Âm nhạc Việt Nam chưa đứng chung dòng chảy của âm nhạc thế giới

Đó là nhận định của nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Anh Quân trong một buổi trò chuyện xung quanh cuốn sách 'Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc' được tổ chức gần đây.

Nhạc sĩ Anh Quân cho rằng ở Việt Nam âm nhạc được yêu thích sau bóng đá một chút. Người Việt Nam rất yêu âm nhạc. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa người thưởng thức và người làm nghề.

“Đa phần công chúng nhìn vào hào quang của người nghệ sĩ trên sân khấu, chứ ít biết những câu chuyện về hậu trường phía sau nó vất vả như thế nào”.

“Tôi làm nhạc từ lâu rồi. Làm nhạc không đơn thuần chỉ có biểu diễn, sáng tác. Cái nghề mà tôi rất thích đó là nghề sản xuất âm nhạc. Nó có rất nhiều thứ, từ sản phẩm, tiếp thị, đến bán hàng, quảng bá, sự tương tác phản hồi của khách hàng”, nhạc sĩ Anh Quân nói.

 Vợ chồng nghệ sĩ Anh Quân - Mỹ Linh. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng nghệ sĩ Anh Quân - Mỹ Linh. Ảnh: NVCC.

Thói quen nghe nhạc trả tiền ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến

Nhạc sĩ Anh Quân cũng cho rằng sẽ không có nhiều người hiểu được vấn đề này ngay. Tuy nhiên khi đọc cuốn Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc của luật sư Donald S. Passman, mọi người sẽ hiểu hơn những điều anh nói.

“Thực ra âm nhạc không đơn thuần là giải trí. Đằng sau đó là rất nhiều vấn đề phải hao tâm khổ tứ, nhiều đóng góp trí tuệ và nhiều khâu trong đó. Nếu các bạn thực sự muốn tìm hiểu về nền công nghiệp âm nhạc thì các bạn nên đọc cuốn sách này”, nhạc sĩ Anh Quân nhấn mạnh.

Đề cập đến nền công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam, đứng ở góc độ của nhà tổ chức, ông Phan Khôi (giám đốc một công ty Marketing, người đã đưa một số chương trình âm nhạc nổi tiếng về Việt Nam) cho biết ở Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để có thể biến âm nhạc thành ngành công nghiệp đúng nghĩa của nó.

Ông Khôi cho biết trước khi làm các game show âm nhạc nước ngoài, ông chưa để ý nhiều đến ngành công nghiệp, ngành giải trí âm nhạc ở Việt Nam thực sự như thế nào.

“Tôi nghĩ nó rất là đơn thuần thôi, nghĩa là chúng ta sẽ tổ chức một show, sẽ bán vé, rồi chúng ta có những khoản tiền tài trợ… Cho đến khi làm các show âm nhạc bên nước ngoài, tôi thấy họ hỏi về thị trường, về công chúng, lứa tuổi, bài nào hát được, bài nào không, văn hóa nước sở tại, phương pháp bán vé... Và tôi bắt đầu thấy mọi việc không hề đơn giản giống như mình làm trong nước”, ông Khôi nói.

Đề cập đến thị trường âm nhạc Việt Nam, ông Khôi cho biết ông từng mời một ban nhạc nước ngoài về Việt Nam biểu diễn song thất bại, vì họ đánh giá thị trường Việt Nam quá yếu.

“Thị trường âm nhạc Việt Nam chưa tạo ra được một đời sống âm nhạc đúng nghĩa. Ở Việt Nam nghe 'chùa' quá nhiều. Nhạc chưa được bảo vệ bản quyền triệt để”.

“Tiếp đó là năng lực của nhà tổ chức các show; năng lực tiếp thị thị trường âm nhạc; truyền thông và quảng bá của nhà tổ chức; tương lai của thị trường ở Việt Nam không được đánh giá cao”, ông Khôi nói.

 Sách Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc. Nguồn: A.B.

Sách Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc. Nguồn: A.B.

Khát khao hòa vào dòng chảy thế giới của lớp nghệ sĩ trẻ

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Anh Quân cũng cho biết ở các nước mà ông từng đặt chân đến đều chú trọng giáo dục về âm nhạc về nghệ thuật. Các em được học và biết chơi một nhạc cụ, dù có tài hay không. Ở mỗi trường phổ thông đều có một dàn nhạc riêng. Họ được đào tạo kỹ về âm nhạc và họ hiểu được giá trị thực thụ của âm nhạc là gì.

“Và khi được giáo dục như vậy thì họ luôn luôn nằm trong dòng chảy của âm nhạc thế giới. Từ cổ điển đến đương đại họ không bỏ sót một cái gì cả. Tôi nghĩ chúng ta còn rất thiếu, ít hiểu về âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung”, nhạc sĩ Anh Quân nói.

Đề cập đến đường hướng cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Anh Quân cho rằng chúng ta đang thiếu những hoạch định mang tính quốc gia về phát triển âm nhạc nghệ thuật, từ chính sách, hệ thống luật pháp, vai trò của nhà nước…

“Tại sao Hàn Quốc lại thắng về mặt nghệ thuật như vậy, vì người ta có hoạch định của cả một quốc gia. Có một thời kỳ nhà nước của họ ra một chính sách sẽ đẩy mạnh nghệ thuật trong đó có điện ảnh và âm nhạc lên, nhằm để thế giới biết đến Hàn Quốc. Trong thời gian đó, họ đã gửi cả 1.000 người đi học một cách bài bản”, nhạc sĩ Anh Quân nói.

Thừa nhận ở Việt Nam hiện nay chưa có một nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa, nhưng nhạc sĩ Anh Quân cũng đã chỉ ra những tín hiệu tích cực.

Hiện nay các bậc phụ huynh bắt đầu nhận ra rằng cho con đi học nhạc không có nghĩa là cho con trở thành nghệ sĩ, mà đó là nền tảng cần thiết như con học Toán, học Văn.

"Thứ hai giới nghệ sĩ trẻ hiện nay tư duy rất khác so với thế hệ chúng tôi, tư duy về thị trường, và họ có khát khao rất lớn phải vào trong dòng chảy của thế giới”, nhạc sĩ Anh Quân nói.

Thành viên ban nhạc Anh em cũng cho rằng từ những tín hiệu tích cực trên, nếu chúng ta có được sự hỗ trợ tốt từ luật pháp, từ người tổ chức, từ những nhà đầu tư có tấm lòng với nghệ thuật đầu tư dài hạn… thì trong tương lai chúng ta sẽ có một nền âm nhạc tốt.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/am-nhac-viet-nam-chua-dung-chung-dong-chay-cua-am-nhac-the-gioi-post1352566.html