Âm nhạc và câu chuyện bảo vệ môi trường
Có lẽ, hơn bao giờ hết, môi trường sống, nguồn nước và không khí đang là câu chuyện của toàn cầu, được các loại hình nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh đặc biệt quan tâm. Mới đây, có nhiều dự án âm nhạc lấy concept từ câu chuyện môi trường để truyền đi thông điệp mạnh mẽ, bảo vệ và chung sống với tự nhiên.
1.Còn nhớ, cách đây ba năm, tôi đặc biệt ấn tượng với buổi hòa nhạc giữa rừng của nghệ sĩ piano Trang Trịnh. Một chiếc đàn piano được đặt giữa rừng, xung quanh là những hàng ghế khán giả và người nghệ sĩ được tự do chơi nhạc giữa đất trời.
Âm nhạc cổ điển đã bước ra khỏi khán phòng sang trọng để đến với công chúng theo một cách riêng, gần gụi hơn và cũng từ đó, phát đi một thông điệp về việc con người cần sống hòa mình vào thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống của chúng ta.
Trang Trịnh chia sẻ, chị muốn thực hiện nhiều buổi hòa nhạc ngoài trời ở bãi biển, ở một cánh đồng, giữa núi rừng... để gắn kết con người, âm nhạc với thiên nhiên.
Năm 2019, nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đã thực hiện đêm nhạc mang tên "Tỉnh" tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dựa trên 5 nguyên tố căn bản cấu thành trái đất và vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tương ứng trong quan niệm cổ nhạc Việt Nam và phương Đông (hò, xừ, xang, xê, cống), bằng bút pháp sáng tác khí nhạc phương Tây nhưng chứa đựng hơi thở của ca trù, chương trình "Tỉnh" phác họa hình ảnh các khung cảnh thiên nhiên đẹp kỳ diệu, hùng vĩ. Tuy nhiên, dưới tác động của con người, đã tạo ra sự biến đổi khí hậu, khiến cho trái đất phải "oằn mình" gánh chịu lũ lụt, hạn hán, động đất, cháy rừng, bão.
Đêm nhạc đã mang đến những xúc cảm đặc biệt cho khán giả và những suy ngẫm về việc con người sống hài hòa với thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của mình.
Ca sĩ Phạm Thu Hà cũng từng tung ra một MV được đầu tư kỹ lưỡng "Vũ điệu bình minh" để nói về câu chuyện thiên nhiên. Những hình ảnh đẹp, hùng vĩ của mây trời được quay trên đỉnh Tà Xùa đã mang đến cho khán giả cảm xúc thăng hoa trước thiên nhiên hùng vĩ.
Chị chia sẻ: "Sau nhiều năm, trải nghiệm cuộc sống cho tôi thấy thiên nhiên là một người mẹ vĩ đại. Bản thân tôi đã học ở thiên nhiên sự sáng tạo, chịu đựng, nhẫn nại và cả sự bình thản. Vì thế, nếu không bảo vệ thiên nhiên, tương lai sẽ là một thảm họa thực sự. Tôi muốn thực hiện ước mơ làm âm nhạc dành cho thiên nhiên".
Còn nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, tác giả của ca khúc "Vũ điệu bình minh" cho biết, anh là một người yêu thiên nhiên, nên khi sáng tác anh luôn đưa thiên nhiên vào trong ca khúc của mình, là mây, là biển, là trời... để con người luôn thấy thiên nhiên hiện diện quanh ta, là một phần không tách rời khỏi sự sống.
Mới đây, ca sĩ Khánh Linh kết hợp với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh thực hiện album "Khánh Linh Journey" cũng mang tinh thần của một người nghệ sĩ tự do đi qua những khu rừng, những ngọn đồi, những chuyến đi để trở về với bản thể của mình. Hành trình của Khánh Linh cũng chính là hành trình của mỗi chúng ta khi biết yêu thương sự sống, yêu thiên nhiên và trân quý từng thời khắc của sự sống. Đó cũng là thông điệp mà Linh và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh muốn gửi đến khán giả.
Cũng là một sản phẩm âm nhạc về môi trường, MV "Riser for Climate (Đứng lên về khí hậu) do nhạc sĩ Thanh Bùi sáng tác và thực hiện, với sự biểu diễn của ca sĩ Hoàng Bách, Bích Ngọc... được nhiều người mến mộ. MV được quay ở nhiều địa phương có phong cảnh đẹp và chắt lọc những hình ảnh báo động về môi trường tại Việt Nam cùng lời kêu gọi mọi người hãy đứng lên hành động vì một môi trường xanh-sạch-đẹp trong tương lai.
Năm 2020, nhạc sĩ trẻ Trần Quang Sơn đã thực hiện dự án âm nhạc "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện". Đây là nỗi lòng đau đáu của anh khi chứng kiến dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến nhiều tỉnh miền Trung trong mùa mưa lũ. Bài hát với giai điệu da diết, đầy cao trào mang một thông điệp mạnh mẽ về việc con người là một trong những nguyên nhân chính làm môi trường ô nhiễm, mẹ thiên nhiên nổi giận, khiến "Ngoài kia thiên nhiên đang giận dữ… Trên kia vũ trụ đang thét gào… Vì đâu đau thương tràn ngập thế gian".
