Âm nhạc Giao hưởng TP Hồ Chí Minh từ sau năm 1975 đến nay

Sau đây là tham luận của ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Hải (Giảng viên Khoa Sáng tác - Chỉ huy-Âm nhạc học, Nhạc viện TP.HCM) tại Hội thảo 'Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh - Dấu ấn những chặng đường' nhan đề 'Âm nhạc Giao hưởng TP Hồ Chí Minh từ sau năm 1975 đến nay' tổ chức ngày 22/8/2023.

Âm nhạc giao hưởng là đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc, có sức biểu hiện cao nhất về những vấn đề mang tính xã hội, tính triết lý về con người và cuộc sống… Âm nhạc giao hưởng là “thước đo” tài năng của người nhạc sĩ, có sức cuốn hút sự sáng tạo của các nhà soạn nhạc. Âm nhạc giao hường là một trong những thể loại âm nhạc sâu sắc và tuyệt vời nhất của nghệ thuật âm nhạc.

Sau năm 1975 lực lượng các nhạc sĩ viết khí nhạc ở TP. Hồ Chí Minh đa số từ miền Bắc trở về, họ là những thế hệ đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam được đào tạo chính quy ở nước ngoài và trong nước như: Quang Hải, Ca Lê Thuần, Thế Bảo, Hoàng Đạm, Hoàng Cương, Lê Khiêm, Trí Thanh, Đào Trọng Minh, Vĩnh Lai… Một thời gian sau được bổ sung thêm bởi các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Nam (từ Nga về), Phạm Minh Tuấn, Võ Đăng Tín, Trần Thanh Hà, Trần Đinh Lăng, Đặng Văn Bông, Trần Mạnh Hùng, Việt Anh , Nguyễn Mạnh Duy Linh… Với một đội ngũ hùng hậu như vậy, họ đã góp phần làm phong phú cho đời sống âm nhạc ở TP. Hồ Chí Minh.

Có rất nhiều các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh được ra đời từ sau năm 1975 cho đến nay nhưng nổi bật nhất vẫn là các tác phẩm ở thể loại giao hưởng. Ở thể loại giao hưởng 1 chương có: concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Quê tôi giải phóng (1985), Đất và hoa (1994 Quang Hải), concertino cho piano và dàn nhạc giao hưởng (1983 Ca Lê Thuần), ballade cho dàn nhạc giao hưởng Niềm tin gửi lại (1996 Trí Thanh), ouverture Mùa xuân thế kỷ (2002), Thác đổ (2003 Hoàng Cương), giao hưởng thơ (poem symphony) Ký ức Đồng khởi (1982 Võ Đăng Tín)… Ở thể loại giao hưởng nhiều chương có: concerto No 1 và No 2 cho piano và dàn nhạc giao hưởng (Quang Hải), tổ khúc giao hưởng (suite)Hội được mùa (1988 Lê Khiêm), concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng (1985 Thế Bảo), ballet Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga (Ca Lê Thuần), giao hưởng No 5 Mẹ Việt Nam (1994),giao hưởng No 6 Sài Gòn 300 năm (1998), giao hưởng No 7 Chuyện nàng Kiều (2000), giao hưởng No 8 Đất nước quê tôi (2003), giao hưởng No 9Cửu Long dậy sóng (2012) Nguyễn Văn Nam); concerto choviolon,oboe và dànnhạc giaohưởng (2013 Hoàng Cương), giaohưởngMẹ và đất nước (1996, Đặng Văn Bông), giao hưởng Miền Đông thành đồng (2015, Vĩnh Lai), giao hưởng No 1 (2008 Trần Thanh Hà), tổ khúc (suite) Dòng chảy(2013 Trần Mạnh Hùng), ballet Kiều (2022 Việt Anh)… Các tác phẩm ở thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ này mang một nội dung đa dạng: ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống vẻvang của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến, ca ngợi công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước và thành phố sau chiến tranh, ca ngợi người Mẹ Việt Nam anh hùng, gương các anh hùng, liệt sĩ…

Điều dễ nhận thấy trong các tác phẩm ở thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh đó là việc sử dụng chất liệu thiên về dân ca Nam Bộ. Đây là việc làm không mới, bởi dân ca Nam Bộ đã được sử dụng ở trong nhiều tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ trong cả nước, ngaytừ tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam là giao hưởng No 1 của nhạc sĩ Hoàng Việt, ông đã đưa dân ca Nam Bộ vào trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên với các tác phẩm ở thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, việc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ được nâng lên ở một “tầm vóc” mới, có tính sáng tạo, mới mẻ hơn, là sự kết hợp giữa ngôn ngữ dân tộc và hiện đại.

