Logo bóng đá không phải là cỗ máy thời gian

Logo là gương mặt đại diện cho một câu lạc bộ bóng đá, nơi mỗi con số và biểu tượng đều mang tính khẳng định bản sắc.

Logo gây tranh cãi của Ninh Bình FC

Logo gây tranh cãi của Ninh Bình FC

Nhưng với việc thay thế năm thành lập 2007 bằng mốc hành chính 1822 trong thiết kế mới, CLB Ninh Bình đang khiến hình ảnh của mình trở nên nhập nhèm, dễ gây nhầm lẫn và khó đạt chuẩn minh bạch mà thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi.

Ngày 3.7 tại Hà Nội, đội bóng Phù Đổng Ninh Bình FC tổ chức lễ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Logo mới lấy cảm hứng từ hình ảnh dê núi - linh vật quen thuộc gắn liền với vùng đất cố đô.

Hai chú dê đỏ dựng đứng đối xứng thể hiện tinh thần bền bỉ, dũng cảm và sức mạnh đoàn kết. Trung tâm logo là tên đội bóng “NINH BINH FC” trên nền xanh đậm. Bên trên là con số 2007, năm thành lập Câu lạc bộ bóng đá Xi măng Vinakansai Ninh Bình. Bên dưới là dải băng mang dòng chữ tên doanh nghiệp tài trợ.

Tuy nhiên, đến ngày 14.7, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chính thức chấp thuận đổi tên CLB Phù Đổng Ninh Bình thành CLB Bóng đá Ninh Bình. Cùng với việc đổi tên, Ninh Bình FC cũng chính thức ra mắt logo nhận diện mới.

Điều đáng chú ý là logo này có hai sự thay đổi so với mẫu logo được công bố trước đó. Thứ nhất, số năm 2007 được thay thế bằng 1822. Thứ hai, dòng chữ “NINH BINH” được sắp xếp lại theo hình chữ thập “cắt nhau” ở chữ I và bỏ chữ “FC”.

Về con số 1822, theo lý giải, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của danh xưng Ninh Bình (năm Minh Mạng thứ ba, 1822, đạo Thanh Bình được đổi tên thành đạo Ninh Bình).

Tuy nhiên, việc đưa một mốc lịch sử hành chính vào logo thể thao mà không có chú thích hay phân biệt rõ ràng có thể khiến công chúng hiểu rằng CLB đã có lịch sử từ thế kỷ XIX, trong khi thực tế đội bóng chỉ mới có mặt trên bản đồ chuyên nghiệp chưa đầy hai thập niên.

Hiện không có một quy tắc cứng bắt buộc hoặc tiêu chuẩn quốc tế nào điều chỉnh việc hiển thị năm trên logo của các CLB bóng đá. Tuy nhiên, trong thực tiễn thiết kế và quản trị thương hiệu thể thao, đã hình thành một số quy ước bất thành văn mà hầu hết các CLB chuyên nghiệp tuân theo.

Đầu tiên, năm hiển thị phải phản ánh năm thành lập chính thức của CLB. Đây là nguyên tắc cốt lõi và phổ biến nhất. Năm thành lập thường là năm đội bóng chính thức được công nhận bởi hiệp hội địa phương hoặc đăng ký hoạt động thi đấu chuyên nghiệp. Việc hiển thị năm này giúp xác lập bề dày truyền thống, tính kế thừa và bản sắc riêng trong hệ thống bóng đá.

Tiếp đến, không dùng năm không liên quan đến đội bóng. Việc sử dụng năm thành lập địa phương, năm sinh của người sáng lập hay các mốc lịch sử ngoài phạm vi hoạt động của CLB thường bị coi là sai lệch hoặc dễ gây hiểu lầm. Nếu muốn thể hiện giá trị văn hóa - lịch sử, các CLB thường dùng biểu tượng phụ, khẩu hiệu hoặc tên sân vận động thay vì thay thế năm thành lập.

