Âm nhạc kể câu chuyện của Nghệ thuật thứ 7

Khi âm nhạc không còn là phần nền tô điểm cho khung hình, mà đã trở thành 'linh hồn' của câu chuyện điện ảnh - một làn sóng sáng tạo mới đang lan tỏa trong đời sống nghệ thuật đương đại.

Nhiều chương trình giao thoa âm nhạc - điện ảnh được tổ chức gần đây. Trong ảnh: Màn trình diễn tại “Musique De Salon 16”

Nhiều chương trình giao thoa âm nhạc - điện ảnh được tổ chức gần đây. Trong ảnh: Màn trình diễn tại “Musique De Salon 16”

Những chương trình kết hợp giữa âm nhạc và điện ảnh mở ra không gian trải nghiệm giàu cảm xúc, nơi mỗi nốt nhạc cất lên là một lát cắt của ký ức, mỗi giai điệu ngân vang là một cú chạm tinh tế vào tâm hồn khán giả.

Đó là sự giao thoa, là cuộc đối thoại đầy mê hoặc giữa âm thanh và hình ảnh - nơi giải trí thăng hoa thành cảm xúc và cảm xúc hóa thành nghệ thuật sống.

Giao thoa âm nhạc và điện ảnh

Ngay từ thuở “bình minh” của Nghệ thuật thứ 7, âm nhạc đã giữ vai trò là người đồng hành không thể thiếu. Từ những thước phim câm được minh họa bằng dàn nhạc chơi trực tiếp, đến những bản soundtrack đình đám trở thành di sản, sự giao thoa này tạo nên những trải nghiệm đa giác quan.

Nhiều tác phẩm âm nhạc trong phim đã có một đời sống riêng, thậm chí trở thành nội dung chính như những bản concerto đầy ấn tượng trong loạt phim hoạt hình Tom & Jerry, hay những bản nhạc bất hủ trong The Godfather, Titanic...

Gần đây, sự kết hợp này ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ qua những tác phẩm điện ảnh mà còn thông qua hàng loạt sự kiện độc đáo, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa và định hình thị hiếu công chúng. Tại Việt Nam, nhiều hòa nhạc phim được tổ chức, đưa âm nhạc và điện ảnh lại gần nhau hơn, tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ và thú vị cho công chúng.

Cuối tháng 6 vừa qua, sau 5 năm vắng bóng, Concert of Childhood Memory trở lại TP Hồ Chí Minh với chủ đề Whisper of Wonders, dắt khán giả vào thế giới kỳ ảo của những bản nhạc phim huyền thoại Studio Ghibli. Ra mắt từ năm 2016, chương trình là cầu nối giữa âm nhạc giao hưởng thính phòng và giới trẻ, khơi gợi lại ký ức tuổi thơ qua những giai điệu gắn liền với các bộ phim như Spirited Away, My Neighbor Totoro, Howl’s Moving Castle

Với ba đêm diễn liên tiếp (từ ngày 27-29.6) tại Nhà hát Quân đội TP Hồ Chí Minh, chương trình đã “cháy vé” chỉ sau hai tuần mở bán, cho thấy sức hút mạnh mẽ của một sự kiện âm nhạc từng bước trở thành điểm hẹn thường niên cho cộng đồng yêu giao hưởng Việt Nam.

Ông Lã Tuấn Cường, Trưởng ban Tổ chức dự án Concert of Childhood Memory 2025 - Whisper of Wonders chia sẻ: “Chương trình không chỉ mang đến giá trị nghệ thuật được truyền tải bằng ngôn ngữ âm nhạc mà còn là hành trình trở về với những điều đẹp đẽ nhất trong tâm hồn mỗi người”.