Việc xây dựng chủ đề trong các tác phẩm giao hưởng ở thời kỳ này thường được các nhạc sĩ lấy liệu chất từ các bài dân ca quen thuộc hoặc dựa trên các điệu thức của âm nhạc dân gian Nam Bộ như: chủ đề của các bài dân ca S’Tiêng: Chết con nai, Chó sủa khỉ, Chim Đ’rao trong tổ khúc giao hưởng Hội được mùa (Lê Khiêm); Lýcáimơn trong giao hưởng Mẹ và đất nước (Đặng Văn Bông). Đặc biệt trong hai concerto viết cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Quang Hải, ông đã đưa các điệu thức của câu rao mang hơi Trung - hò Huế, hơi Nam - bài Vọng cổ và hơi Bắc điệu Sa mạc, Bồng mạc trong concerto Quê tôi giải phóng hoặc hơi Oán, hơi Nam xuân, Nam đảo và độc đáo hơn là điệu Khách trong hát Bộ ở concerto Hoa và Đất.Thật thú vị khi lần đầu tiên chúng ta được nghe một nhạc cụ dân tộc đối thoại với dàn nhạc giao hưởng của phương Tâyqua hai concerto của nhạc sĩ Quang Hải! Với cách làm khác, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã cho piano - một nhạc cụ định âm của phương Tây diễn tấu một nét giai điệu mang âm hưởng Vọng cổ qua một cadenza 18 nhịp trong Concertino cho piano và dàn nhạc giao hưởng, cũng trong tác phẩm này các chủ đề 1 và chủ đề 2 theo hình thức sonate cũng được tác giả xây dựng trên thang âm của điệu Vọng cổ.

Ở một khía cạnh khác, một số nhạc sĩ lại khai thác tính dân tộc trong ngôn ngữ đa thanh của tiếng Việt để đưa vào trong các tác phẩm giao hưởng. Đâylà một sáng tạo mới làm cho người nghe cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận với ngôn ngữ của âm nhạc giao hưởng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là một người luôn hướng các tác phẩm giao hưởng của mình về với cội nguồn xứ sở. Âm nhạc của ông thấm đẫm chất Nam Bộ, đa số các chủ đề trong giao hưởng của ông đều được xây dựng trên điệu thức ngũ cung, thường 3 – 4 - 5 âm rất gần với các bài dân ca Nam bộ. Trong giao hưởng No 5 Mẹ Việt Nam, ông đã sử dụng kèn cor để họa lại ngữ điệu của câu thơ Trong đầm gì đẹp bằng sen như một giọng ngâm được cất lên nghe thật mênh mang, tha thiết hoặc một giọngkể Ngày xưa, nhớ ngày xưa có nàng Kiều trong giao hưởng No 7 Chuyện nàng Kiều với một tính chất buồn thương, diệu vợi… Nhạc sĩ Thế Bảo cũng đã sử dụng âm thanh của cây đàn piano để xây dựng nên một nét giai điệu của chủ đề 1 mô phỏng lại câu nói bất hủ của chủ tịch Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập tự do trong Concertocho piano và dàn nhạc giao hưởng gồm 3 chương. Ngoài ra còn có các tác phẩm khác như: giao hưởng thơ Ký ức Đồng khởi (Võ Đăng Tín), giao hưởng Miền Đông thành đồng (Vĩnh Lai) cũng đậm chất anh hùng ca và đượm chất Nam Bộ…

Bên cạnh các tác phẩm được viết bởi ngôn ngữ của dân tộc và hiện đại kể trên thì một số nhạc sĩ khác lại đi vào con đường sáng tạo với những tìm tòi bởi ngôn ngữ âm nhạc mới, mang yếu tố “đương đại”. Tiêu biểu đó là các tác phẩm của Hoàng Cương với ouverture Mùa xuân thế kỷ, Thác đổ, concertochoviolon, oboe và dàn nhạc giao hưởng, Trí thanh với ballade Niềm tin

gửi lại, Trần Thanh Hà với giao hưởng No 1 gồm 4 chương, Trần Mạnh Hùng trong tổ khúc Dòng chảy (kết hợp bởi dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc dân tộc cùng giọng hát) và Việt Anh trong vở ballet Kiều …

