Ấm phiên chợ quê

Cả miền Bắc đang trong những ngày đông chùng chình lạnh cóng. Từ vạt cỏ ngoài đồng, từng áng mây, từng ngọn khói quê như cũng úa đi vì lạnh.

Ở ngoài chợ quê, dòng người đi trong co ro. Những gánh hàng như chậm lại. Hàng cây đứng lặng mình như suy niệm. Phía bên kia, bà lão quạt bánh đa tất bật với công việc của mình trong phiên chợ. Ông lão phụ giúp bà những việc lặt vặt. Họ là cặp đôi bán bánh đa lâu nhất ở khu chợ này.

Người ta bảo, muốn đánh giá cuộc sống ở một vùng quê thì nhìn vào những phiên chợ. Chợ sinh động, tất bật người bán người mua, hàng hóa đa chủng loại, từ thứ rẻ nhất đến những món đồ đắt đỏ, chứng tỏ đời sống người dân khấm khá. Còn chợ lèo tèo vài ba hàng quán, xốn xang vắng vẻ, lác đác ông đi qua bà đi lại là phiên chợ buồn. Vùng quê ấy cũng buồn. Khu dân cư ấy chưa phát triển.

Chợ quê tôi ở cạnh sông, bị ảnh hưởng vì lạnh. Cái ảm đạm thấm vào cả lời ăn tiếng nói. Chợ vẫn đông. Vẫn người mua kẻ bán đông đúc. Vẫn có những đám trẻ con í ới mua quà, tiếng gà tiếng vịt rọt rẹt, tiếng nổ bỏng ngô lum bum... Nhưng nếu chỉ thế thôi thì đâu có gì để nói về cái chợ quê văn hóa này. Cái chất của chợ quê không chỉ là sự giản dị, thân thương, mà còn là cách con người đi chợ cười tươi với nhau. Chính những nụ cười thật thà và dễ mến, ánh mắt làm lan truyền, cách trò chuyện gần gũi mới là thứ đặc sản để “nuôi” cho chợ bao năm tồn tại, dù thời gian qua rét mướt bao trùm. Dù trước đó nữa có đợt vì dịch bệnh chợ phải dừng họp. Người dân đi chợ chỉ mặc cả với nhau cho vui, tặng nhau nụ cười thôi, bởi họ bán đúng giá, không nói thách.

Minh họa: LÊ ANH.

Minh họa: LÊ ANH.

Càng đến những ngày gần Tết, dù trời còn rét, nhưng hoa đã được chuyển về bán nhiều hơn. Nào đào, quất. Nào cúc, thược dược, hồng, ly... Bây giờ chợ quê tôi đã bán thêm nhiều chậu hoa khác như ngọc minh châu, dạ yến thảo, trạng nguyên, kim tiền... Sắc hoa như là những đốm lửa, ngọn lửa xua tan giá lạnh. Và còn bao nhiêu thứ quả rực rỡ sắc màu, hương thơm lan tỏa. Chợ quê cứ thế ấm dần lên. Người này làm lan tỏa sự ấm cúng cho người kia bằng chính sức sống tiềm tàng, bền bỉ của chợ. Mà người nông dân quê tôi chính là những thành tố để tạo nên vẻ đẹp của chợ. Từ những ngả đường quê, góc làng, xóm nhỏ, người dân đổ về chợ để tụ lại một không khí bán mua tuyệt vời đã lan truyền từ hàng trăm năm qua. Mấy chục năm rồi, trong trí nhớ của tôi, mỗi góc chợ được “bố trí” cho một dòng hàng hay một mặt hàng nào đó, nay vẫn chưa thay đổi. Nơi này bán thịt cá tươi, bên kia hoa quả, mé trái rau xanh. Phía sát bờ sông là hàng đồ khô, rồi đồ gốm sứ, đồ nhựa. Lại có chỗ để bày bán mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử... Đó là sự ngăn nắp được tổ chức và gìn giữ tốt. Đó là cách thu xếp để mỗi người đều có thể sống dựa vào chợ, nhờ chợ cho cuộc sống thêm no ấm, tốt đẹp.

Thích nhất ở chợ quê là những phiên chợ Tết. Đó là những ngày người chật như nêm, hàng hóa ngập tràn. Người ở thành phố, có lẽ sẽ chẳng nhớ hoặc ít có những trải nghiệm ấy. Tết mà, nhà ai cũng cần mua, bán trao đổi rất nhiều loại sản phẩm hàng hóa phục vụ mấy ngày đầu năm. Thế nên phiên chợ quê ngày giáp Tết bao giờ cũng đông nhất, nhiều hàng hóa và vui nhất. Có người đi chợ không chỉ để mua mà còn để ngắm cho thích mắt, no nê sắc màu, cho thật đã những ngày làm lụng mệt nhọc, rồi mới đi mua những thứ cần thiết cho mình.

Cuộc sống có nhiều thay đổi và chúng ta đều mong cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn. Nhìn vào cảnh sắc nơi quê, tôi biết, tâm trạng người dân đang phấn chấn để đón xuân Tân Sửu trong an lành và cầu mong an lành cho người thân, bè bạn.

Tản văn của NGUYỄN VĂN HỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/am-phien-cho-que-649775