Ấm no trên điểm dân cư Bình Thạnh

Trên tuyến biên giới tỉnh Long An đã xây dựng được 18 điểm/130 căn nhà liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng; đang triển khai xây dựng 104 căn liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa và 9 điểm/45 căn nhà liền kề đồn, trạm biên phòng. Cuộc sống của người dân trên các điểm dân cư từng bước ổn định, khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh biên giới.

Một góc điểm dân cư liền kề Chốt dân quân Bình Thạnh

Một góc điểm dân cư liền kề Chốt dân quân Bình Thạnh

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đầu tiên của tỉnh được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xây tặng trên địa bàn huyện Mộc Hóa. Qua 5 năm hình thành, diện mạo điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại ấp Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, có sự thay đổi vượt bậc, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của huyện. Bên cạnh sự hoàn thiện kết cấu hạ tầng, điều kiện sinh hoạt thuận lợi, 100% hộ dân cư liền kề chốt dân quân Bình Thạnh có kinh tế khá, giàu và quyết tâm bám trụ, an cư, đồng hành cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc biên cương.

Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh cho biết: Chính sự quan tâm sâu sắc của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng chủ trương đúng đắn của chính quyền tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất, những hộ dân các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng trên địa bàn huyện Mộc Hóa đã phát triển cuộc sống mới ấm no. Mỗi người dân phát huy vai trò, trách nhiệm cung cấp thông tin, hỗ trợ, cùng các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới của địa phương.

Ngôi nhà của từng hộ dân được trang hoàng, sơn mới, có hộ chỉ riêng trị giá xây dựng nhà gần 2 tỉ đồng. "An cư, lạc nghiệp", các hộ dân luôn nêu cao ý thức của người dân sinh sống trên tuyến biên giới. Những mô hình phát triển kinh tế mới cũng lần lượt ra đời tại nơi biên giới vốn nhiều khó khăn.

Đàn thỏ 1.200 con của gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) hàng tháng được thương lái từ TP.HCM, Đồng Nai tìm đến mua. Với đặc tính dễ nuôi, ít bệnh tật cùng với được trang bị kiến thức từ các buổi tập huấn do địa phương tổ chức, ông Minh đã thành công với mô hình nuôi thỏ lấy thịt và nhân đàn, mang lại lợi nhuận trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Giờ đây, xóm nhỏ vùng biên đã có thương lái từ các tỉnh, thành khác đến mua bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Có hộ dân còn mua được máy xúc, máy ủi đất. Không như trước kia, khi chưa có điểm dân cư liền kề chốt dân quân, nơi đây chỉ có cánh đồng lúa, không nhà cửa, người dân đến đây làm ruộng rồi về. Điều này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn từ chủ trương di dân ra tuyến biên giới hợp ý Đảng, lòng dân.

Ông Nguyễn Ngọc Minh phấn khởi nói: “Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi ổn định, đi lên. Điều kiện sống thoải mái, đường sá thuận tiện, xe tải đến tận nhà thu mua trái cây, heo, bò, thỏ,... dễ dàng. Các hộ dân đoàn kết, giúp đỡ nhau. Có được như hôm nay, gia đình tôi rất cảm ơn các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ. Chúng tôi sẽ nỗ lực lao động, sản xuất, chấp hành pháp luật, gắn bó với chốt dân quân, biên phòng”. Ngoài trồng lúa, mô hình trồng trái cây mang lại cho người dân thu nhập cao. Giữa vùng biên giới có những vườn cây trái xum xuê, trĩu quả như bưởi da xanh, bơ trái dài, sầu riêng, dừa xiêm xanh,...

Người dân thu hoạch bưởi da xanh

Người dân thu hoạch bưởi da xanh

Các mô hình này góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Riêng gia đình ông Minh có 5 nhân công thường xuyên hỗ trợ ông trong sản xuất. Tổng thu nhập hàng năm từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông trên 300 triệu đồng.

Mô hình nuôi bò giúp người dân điểm dân cư ổn định cuộc sống

Mô hình nuôi bò giúp người dân điểm dân cư ổn định cuộc sống

Gia đình anh Trương Văn Nghiệp (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cũng là điển hình vươn lên thoát nghèo. Đến nơi ở mới, anh được Quân khu 7 xây tặng nhà. Anh Nghiệp vui mừng: "Hiện tôi phát triển mô hình nuôi bò lấy thịt lên tới 50 con, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, từ đất có sẵn của gia đình, tôi trồng lúa, cây ăn trái cho thu nhập ổn định. Sinh sống, bám trụ nơi biên giới, gia đình tôi luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, góp phần vì biên giới ổn định và phát triển".

Là cư dân của điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, bên cạnh sự phấn khởi, quyết tâm thi đua sản xuất, những người dân nơi dây chính là lũy thép sống góp phần giữ vững đường biên, cột mốc. Một màu xanh cây trái trải dài đã bật lên niềm tin, sức sống mới đáng mơ ước về trên nẻo vùng biên./.

Vân Anh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/am-no-tren-diem-dan-cu-binh-thanh-a153749.html