Âm nhạc hoài niệm - Sống lại giá trị xưa cũ
Những câu chuyện bằng âm nhạc hoài niệm trên truyền hình gần đây không chỉ làm sống lại ký ức đẹp một thời của công chúng mà còn dệt nên giấc mơ trở lại nhạc Việt thời hoàng kim
Đúng với tên gọi "Ký ức V-pop", những bản hit (ăn khách) một thời còn in đậm trong trí nhớ của công chúng yêu nhạc thập niên 1990-2000 đã được tái hiện trong chương trình "Giai điệu kết nối - My playlist" phiên bản 2020 vừa lên sóng VTV3, thu hút khán giả yêu nhạc. Ở đây, khán giả được sống lại những ký ức đẹp đẽ của mình qua những bản tình ca được ghi dấu một thời.
Giá trị đích thực
Khi âm nhạc hiện đại chuộng xu hướng, hình thức chỉ thỏa mãn cho những bảng xếp hạng và có đời sống ngắn ngủi thì những giá trị âm nhạc tưởng chừng xưa cũ luôn có đời sống mới trong lòng người nghe, nếu được phổ biến trở lại. Những chương trình âm nhạc mang tính hoài niệm đang làm nên điều đó.
Loạt ca khúc "Một thời đã xa", "Kiếp ve sầu", "Thà rằng như thế", Mãi mãi một tình yêu", "Vùng trời bình yên", "Liều thuốc cho trái tim", "Vầng trăng khóc", "Vì yêu", "Tình yêu mang theo", "Tóc nâu môi trầm"… với phần trình diễn của PNP band trong chương trình "Giai điệu kết nối - My playlist", phát sóng hồi cuối tháng 1 trên VTV, thật sự ấn tượng. Âm nhạc không mới, ca sĩ trình diễn cũng không cố ghi dấu ấn cá nhân vào những ca khúc cũ. Người nghe càng thêm xúc động bởi sự tổng hòa của cả yếu tố ký ức sẵn có với những giai điệu thú vị của những bản hit thập niên 1990. Chương trình còn mang đến hàng loạt ca khúc quen thuộc qua các giọng hát Hồ Trung Dũng, nhóm Oplus, Đinh Hiền Anh, Tú Dưa, Hà Linh, Phạm Anh Duy, Lynk Lee, Dương Edward…
Biên tập chương trình, MC Anh Tuấn bày tỏ: "Giai điệu kết nối - My playlist" giống như câu chuyện được kể bằng âm nhạc mà ở đó, những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới cộng đồng là các nhân vật chính. Tại đây, khán giả sẽ có cơ hội lắng nghe những kỷ niệm, những câu chuyện đời của các nhân vật gắn liền với âm nhạc qua những ca khúc mà họ yêu mến. Khác với những chương trình khác, "Giai điệu kết nối - My playlist" không có khái niệm khách mời và người dẫn chương trình. Mọi thứ sẽ chỉ xoay quanh âm nhạc và những câu chuyện, do đó sẽ chỉ tồn tại khái niệm người kể chuyện và người ghi chép. Mỗi câu chuyện sẽ là mạch cảm xúc được ghi lại thành một cuốn hồi ký của chương trình.
Bên cạnh âm nhạc và câu chuyện kể, một yếu tố khác cũng được "Giai điệu kết nối - My playlist" đề cao, đó là sự tương tác giữa khán giả với chương trình. Với mỗi tập phát sóng, khán giả có thể bình chọn cho câu chuyện của nhân vật họ cảm thấy thích thú nhất. Khán giả cũng có thể gửi về cho chương trình những câu chuyện của chính mình gắn liền với những bài hát mà khách mời yêu mến. Những câu chuyện thú vị nhất của khán giả cũng sẽ được lựa chọn để đưa vào cuốn hồi ký của chương trình.
Nhu cầu của đời sống hôm nay
Gần đây, hàng loạt chương trình ký ức ra đời, được công chúng truyền hình đón nhận nồng nhiệt: "Ký ức vui vẻ", "Quán thanh xuân", "Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường"…
Dù không phản bác hay bài xích những giá trị âm nhạc trẻ mới, hiện đại nhưng giá trị của những tác phẩm âm nhạc xưa, có đời sống bền lâu trong lòng công chúng luôn có giá trị bất biến. Chỉ có điều nó cần làm mới bằng một giọng ca lạ, truyền cảm, khoác một "chiếc áo" hòa âm mới mẻ, hợp thời là thành bản hit. Hiện tượng Hoàng Trang hát "Ta thấy gì đêm nay" của Trịnh Công Sơn gây sốt trên mạng là minh chứng.
Nhiều chương trình đã thành hình với khát vọng lan tỏa những giá trị nhạc Việt từ giai đoạn khởi đầu, từ những ngày nhạc Việt ở thời kỳ đỉnh cao đến với công chúng hôm nay, nhất là khán giả trẻ. Tất nhiên, để có thể giữ chân khán giả, hình thức chuyển tải của các chương trình cũng được biến tấu bằng những phương thức thú vị. Nếu "Giai điệu kết nối" dùng chuyện kể có thật để kết nối âm nhạc thì ở "Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường" (phát sóng trên VTV3 và VTV4), thông qua những bản tình ca bất hủ, khán giả hiểu thêm hoàn cảnh lịch sử và cả những tâm tư cùng phong cách sáng tác của nhạc sĩ gửi gắm vào tác phẩm. Nhiều chuyên gia âm nhạc nhận định chương trình này là công trình đồ sộ nhất từ xưa đến nay về tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Quang (biên tập chương trình) cho biết để làm nên những thước phim tài liệu về lịch sử âm nhạc, ê-kíp thực hiện đã dành nhiều tâm sức, tỉ mỉ chọn lọc các nguồn tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II với 14 km giá đựng tài liệu, hơn 4.000 đĩa, gần 600 cuộn băng ghi âm và hơn 70.000 phim ảnh và đĩa nhạc từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Bên cạnh đó, chương trình còn tập hợp nguồn tài liệu quý giá từ Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh Việt Nam, cùng rất nhiều tư liệu, hình ảnh, đĩa nhạc từ người dân, các nhà sưu tầm đóng góp.
Hay ở chương trình "Quán thanh xuân" (phát trên sóng VTV) với sự bắt tay của 2 biên tập, MC kỳ cựu Anh Tuấn và Diễm Quỳnh, khán giả được kết nối với nhau bằng ký ức, bằng những ca khúc đã đi cùng họ một thời thanh xuân. Ai cũng có một thời thanh xuân buồn vui của cuộc đời, khi đã trưởng thành nhìn lại, mỗi người cảm thấy bồi hồi, lưu luyến. Chương trình mong muốn tạo ra nơi gặp gỡ của những người đã trải qua thanh xuân hay đang ở trong thời kỳ thanh xuân của mình, để gặp gỡ nhau, ôn lại và kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa, ký ức buồn vui chứa đầy kỷ niệm trong một không gian gần gũi.
Dù mỗi chương trình có cách làm khác nhau nhưng các ê-kíp đều có chung tâm huyết lan tỏa những giá trị tốt đẹp của âm nhạc Việt Nam đến khán giả nhiều hơn nữa, góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ hôm nay.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/am-nhac-hoai-niem-song-lai-gia-tri-xua-cu-2020021921440931.htm