Ở những thập niên đầu thế kỷ XX, khi bóng đá Anh và châu Âu bắt đầu định hình hệ thống thi đấu chuyên nghiệp, các CLB thường mượn luôn huy hiệu thành phố làm biểu trưng.

Manchester City, Aston Villa hay Chelsea từng sử dụng thẳng huy hiệu hoàng gia hoặc phù hiệu của chính quyền địa phương lên áo đấu. Từ thập niên 1990, cùng với làn sóng toàn cầu hóa bóng đá và sự bùng nổ của truyền hình, các CLB bắt đầu nhìn logo như một phần không thể tách rời của chiến lược thương hiệu.

Các đội như Juventus, Inter Milan, Manchester City, Arsenal hay gần đây là Leeds United đều từng gây tranh cãi khi “tối giản hóa” logo nhằm phù hợp hơn với thiết kế số hóa và thị trường toàn cầu.

Chữ viết được làm phẳng, họa tiết bị loại bỏ, các yếu tố truyền thống bị thay thế bằng ngôn ngữ hình học đơn giản hơn. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng chấp nhận thay đổi dễ dàng. Khi Juventus ra mắt logo chữ J vào năm 2017, không ít cổ động viên cảm thấy như bị tước đi một phần lịch sử.

Thực tế, một trong những chi tiết quen thuộc và nhiều tranh cãi nhất trong thiết kế logo bóng đá là năm thành lập. Trong đại đa số trường hợp, đây là mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của CLB. Tuy nhiên, không phải CLB nào cũng có hành trình liền mạch. Một số đội từng bị giải thể, sáp nhập, đổi tên hoặc tái lập. Khi đó, việc chọn năm nào làm “niên đại chính thức” cho logo thường dẫn đến tranh luận giữa truyền thống và pháp lý.

Ví dụ Rangers (Scotland) vẫn giữ năm 1872 dù từng tái lập, trong khi Parma (Italia) chọn năm 1913, năm ra đời CLB gốc, dù đội hiện tại chỉ được tái lập sau phá sản năm 2015. Việc đưa năm thành lập thành phố hoặc địa phương vào logo như Ninh Bình FC là cách làm hiếm thấy. Qua tra cứu, đến nay chưa ghi nhận trường hợp tương tự trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp.

Một logo chuyên nghiệp không chỉ để in lên áo đấu. Nó là tài sản sở hữu trí tuệ, là đại diện của CLB trong mọi sản phẩm truyền thông - từ sân vận động, giấy phép thi đấu cho đến thương hiệu bản quyền và vật phẩm lưu niệm. Trong thời đại số, nơi mọi hình ảnh có thể được tra cứu trong vài giây, tính minh bạch và chuẩn hóa là yếu tố tối quan trọng.

Đặt trong hệ quy chiếu ấy, logo của CLB Ninh Bình hiện nay là một thiết kế “lệch chuẩn”. Nó không vi phạm quy định pháp luật, nhưng lại vấp phải tiêu chí nghề nghiệp là không minh bạch, không tương thích với lịch sử thi đấu và có thể gây hiểu nhầm cho truyền thông quốc tế nếu đội bóng tiến xa.

Sự vắng mặt của năm thành lập thực tế (dù chỉ mới gần đây) cũng thể hiện tâm lý ngại hiện thực, chuộng quá khứ, thay vì tự tin xây dựng bản sắc từ chính nền tảng hiện tại.

Nếu muốn tôn vinh chiều sâu văn hóa vùng đất cố đô, CLB có thể bổ sung một khẩu hiệu phụ, thiết kế phiên bản “di sản” của logo, hoặc tích hợp yếu tố lịch sử vào bộ nhận diện mở rộng. Nhưng phần logo chính (đại diện cho tư cách thi đấu chuyên nghiệp) cần rõ ràng, chính xác và phản ánh đúng tuổi đời CLB.

KHẢI HƯNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/logo-bong-da-khong-phai-la-co-may-thoi-gian-153464.html