Ấm no, hạnh phúc là cơ sở bảo đảm quyền con người
Nằm ở vị trí địa đầu Tổ quốc, Hà Giang giữ vai trò vô cùng trọng yếu về an ninh - quốc phòng đồng thời là nơi định cư của 22 dân tộc với nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên, Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là trong bối cảnh tỉnh miền núi này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững và nâng cao nhận thức, hành động của bà con các dân tộc nơi đây về quyền con người.
Giữa không khí vui tươi, náo nhiệt và tràn ngập sắc vàng rực rỡ của Lễ hội ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang), đoàn công tác chúng tôi lại quyết định chọn hai huyện biên giới Đồng Văn và Vị Xuyên là điểm đến trong chuyến đi lần này ngay tại thời điểm những địa phương trên vẫn đang khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra trong thời gian qua.
Từ chuyến khảo sát của Văn phòng Thường trực về nhân quyền cùng Bộ Thông tin và truyền thông trước đó, chúng tôi đã đặt chân lên hai xã vùng cao Sà Phìn (Đồng Văn) và Cao Bồ (Vị Xuyên). Nhiều năm trở về trước, hai xã vùng cao nêu trên vốn chỉ được biết đến là những địa phương nghèo và phức tạp về tình hình an ninh trật tự, nhưng bằng nỗ lực, ý chí quyết tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số và chính quyền địa phương nơi đây, Sà Phìn và Cao Bồ đang dần thay da, đổi thịt.
Nằm ở trung tâm huyện Đồng Văn, xã Sà Phìn có nhiều lợi thế hơn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khi nơi đây sở hữu nhiều thắng cảnh và nổi tiếng với di tích nhà Vương. Tuy nhiên Sà Phìn cũng là một địa bàn đã xảy ra một số vụ án mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em ở mức độ nghiêm trọng. Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt khiến đồng bào Mông không thể canh tác nông nghiệp, nuôi gia súc hiệu quả. Nhiều người Mông từ Sà Phìn buộc phải vượt biên sang Trung Quốc, lao động “chui” để kiếm kế sinh nhai cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, nguồn thu từ những công việc trái phép này thường không cao. Họ phải đối mặt với đầy rẫy những nguy cơ rủi ro, như: môi trường làm việc nguy hiểm, giới chủ bóc lột sức động, tiền công bị cắt xén, lừa đảo v.v… Đó là chưa kể, địa phương này từng là điểm nóng của nhiều vấn nạn như tảo hôn, bạo hành gia đình v.v…
Song, những câu chuyện buồn này đang trôi dần về quá khứ khi đời sống của đồng bào người Mông ở Sà Phìn đang có những biến chuyển đặc biệt nhờ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. Xuất phát từ hoạt động làm ăn tự phát, manh mún của một số hộ dân nhằm phục vụ nhu cầu từ khách du lịch, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tổng hợp Lanh Trắng (HTX) đã được thành lập nhờ sự quan tâm của chính quyền huyện Đồng Văn, hội phụ nữ huyện Đồng Văn cùng các cá nhân tiêu biểu như chị Sùng Thị Si (hiện là giám đốc HTX), chị Sùng Thị Ly v.v… Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2017 cho đến nay HTX đã tạo công ăn việc làm chính thức cho 95 phụ nữ trên toàn Huyện Đồng Văn với thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng và mở ra nhiều cơ hội cộng tác, hợp tác cho hàng trăm lao động trên toàn tỉnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất của HTX, chị Vàng Thị Cầu, Tổ trưởng sản xuất không giấu được niềm tự hào: “Thời điểm bắt đầu đi vào sản xuất, HTX chúng tôi phải nhập nguyên vật liệu từ nguồn bên ngoài. Hiện giờ, những chị em khó khăn trong toàn huyện đã sản xuất đủ nguyên vật liệu phục vụ HTX. Sản phẩm của HTX không chỉ được biết đến trên địa bàn tỉnh Hà Giang mà đã được xuất khẩu đến một số quốc gia như Hà Lan, Nga, Đức, Mỹ, Nhật Bản”. Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết việc làm, HTX cũng góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người phụ nữ Mông ở Đồng Văn.
Ngồi bên khung cửi với từng động tác nhanh và thành thục, chị Sùng Thị Si vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: “Từ ngày vào HTX, mình không còn phải vay mượn cho các con đi học nữa. Chồng cũng giúp đỡ việc nhà và làm thêm công việc ở HTX. Chồng mình bảo, công việc nào kiếm được tiền và ổn định là được. Em cứ làm ở đây”.
Có công việc và thu nhập, được Hội phụ nữ và các cấp chính quyền bảo vệ, giúp đỡ, nhiều phụ nữ như chị Sùng Thị Si đã khẳng định được tiếng nói của họ trong gia đình, chấm dứt sự bạo hành, lệ thuộc kinh tế từ người chồng. Nghề truyền thống đã giúp họ có một cuộc sống hạnh phúc, hòa thuận với thu nhập bền vững, lâu dài. Nở nụ cười rạng rỡ, chị Si nhắn nhủ với chúng tôi một thông điệp tưởng chừng như đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Các ông chồng hãy yêu thương vợ hơn và dừng các hành vi bạo lực gia đình. Vì làm như vậy sẽ khiến các cô vợ sẽ rất tủi thân và buồn. Còn những người vợ hãy biết tôn trọng chồng. Cả hai bên hãy tôn trọng nhau”.