Nhạc sĩ Trần Quang Sơn chia sẻ: "Tôi chỉ mong con người đừng vì những nhu cầu không cần thiết mà phá hủy môi trường tự nhiên - đó là mấu chốt dẫn đến bão lũ, dịch bệnh".
2.Có lẽ, hơn bao giờ hết, câu chuyện môi trường sống đang bị hủy hoại trở thành nỗi lo lắng thường trực của con người. Các loại hình nghệ thuật cũng đang nỗ lực vào cuộc bằng sức mạnh của mình kêu gọi con người bảo vệ thiên nhiên.
Mới đây, một concert với quy mô lớn "VTV True Concert - Thanh âm vĩnh cửu của thiên nhiên" được thực hiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng lấy concept từ câu chuyện môi trường sống. "Hãy trân quý Mẹ thiên nhiên, người cho mình tất thảy" - đó là thông điệp nhất quán của chuỗi chương trình "VTV True Concert", kể từ lần đầu tiên 2019.
Chủ đề của Chương trình "VTV True Concert 2021" là NƯỚC. Đó là những câu chuyện giản đơn nhưng sâu sắc về thế giới quanh ta, về một trong 4 thành tố cấu thành vũ trụ. Vòng tuần hoàn của nước đã và đang diễn ra từ hàng tỉ năm và tất cả cuộc sống trên trái đất đều phụ thuộc vào nó. Cứ như vậy, nước hiện hữu trong đời sống con người, gắn bó và trở thành món quà vô giá của Mẹ Thiên nhiên dành cho cuộc sống này.
Âm nhạc, với những "thanh âm vĩnh cữu từ thiên nhiên" đã đánh thức trong con người những cảm xúc từ sơ khai cho đến những khoảnh khắc bão giông từ thiên nhiên khi con người không tôn trọng rừng và nước. Thấu hiểu và thay đổi, "VTV True Concert" đã dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, ở đó có sự hiện diện của thiên nhiên trong lành, của những bão tố khắc nghiệt... Nhưng bao trùm lên là hình ảnh thiên nhiên mạnh mẽ và bao dung.
Chia sẻ về câu chuyện âm nhạc bảo vệ môi trường, nhạc sĩ Thanh Phương, Giám đốc Âm nhạc của chương trình nói: "Tôi muốn dùng những âm thanh từ thiên nhiên kết hợp với âm nhạc để tạo cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả. Thực ra âm nhạc cũng từ thiên nhiên mà ra cả, với những nhạc cụ rất sơ khai như kèn lá, sáo trúc… Có cả tiếng động chuyển mình của đá, của đất, của tiếng lá cây, tiếng mưa gió kết hợp với những nhạc cụ hiện đại. Đây là một chương trình nghệ thuật không kể chuyện bằng miệng, diễn xuất mà kể chuyện bằng âm nhạc, những điệu múa… Ngoài ra còn có những hỗ trợ về ánh sáng, kỹ xảo rất hiện đại. Cái điều mọi người cảm nhận được ngay là thiên nhiên với cảm giác như được sống trong một khu rừng, một dòng sông, một cái gì đó rất là sơ khai".
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, người tạo dựng một không gian âm nhạc riêng của mình từ những thanh âm của nhạc cụ dân tộc, của đàn môi, đàn nhị, sáo... nói: "Âm nhạc sẽ đánh thức trong mỗi con người những cảm xúc đặc biệt bằng giai điệu. Và nó đưa con người trở về với những xúc cảm khởi nguyên nhất giữa thiên nhiên. Nhiều bạn trẻ đã dùng những ngôn ngữ hiện đại hơn để nói về câu chuyện thiên nhiên. Còn tôi và những người bạn của mình như nghệ sĩ Đức Minh đàn đó, nghệ sĩ sáo Hoàng Anh muốn mang đến cho khán giả những thanh âm của các nhạc cụ dân tộc, của sáo - gõ tre - trống - đàn tranh; thanh âm của cây, Solo kèn lá trên nền nhạc deep forest; hòa tấu đàn đá - trống trên nền World music; Cùng với đó là dân ca của các miền trên đất nước Việt Nam "Gà gáy", "Đi cấy","Lý cây đa"; "Cò lả", "Giận mà thương", "Lý kéo chài", "Bèo dạt mây trôi"... Tôi tin những thanh âm mộc mạc của thiên nhiên ấy sẽ đánh thức trong mỗi con người tình yêu thiên nhiên, quý trọng cội nguồn sự sống".
Còn nghệ sĩ Đức Minh đàn đó thì cho rằng: "Những thanh âm từ thiên nhiên rất đẹp và kỳ diệu. Tôi muốn mang đến cho khán giả những thanh âm đó bằng các sáng tác của mình để cho họ thấy rằng, thiên nhiên thật đa dạng và phong phú, thiên nhiên không chỉ cho ta sự sống mà còn chữa lành tâm hồn, thanh lọc tâm hồn con người bằng những thanh âm kỳ diệu đó".
"VTV True concert" với những hình ảnh và âm thanh ngập tràn về thế giới tự nhiên đã đánh thức trong mỗi khán giả những xúc cảm trong lành về sự sống. "Hãy làm bạn với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên cũng là cách chúng ta tôn trọng sự sống của mình trên trái đất này. Đó là những thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm". Nhạc sĩ Trần Thanh Phương chia sẻ.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/am-nhac-va-cau-chuyen-bao-ve-moi-truong-635897/