Âm nhạc là con đường ngắn nhất để trái tim đến với trái tim
Âm nhạc có khả năng truyền tải những hương vị, những cảm xúc những ý tưởng đẹp trong cuộc sống, là con đường ngắn nhất để đi từ trái tim đến trái tim và cả cái đầu đến cái đầu.
"Âm nhạc là cách tốt nhất để người lãnh đạo truyền cảm hứng cho đồng đội, nói lên tư tưởng, ước mơ, triết lý sống của mình; hoài bão, sứ mệnh, thậm chí cả triết lý kinh doanh của một tổ chức…", ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình chia sẻ.
Ông “bén duyên” với âm nhạc như thế nào?
Ông Lê Viết Hải: Tôi thích âm nhạc từ nhỏ. Khi mới khoảng 6 - 7 tuổi đã thường hay huýt sáo và chơi đàn guitar, thổi armonica. Khi lớn lên tôi tự học thổi sáo, chơi đàn violon. Tôi cũng rất thích ca hát và từ nhỏ hay nghêu ngao mấy bài hát của trẻ con và cả những bài hát của người lớn.
Tôi rất thích những bản nhạc tiền chiến với những giai điệu thật du dương và ca từ sâu lắng! Tôi vô cùng ngưỡng mộ những nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Nguyễn văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Đặng Thế Phong với những bản nhạc bất hủ: Suối mơ, Những đồi hoa sim, Ngày trở về, Bà mẹ quê, Hòn vọng phu, Đêm đông, Dư âm, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu...
Đó cũng là những bản nhạc mà mẹ tôi rất yêu thích và hay hát, trong đó có bài Trăng mờ bên suối của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, người chú ruột của tôi. Một người chú ruột khác là đạo diễn điện ảnh Lê Mộng Hoàng được biết đến là một ca sĩ hát nhạc opera ở đài phát thanh Pháp thời còn du học ở Paris. Ông ngoại của tôi, Trần Ngọc Cơ, là một thầy giáo nhưng cũng là một nghệ sĩ đã viết rất nhiều bài thơ, bài vè. Bốn anh em trong gia đình ông ngoại đều là nghệ sĩ chơi rất giỏi các loại đàn dân tộc.
Theo lời kể của mẹ tôi thì người em út của ông ngoại là một nghệ sĩ mù chơi đàn bầu rất xuất sắc. Có lẽ thừa hưởng truyền thống gia đình của cả bên nội và bên ngoại tôi đã có một chút năng khiếu về âm nhạc và có nhiều cảm hứng trong sáng tác.
Ca khúc đầu tiên tôi viết là bài Xin đừng hờn ghen. Bài này lúc đầu tôi viết chỉ trong vòng khoảng 15 phút với giai điệu và ca từ khá mộc mạc. Nhiều năm sau tôi vẫn cảm thấy còn vụng về. Trong bộn bề công việc kinh doanh, tôi đã mất khoảng 15 năm để trau chuốt ca từ và hoàn thành bản nhạc trước khi đưa ra biểu diễn với công chúng trong khi giai điệu thì vẫn không mấy thay đổi. Đây cũng là bài hát đã định hình phong cách sáng tác của tôi. Đến bây giờ có lẽ đó vẫn là bài hát được nhiều người yêu thích nhất!
Âm nhạc chiếm vị trí như thế nào trong đời sống cá nhân của ông, với công ty ông đang điều hành và với cộng đồng? Nó mang lại hiệu ứng gì trong việc hướng thiện và nâng cao tâm hồn con người?
Ông Lê Viết Hải: Tôi yêu thích âm nhạc nhưng tôi nghĩ đối với mình âm nhạc chỉ là một phương tiện để chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với cộng đồng đặc biệt là với người thân, bạn bè, cộng sự, đồng nghiệp của mình. Âm nhạc quan trọng nhưng không phải là lẽ sống.
Âm nhạc có khả năng truyền tải những hương vị, những cảm xúc những ý tưởng đẹp trong cuộc sống, là con đường ngắn nhất để đi từ trái tim đến trái tim và cả cái đầu đến cái đầu. Đó là cách tốt nhất để người lãnh đạo truyền cảm hứng cho đồng đội, nói lên tư tưởng, ước mơ, triết lý sống của mình; hoài bão, sứ mệnh, thậm chí cả triết lý kinh doanh của một tổ chức.
