Âm nhạc đơm nở những điều tốt đẹp

Là người tài năng và khiêm tốn, Trần Mạnh Tuấn (trong ảnh) nhận được sự quý mến của nhiều người. Anh là một trong những nghệ sĩ saxophone hàng đầu Việt Nam. Năm 8 tuổi được tặng cây kèn saxophone alto như một hữu duyên.

Từ năm 9 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã theo cha mẹ (đều là nghệ sĩ cải lương) đến diễn ở nhiều nơi. Năm 13 tuổi, anh bị bệnh đau mắt. Bác sĩ chẩn đoán chỉ viêm mắt bình thường, nhưng ba ngày sau đưa tay lên mắt không nhìn thấy gì. Bác sĩ phải tiêm một loại thuốc mạnh để giữ một con mắt. Với cậu thiếu niên đang tuổi lớn, đó quả là điều rất kinh khủng, tưởng chừng cánh cửa cuộc đời khép lại! Trong giờ phút đó, cây kèn trở thành người bạn và tiết tấu, giai điệu đã khiến anh dần thay đổi.

“Âm nhạc đã cứu sống tôi”, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tâm sự. Từ đây, Trần Mạnh Tuấn trút mọi buồn vui vào cây kèn saxophone khiến cho tiếng kèn mỗi ngày có thêm chiều sâu làm lay động tâm hồn người nghe. Tiếng kèn nổi tiếng đến mức nhiều chương trình văn nghệ trong và ngoài nước mời anh trình tấu. Nỗ lực không ngừng của tiếng kèn saxophone trẻ trung được ghi nhận. Năm 1996, anh được trường âm nhạc Berklee (Boston, Massachusetts, Mỹ) trao học bổng, Trần Mạnh Tuấn tốt nghiệp ngành kèn tại đây.

Năm 2005, lần lưu diễn tại Đức bệnh tật lại ập đến, hai quả thận bị hư nghiêm trọng và chỉ có ghép thận mới cứu chữa được. Người anh trai đã tặng quả thận, bạn bè góp tiền để anh đến Mỹ chữa trị. Một lần nữa âm nhạc lại cứu sống anh! Trong bệnh viện, Trần Mạnh Tuấn hầu như không rời cây kèn. Anh chia sẻ: “Sợ nhất là lúc gây mê, y như cảm giác đứng trước cái chết, sợ rằng mình sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa...”. Tiết tấu những bài hát đã trở thành “liều thuốc trị liệu” giúp anh và cả những người bệnh chung quanh lạc quan hơn.

Càng quý sức khỏe càng nhận ra cuộc sống thật ý nghĩa, Trần Mạnh Tuấn tiếp tục trao gửi những cung bậc cảm xúc đến công chúng bằng tiếng kèn tài hoa mà huyền ảo của mình. Đó chính là vẻ đẹp của giai điệu và sức cuốn hút của tiết tấu cùng những khoảnh khắc xuất thần mà người nghệ sĩ làm nên. Không chỉ biểu diễn, anh mở lớp dạy saxophone, nhạc jazz.

Anh lập câu lạc bộ Jazz Sax n' Art thu hút nhiều người đến nghe, đưa dân ca Việt Nam vào trình tấu theo phong cách jazz. Những cách tân của Trần Mạnh Tuấn khi đưa nhạc jazz vào âm nhạc Việt đương đại được đánh giá cao. Những đĩa như Về quê, Lời ru mắt em, Biển khát, Hạ trắng, Bóng thời gian, Ru rừng, Như cánh vạc bay, Angel Eyes,... có lượng bán ra đến 700.000 bản.

Dịch Covid-19 ập đến khiến sự kết nối con người ở nhiều mặt, trong đó có âm nhạc như bị dừng lại. Nhưng khi có lời mời biểu diễn cho bệnh nhân tại các Bệnh viện dã chiến thu dung số 3, số 6 ở TP Hồ Chí Minh, Trần Mạnh Tuấn không do dự.

Buổi tối 24/7 với kính che giọt bắn cùng khẩu trang anh “nâng” những giai điệu lan tỏa tình yêu, sự đồng cảm của cộng đồng dành cho bệnh nhân. Tiếng kèn saxophone của anh không chỉ tiếp thêm sức mạnh mà còn truyền nguồn năng lượng mới đến hàng nghìn khán giả “đặc biệt” trên một sân khấu cũng thật “đặc biệt”. Ít ai biết rằng anh đang có nhiều bệnh nền, ngày nào cũng làm bạn với thuốc, xem bệnh viện là nhà.

Một trong những bài hát Trần Mạnh Tuấn thể hiện là Quê hương. Âm hưởng của bài hát hầu như quen thuộc với mọi người Việt và qua tiếng kèn saxophone đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt, xúc động. Trần Mạnh Tuấn không chỉ gửi gắm tình yêu quê hương mà còn truyền tải niềm tin chiến thắng dịch bệnh, giúp mọi người cảm nhận quê hương bao giờ cũng chứa chan tình yêu thương. Chính từ sự đùm bọc trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất luôn đơm nở những nghĩa cử cao đẹp, mình vì mọi người.

Một biến cố làm người yêu nhạc phải lo lắng. Tối 17/8, anh bị đột quỵ. Lập tức, vợ anh đưa vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu kịp thời. Trong sự quan tâm chăm sóc tận tình của y, bác sĩ, gia đình..., nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã qua cơn nguy biến và hồi sinh một cách kỳ diệu. Sau những ngày theo dõi điều trị, y, bác sĩ tiếp tục hỗ trợ anh thực hiện các bài tập vật lý trị liệu.

Với tâm thế phục vụ cộng đồng, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn luôn thể hiện mong muốn sẽ sớm quay trở lại sân khấu phục vụ công chúng. Trước khi bị đột quỵ, nghệ sĩ đã hoàn thành 90% khối lượng công việc cho Chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến đặc biệt “Nối vòng tay lớn” diễn ra tối 26/9 do anh làm Giám đốc âm nhạc.

Do sức khỏe chưa cho phép anh biểu diễn tiết mục Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như dự kiến. Tuy nhiên, với nhận định của các bác sĩ về khả năng hồi phục, công chúng rất kỳ vọng sẽ lại “phiêu” theo tiếng kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Bài và ảnh: CÁT TƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/am-nhac-dom-no-nhung-dieu-tot-dep-668399/