Cũng trong tháng 6, hành trình tôn vinh âm nhạc và trải nghiệm nghệ thuật tinh tế Musique De Salon 16 đã tiếp nối với chủ đề Âm nhạc & Điện ảnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dưới sự chỉ huy nghệ thuật của nhạc sĩ Đức Trí, phần trình diễn của dàn nhạc hoành tráng, khán giả đã được thưởng thức các bản nhạc phim quen thuộc và gặp lại nhiều “người cũ” qua những thước phim kinh điển. Sân khấu âm nhạc đã trở thành màn ảnh sống động - một trải nghiệm thị giác dành cho trái tim và tâm hồn.

Những giai điệu bất hủ như: Áo lụa Hà Đông, Bao giờ cho đến tháng Mười, Tháng năm rực rỡ, Mắt biếc, Người vợ cuối cùng... đã lần lượt vang lên. Mỗi nốt nhạc, mỗi tiết tấu đã kể lại câu chuyện cũ, khơi gợi mạnh mẽ những miền ký ức và cảm xúc sâu lắng trong lòng người nghe.

Không dừng lại ở điện ảnh Việt, chương trình còn mở rộng ra thế giới với những bản tình ca bất tử của Casablanca, quyến rũ, hồi hộp trong loạt phim James Bond, Musique De Salon 16 đã minh chứng cho sức mạnh không biên giới của âm nhạc khi kết hợp cùng Nghệ thuật thứ bảy…

Theo nhạc sĩ Đức Trí: “Âm nhạc có khả năng kể chuyện theo cách riêng. Khi tách hình ảnh ra khỏi bộ phim, âm nhạc trở thành phương tiện giúp người nghe nhớ lại cảm xúc, bối cảnh và nhân vật. Chương trình muốn đưa khán giả đến với những thước phim bằng trí tưởng tượng và cảm xúc cá nhân”.

Trải nghiệm nghệ thuật sống động

Tại Việt Nam, nhiều buổi concert nhạc phim đã diễn ra và thu hút hàng ngàn khán giả. Có thể kể đến hòa nhạc Cinema Music của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO), các chương trình hòa nhạc kết hợp với phim kinh điển của Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn, hay chương trình Filmusic concert của Sai Gon Film Orchestra... mang lại trải nghiệm đỉnh cao của điện ảnh với âm nhạc giao hưởng.

Có thể thấy, hòa nhạc phim đa dạng về chủ đề, từ “bom tấn” Hollywood, hoạt hình đến tác phẩm điện ảnh Việt Nam, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả. Với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp, các nhạc công tài năng và nhạc trưởng uy tín, sự kết hợp giữa âm thanh sống động, hình ảnh phim chiếu trên màn hình lớn và đôi khi là hiệu ứng ánh sáng, sân khấu đã tạo nên những màn trình diễn thăng hoa, thu hút không chỉ những người yêu nhạc cổ điển mà còn cả những tín đồ điện ảnh, các gia đình và giới trẻ...

Từ trước đến nay, khái niệm âm nhạc giao hưởng ở nước ta thường được mặc định là hàn lâm, có phần xa cách đối với đông đảo công chúng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các hòa nhạc phim đã làm thay đổi đáng kể nhận định này. Bằng cách trình diễn những bản nhạc quen thuộc, chương trình đã tạo ra một cầu nối hiệu quả, giúp khán giả tiếp cận âm nhạc hàn lâm một cách dễ dàng và tự nhiên.

Qua đó, không chỉ giúp nâng cao nhận thức và gu thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng mà còn đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của những tác phẩm điện ảnh và âm nhạc kinh điển.

Hơn nữa, sự đa dạng của các sự kiện kết hợp âm nhạc và điện ảnh còn mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí. Với sự đầu tư công phu, nghiêm túc và chất lượng nghệ thuật cao, những chương trình này hứa hẹn tiếp tục là một xu hướng được quan tâm và phát triển trong tương lai, khẳng định giá trị vượt thời gian của sự hòa quyện giữa hai loại hình nghệ thuật.

MINH ANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/am-nhac-ke-cau-chuyen-cua-nghe-thuat-thu-7-153543.html