Cuộc sống phải có cái đẹp thì mới có cái để truyền tải và như thế âm nhạc chỉ là một phương tiện truyền đạt tư tưởng và cảm xúc tựa như thơ văn nhưng trong đó kết hợp giai điệu và ca từ một cách hoàn hảo. Ca từ phải mượt mà, giai điệu phải du dương thì cái hay, cái đúng, cái đẹp mới đi vào lòng người được.
Ông sáng tác nhạc là do được đào tạo hay tự mình tìm hiểu, học hỏi về nhạc lý? Ông có cảm nhận sự “lay động” từ những bài hát của mình đối với cộng đồng?
Ông Lê Viết Hải: Tôi không được học để sáng tác, mà chỉ học nhạc căn bản ở trường phổ thông trung học, đó là trường Petrus Trương Vĩnh Ký, sau này đổi tên là Lê Hồng Phong. Thầy dạy nhạc của tôi là nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương với ca khúc nổi tiếng “Thu Vàng”. Tôi có học thêm về đàn guitar nhưng chỉ học chơi nhạc cổ điển.
Tôi lấy cảm hứng từ chính công việc nhiều gian lao của mình. Trong gian khó tôi lại có nhiều cảm xúc và sáng tác nhiều ca khúc. Qua đó đã động viên tinh thần của đồng nghiệp và cộng sự cùng nhau vượt qua mọi gian nan thử thách.
Trong số đó có lẽ thành công nhất là ca khúc Cánhdiều ngược gió. Bài hát này tôi sáng tác trên máy bay khi sang Nhật dự một khóa học về quản lý dự án vào tháng 11 năm 2004. Tâm đắc với ý tưởng so sánh con diều vượt qua những cơn gió ngược để bay cao tựa như Hòa Bình và các doanh nghiệp Việt Nam khác phải đi lên trong thiếu thốn với muôn vàn khó khăn để phát triển. Phải tự mình tìm lấy lối đi riêng, biến trở lực thành động lực trên hành trình chinh phục đỉnh cao của mình.
Trong nhiều cách thể hiện ý tưởng ấy tôi đã tìm thấy một giai điệu và ca từ phù hợp nhất đó là làn điệu dân ca nam bộ với khổ thơ năm chữ rất mộc mạc.
Năm 2000 tôi viết ca khúc Mừng Thiên Kỷ Mới nói lên ước mơ của mình và và hoài bão của công ty trong việc đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Chẳng cần phải hạn chế ước mơ vì chẳng tốn gì cả. Thời điểm đó dù Hòa Bình còn rất bé nhỏ, tôi đã nói lên hoài bão to lớn của công ty là đem lại hòa bình, thịnh vượng cho thế giới.
Bài hát đó chỉ có tính thời sự và bây giờ ít ai nhớ đến, nhưng tại thời điểm ấy, khi cả chương trình văn nghệ “Mừng Thiên Ký Mới” của cán bộ công nhân viên Hòa Bình được lên sóng truyền hình, đã có sự lan tỏa nhất định và tạo nên một ấn tượng đẹp trong cộng đồng, trở thành niềm tự hào của cán bộ công nhân viên về Hòa Bình.
Tôi đã thành công trong việc chia sẻ với nhân viên, với cả cộng đồng hoài bão cùng niềm vui khó tả của mình khi đất nước hội nhập và nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới với tràn đầy ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho mỗi người, mỗi doanh nghiệp, cho từng quốc gia, cho nhân loại và cho cả muôn loài.
TheLEADER tổ chức một tọa đàm… chưa từng có, “Doanh nhân và âm nhạc”, với những câu chuyện thật cảm động về mỗi người. Có người đến với âm nhạc trước khi làm doanh nhân, có người sau bao thăng trầm của cuộc sống mới tìm thấy niềm vui trong âm nhạc. Mỗi người một câu chuyện khác nhau, và chính âm nhạc đã giúp họ tìm thấy ngọn lửa nồng cháy trong tâm hồn, để thấy mình hồn nhiên trở lại, giúp mình vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể của đời doanh nhân…