Âm nhạc Việt Nam: Cần có một BXH ra trò, thay vì những cuộc đua top trending chớp nhoáng
Âm nhạc Việt Nam đang tìm kiếm cho mình một bảng xếp hạng chính thống, và phải đến khi nào, chúng ta mới có thể có được điều đó?
Các bảng xếp hạng đó đây...
Bảng xếp hạng (BXH) là một phương tiện dễ dàng để khán giả trong nước hay cả bạn bè ngoại quốc đánh giá thị trường âm nhạc ở một quốc gia nào đó. Nhờ bảng xếp hạng, người hâm mộ sẽ biết được ca khúc nào đang được nhiều người theo dõi. Nhờ vậy, các nghệ sĩ sẽ có thêm thông tin về thị hiếu âm nhạc của nhóm khán-thính giả của mình.
Ở Mỹ, Billboard Hot 100 là bảng xếp hạng có giá trị tham khảo tốt và được nhiều người tin tưởng. Ở Anh, UK Official Singles Chart là bảng xếp hạng âm nhạc mà bất kì ai ưa thích UK music không thể bỏ qua. Ở Hàn, Ichart, Mnet, Melon, Kpop Hot 100,... là hàng loạt các bảng xếp hạng nóng đến nảy lửa ki chứng kiến những cuộc đua tranh hạng đến từ nhiều cái tên danh giá. Từ đó, những thuật ngữ như "Perfect All-kill", "Certified All-kill" hay chỉ đơn giản là "All-kill" đã ra đời tại thị trường âm nhạc Hàn Quốc. Vậy còn tại thị trường Việt Nam, chúng ta có những bảng xếp hạng nào?
Sân nhà ta có gì?
Làn Sóng Xanh có lẽ là cái tên đầu tiên mà ai cũng có thể nghĩ đến khi đề cập đến khái niệm "Các bảng xếp hạng âm nhạc tại Việt Nam". Làn Sóng Xanh, một chương trình cập nhật những bài hát được nghe nhiều nhất hàng tuần, của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã ra đời vào những năm cuối thập niên 90. Sau Làn Sóng Xanh, các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến ra đời, gắn liền với các trang phát nhạc trên Internet.
Đã có một thời gian, thị trường âm nhạc Việt Nam bị "bội thực" bởi vô vàn những bảng xếp hạng. Ngoại trừ Làn Sóng Xanh là bảng xếp hạng đáng tin cậy do cơ quan chủ quản là một đài phát thanh lớn trong nước đứng ra quản lí, thì những bảng xếp hạng còn lại đều do các nền tảng phát nhạc đứng ra tổ chức. Do đó, tình trạng một số ca khúc được xuất hiện độc quyền trên một vài bảng xếp hạng đã xuất hiện.
Mỗi bảng xếp hạng, chỉ phản ánh được tình hình nghe nhạc tại ứng dụng của mình, không có tính đại diện cao. Điều này đồng nghĩa, các ca sĩ muốn ca khúc của mình đứng hạng cao ở một bảng xếp hạng nào đó, họ chỉ cần lôi kéo fan hâm mộ và đầu tư kinh phí vào một nền tảng phát nhạc mà mình lựa chọn.
Hàn Quốc là thị trường âm nhạc cũng có nhiều bảng xếp hạng do nhiều đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm. Song, thị trường này vẫn có Ichart là bảng xếp hạng chủ chốt. Với Ichart, những ca khúc chinh phục được tất cả những đỉnh cao của tất cả các bạng xếp hạng trong nước sẽ nhận được danh hiệu "Perfect All-kill". Điều này giúp cho thị trường âm nhạc Hàn Quốc vừa có tính đa dạng nhưng vẫn nằm trong một thể thống nhất.
