lời. Thích sự tự do nên họ vô tư chêm vô tội vạ tiếng Anh vào tiếng Việt, miễn sao bản thân thấy “chất chơi” và phiêu mà không quan tâm đến sự khó chịu của thính giả. Cách hát lướt lướt, phiêu phiêu càng khiến ca từ rối rắm, khó nghe, hạ thấp sự trong sáng của tiếng Việt.
Phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của lứa nghệ sĩ gen Z đang thổi một làn gió mới vào nền nhạc Việt và qua đó thay đổi hoàn toàn tư duy làm nhạc trong thời công nghệ 4.0. Đó là thời của những nghệ sĩ toàn năng, ca khúc tự do - đậm đặc cá tính riêng, khai thác chủ đề đa dạng và tiệm cận với nền âm nhạc toàn cầu. Nhược điểm của họ chỉ là một phần nhỏ dễ dàng được bổ khuyết theo thời gian và trải nghiệm. Với gen Z, giới chuyên môn đặt rất nhiều kỳ vọng cho tương lai nhạc Việt, rằng họ sớm làm nên một cộng đồng nghe nhạc trí tuệ, tự do và đa dạng.