Ghi nhận thành công của HTX Lanh Trắng ngày hôm nay sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua tâm huyết của chính quyền và lãnh đạo huyện Đồng Văn. Với phương châm “xã hội muốn tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm”, chính quyền huyện Đồng Văn luôn cố gắng để Hội phụ nữ có chỗ đứng mà HTX Lanh Trắng chính là minh chứng. Trong đó, Phòng Tài chính và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Văn là hai đơn vị đóng góp nhiều thời gian, công sức cho sự phát triển của HTX.
So với Đồng Văn, các xã vùng cao biên giới của huyện Vị Xuyên như Cao Bồ từng chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Do những đặc trưng về địa hình, Cao Bồ nói riêng, Vị Xuyên nói chung có diện tích trồng trọt cây lương thực xếp vào diện khiêm tốn trong cả nước. Bởi vậy, bảo đảm an ninh lương thực ở Cao Bồ từ lâu luôn là một nhiệm vụ mang tính sống còn chứ chưa bàn đến chuyện làm giàu từ miền đất hoang vu này. Khí hậu khắc nghiệt của vùng cao khiến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cao Bồ thêm phần vất vả. Trong chuyến đi của của đoàn công tác, một cơn mưa bất ngờ đã khiến chúng tôi phải mất hàng tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều con suối chảy xiết, mới có thể ghé thăm gia đình ông Đặng Văn Chiến (người Dao) nằm sâu trong xã Cao Bồ.
Ngồi giữa căn nhà còn thơm mùi gỗ và đồ đạc mới, vợ chồng ông Chiến mời chúng tôi thưởng thức ấm trà búp tôm một lá, sản vật mà gia đình họ chỉ để dành tiếp khách quý. Theo lời giới thiệu của ông Đặng Văn Trung, Phó Chủ tịch xã Cao Bồ, nhà ông Chiến chỉ là một trong nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra từ cây chè địa phương. Ông Chiến hồ hởi khoe rằng nhà mình đã bắt đầu canh tác chè từ năm 2008. Sau hơn mười năm, cơ ngơi mà đoàn công tác đang thấy chính là kết quả thu về từ những vụ chè thành công.
Mảnh đất Cao Bồ đã không phụ lòng những con người biết gắn bó, bám trụ với nó và thay đổi tư duy nông nghiệp như gia đình ông Chiến. Thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây phù hợp với cây chè, cây thảo quả hơn là những giống cây lương thực truyền thống. Bởi vậy, nếu cứ khư khư ôm lấy suy nghĩ đủ ăn truyền thống thì người nông dân sẽ không thể thoát khỏi cái đói, cái nghèo nhất là trước những diễn biến phức tạp của thời tiết mà chỉ một đợt mưa lớn và kéo dài hay một trận lũ quét cũng có thể phá hủy hầu hết diện tích canh tác lúa, ngô.
Phải thay đổi nếp quen, tiến hành quan sát, thử nghiệm đi đến sản xuất nhận rộng đại trà các sản phẩm nông nghiệp có sức chống chịu tốt, đặc biệt là các cây trồng, vật nuôi bản địa mới có thể giúp những hộ gia đình xã Cao Bồ làm giàu bằng sức lao động chân chính của họ. Theo nhẩm tính của ông Đặng Văn Chiến, mỗi năm, cây chè mang về cho gia đình ông từ 100 đến 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và vận chuyển. Chỉ vào hai chiếc máy xao chè mới, bà Lý Thị Duyên, vợ ông Chiến kể, hai chiếc máy này được gia đình mua từ nguồn vốn hỗ trợ do chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cấp.
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch và phân phối nguồn vốn từ chương trình CPRP và Chương trình 135 của Chính Phủ nhằm hỗ trợ người dân ổn định nơi sinh sống và an cư lập nghiệp, cán bộ huyện Vị Xuyên nói chung và xã Cao Bồ nói riêng còn trực tiếp sâu sát, bám đất, bám dân để kịp thời nắm tình hình, đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Ông Lý Quốc Hưng chủ tịch xã Cao Bồ không giấu tham vọng đưa các sản vật địa phương, như: chè, thảo quả Cao Bồ từ cây xóa đói, giảm nghèo thành những thương hiệu nông sản uy tín, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến.
Không chỉ riêng Vị Xuyên hay Đồng Văn, những huyện, thị trấn còn lại trên tỉnh Hà Giang cũng đang gặt hái những thành công nhờ sáng tạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tích cực vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của bà con dân tộc thiểu số về quyền con người. Những mô hình mới và đang phát huy hiệu quả như du lịch xanh, nông nghiệp sinh thái, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù tiếp tục được chính quyền tỉnh Hà Giang tích cực đầu tư, hỗ trợ một cách bài bản, trọng điểm thay vì dàn trải, cào bằng. Các cấp lãnh đạo huyện, xã có kế hoạch khoanh vùng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó xây dựng những phương án cụ thể nhằm giảm thiểu việc đầu tư lãng phí, chung chung.
Với địa hình hiểm trở, thành phần các dân tộc đa dạng với nhiều tập quán, lối sống khác nhau, để giữ vững các tiêu chí đã đạt được cũng như hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quyền con người, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang cần giải quyết tốt nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với những điểm sáng đã đạt được tại xã Sà Phìn (Đồng Văn) và Cao Bồ (Vị Xuyên), chúng ta có cơ sở để tin rằng, chỉ cần chính quyền và nhân dân chung sức, đồng lòng, mọi khó khăn sẽ từng bước được đẩy lùi và giải quyết triệt để.