Trở lại với nước ta, việc có được một BXH không phân biệt các đơn vị phát hành, có tính thống nhất cao trong cả nước sẽ giúp giới nghệ sĩ nhận được những kết quả rõ rệt cho những cống hiến của họ. Chính bảng xếp hạng tương đối khắt khe này sẽ trở thành động lực để các nghệ sĩ cho ra đời những sản phẩm chất lượng, không bị chi phối nhiều bởi các yếu tố thương mại.
Top trending Youtube có ý nghĩa gì?
Sự ngóng trông của khán giả hay của chính giới nghệ sĩ Việt vào bảng xếp hạng thịnh hành (Top trending) trên ứng dụng Youtube là hệ lụy của việc không có một bảng xếp hạng chính thống. Vì không có một bảng xếp hạng nào đủ lớn để ca sĩ nước nhà căng sức leo hạng, nên chuyện leo lên Top#1 thịnh hành trên Youtube trở thành điều gì đó lớn lao khiến các ca sĩ phải giành giật nhau. Tuy mức độ chuẩn sát của bảng xếp hạng này không cao do các sản phẩm vẫn phải cạnh tranh với nhiều video thuộc nhiều chủ đề khác, nhưng đây vẫn là sân chơi hiếm hoi nhận được sự chú ý lớn của công chúng, sau thời kỳ hoàng kim của Làn Sóng Xanh.
Tuy nhiên, mặt hại thì nó là real-time. Top trending Youtube xếp hạng các video của mình theo từng giây từng phút. Trong khi đó, một ca khúc thành công hông phải lúc nào cũng được đánh giá qua lượt người xem trên Youtube. Nó còn bao gồm số lượng bản thuần (số đĩa) được bán ra, số lượt nghe trên các ứng dụng phát nhạc hay đài phát thanh,... Sân chơi Top trending của Youtube cho công chúng cảm nhận được sức nóng của người nghệ sĩ và sản phẩm âm nhạc tại thời điểm phát hành nhưng nó không thể phản ảnh đầy đủ và đúng mức bức tranh toàn cảnh.
Cùng với đó, Top trending của Youtube vô tình đóng khung tư duy của người nghệ sĩ trong khuôn khổ cuộc đua để trở nên thịnh hành. Muốn khán giả trẻ xem MV của mình, hầu hết các nghệ sĩ khi tạo ra MV, sẽ cố gắng biến những trào lưu, những câu chuyện có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thành chất liệu làm MV. Và ta thấy, tại thị trường nhạc Việt đã có kha khá những câu chuyện tình đam mỹ lạ lẫm, những nhân vật được cộng đồng mạng tôn sùng xuất hiện trong các dự án.
Việc "bắt trend" làm MV gần gũi với công chúng hơn, nhưng tình trạng người người, nhà nhà chỉ tập trung vào câu chuyện ai thịnh ai hành hơn ai mà bỏ qua công tác đầu tư cho ca khúc chính là điều sẽ làm cho thị trường âm nhạc tại Việt Nam thiếu chiều sâu. Sẽ thật đáng buồn khi mà khán giả chỉ cảm nhận được câu chuyện trong những MV mà quên bẵng đi mất ca khúc của MV - yếu tố lẽ ra phải được quan tâm hàng đầu.
Bài toán khó cho một BXH chính thống
Hiện tại, thị trường nhạc Việt cần tạo ra cho mình một bảng xếp hạng chính thống, có độ tin cậy cao. Tại đây, việc lên hạng hay xuống hạng của một ca khúc cần được tính toán bằng số liệu cụ thể, được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
Để làm được điều này, như cách Billboard 100 đang thực hiện tại Mỹ hay UK Official Single Charts đang triển khai tại Anh, các đài phát thanh, các nền tảng phát nhạc trong nước hay có nguồn gốc từ ngoại quốc cần phải bắt tay với nhau để cùng xây dựng. Từ đó, không chỉ khán-thính giả Việt, mà cả người hâm mộ quốc tế sẽ có được một bảng xếp hạng đáng tin cậy và phản ánh đúng thị hiếu nghe nhạc tại Việt Nam.