Có thể nói sau năm 1975 các nhạc sĩ của thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc giao hưởng của Việt Nam và thành phố. Các tác phẩm giao hưởng của các nhà soạn nhạc đã góp phần làm phong phú cho đời sống âm nhạc của thành phố sau ngàygiải phóng, là những tác phẩm được đánh giá cao, có giá trị về nghệ thuật và mang đậm bản sắc dân tộc, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc… Một số tác phẩm được xem là có tính “tiên phong”, “đột phá” trong sáng tạo như: concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Quê tôi giải phóng của GS.NSND Quang Hải, đây là concerto đầu tiên của Việt Nam sử dụng một nhạc cụ dân tộc độc tấu với dàn nhạc giao hưởng phương Tây. Với 7 concerto, GS. NSND Quang Hải được cho là người viết nhiều concerto nhất của Việt Nam, còn GS. NS Nguyễn Văn Nam là người viết nhiều giao hưởng nhất của Việt Nam, với “kỷ lục” là 9 bản giao hưởng!

Cũng trong thời kỳ này, một số tác phẩm của các nhà soạn nhạc Thành phố Hồ Chí Minh còn được giới thiệu, biểu diễn ở nước ngoài như: concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Quê tôi giải phóng của GS.TS. NSND Quang Hải biểu diễn tại Liên hoan âm nhạc Saint Peterburg (Nga), các giao hưởng của GS. NS Nguyễn Văn Nam biểu diễn ở Moskva, Saint Peterburg (Nga), concertino cho piano và dàn nhạc của PGS. NS Ca Lê Thuần biểu diễn ở Novosibirsk (Nga), ouverture Thác đổ của PGS. NS Hoàng Cương biểu diễn ở Florida (Hoa Kỳ), giao hưởng thơ Đồng khởi của NS. Võ Đăng Tín biểu diễn ở Liên hoan các dàn nhạc châu Á ở Tokyo (Nhật Bản), tổ khúc Dòng chảy của Trần Mạnh Hùng biểu diễn ở Saint Peterburg (Nga)… Đâylà niềm tự hào cho giới nhạc sĩ, cho nền âm nhạc giao hưởng của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Có thể nói những thập niên 80 –90 của thế kỷXX, âm nhạc giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh đã có những khởi sắc và thành tựu đáng kể. Thế nhưng bước qua thế kỷ XXI những thành tựu đó không còn được duy trì và phát triển, ngược lại nó trở nên “trầm lắng” như một dấu lặng ngân dài! Nếu như trước đây phòng Hòa nhạc của Nhạc Viện thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát thành phố thỉnh thoảng vẫn vang lên các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ thành phố, có những đêm nhạc do Hội Âm nhạc tổ chức thì hiện nay thi thoảng mới thấy một vài tác phẩm được giới thiệu. Trong khi đó thành phố đã xuất hiện một thế hệ các nhạc sĩ trẻ viết cho thính phòng - giao hưởng, họ được đào tạo chính quy, bài bản trong và ngoài nước như: Trần Đinh Lăng, Trần Mạnh Hùng, Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh…nhưng rất tiếc chúng ta vẫn còn thiếu một “môi trường” sáng tác và giới thiệu các tác phẩm khí nhạc, điều đó đã phần nào làm “nguội lạnh” nguồn cảm xúc của các nhà soạn nhạc hiện nay!

Thiết nghĩ đây cũng là một vấn đề cần thiết được đặt ra với Hội của chúng ta hôm nay.

TÀILIÊỤTHAM KHẢO

Tú Ngọc-Nguyễn Thị Nhung – Vũ Tự Lân- Nguyễn Ngọc Oánh- Thái Phiên (2001) Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện Âm Nhạc

Nguyễn Thị Nhung (2001), Âm nhạc thính phòng -giao hưởng Việt Nam- Sự hình thành và phát triển - Tác phẩm, tác giả, Viện Âm Nhạc

Hội nhạc sĩ Việt Nam (2007), Nhạc sĩ Việt Nam,

Trần Đinh Lăng (2019), Các chủ đề trong các bản giao hưởng của Nguyễn Văn Nam, Tạp chí VHNT số 424 – 2019.

Các trang báo mạng…

"Theo Kỷ yếu Hội thảo Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh"

ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Hải (Giảng viên Khoa Sáng tác - Chỉ huy-Âm nhạc học, Nhạc viện TP.HCM).

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/am-nhac-giao-huong-tp-ho-chi-minh-tu-sau-nam-1975-den-nay-a20752.html