Ám sát một trong những hoàng đế tàn bạo nhất Trung Hoa và đây chính là hậu quả đau thương mà các cung nữ phải gánh chịu
'Nhâm Dần cung biến' là vụ ám sát do các cung nữ ra tay nhằm lấy mạng vua Gia Tĩnh, vị hoàng đế nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử Trung Quốc. Khi các sát thủ gần như đạt được mục đích thì vào những phút cuối cùng, vị vua này đã may mắn được cứu sống.
Tham vọng của hoàng đế Gia Tĩnh
Trong lịch sử Trung Quốc, chuyện các vị hoàng đế bị ám sát không phải là điều hiếm hoi, tuy nhiên vụ việc của hoàng đế Gia Tĩnh cũng có nhiều điểm đáng chú ý.
Năm 1521, Chu Hậu Thông kế vị hoàng đế Minh Vũ Tông, trở thành hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Minh. Chu Hậu Thông lấy niên hiệu là Gia Tĩnh, cầm quyền suốt 45 năm, trở thành một trong những ông vua trị vì lâu nhất ở Trung Quốc.
Vào đầu thời gian cầm quyền, hoàng đế Gia Tĩnh được xem là một nhà vua đầy tham vọng và luôn ra sức chăm lo cho đất nước.
Sau khi kế vị, ông đã chấp nhận xung đột với triều đình để ban cho cha mẹ mình (vốn không phải là vua và hoàng hậu) nghi lễ và danh hiệu phù hợp với dòng dõi hoàng gia.
Chân dung của vua Gia Tĩnh
Mặc dù hành động này đã chứng minh được ý chí mạnh mẽ của ông, cũng như thể hiện đức hạnh hiếu thảo nhưng đã khiến ông gặp nhiều trở ngại.
Sau khi bàn bạc, các quan thần triều đình đã chấp nhận yêu cầu của hoàng đế vào cuối năm 1521, nhưng trận hỏa hoạn xảy ra vào tháng 2 năm sau buộc vua Gia Tĩnh phải tạm hoãn việc truy tôn thụy hiệu cho gia đình ông.
Tuy nhiên, cuối cùng nhà vua đã thành công trong việc khôi phục lại vị thế hoàng gia cho gia đình mình vào năm 1524.
Điều này khiến hàng trăm quan thần phản đối quyết định ấy. Vua Gia Tĩnh đã tống giam những người tham gia nổi loạn, thậm chí nhiều người đã bị đánh đến chết; những người khác đều bị cách chức.
Hành động của vua Gia Tĩnh đối với những người phản đối ông có thể xem là tương đối nhẹ nhàng so với một số vị hoàng đế khác của Trung Quốc, song đó chỉ là sự khởi đầu và vua Gia Tĩnh vẫn luôn được người đời nhắc đến như một vị hoàng đế tàn bạo.
Vua Gia Tĩnh vô cùng sùng bái Đạo giáo, cụ thể hơn là ông mê đắm thuật giả kim với mong muốn có được một loại thuốc trường sinh bất tử.
Khao khát này đã cho thấy bộ mặt tàn ác của hoàng đế Gia Tĩnh, và không ít ý kiến cho rằng, việc ham mê luyện đơn đã làm dấy lên kế hoạch Nhâm Dần cung biến.
Nhâm Dần cung biến
Nhâm Dần cung biến diễn ra vào năm 1542 do 16 cung tầng mỹ nữ của vua Gia Tĩnh lập mưu ám sát hoàng đế.
Theo một số nguồn tin, để điều chế thuốc bất tử, hoàng đế đã thu gom máu của các thiếu nữ còn trinh và sử dụng nó làm nguyên liệu tạo ra một chất được gọi là "chì đỏ".
Nhiều cô gái tuổi từ 13-14 bị giam giữ và chỉ cho ăn lá dâu, uống nước mưa. Hoàng đế tin rằng, điều này sẽ giữ cho cơ thể họ trong sạch.
Các thiếu nữ bị đánh đập, bỏ đói và nếu bị bệnh thì họ sẽ bị đuổi khỏi hoàng cung. Thê thiếp của ông cũng bị hành hạ dữ dội. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những người phụ nữ này cùng nhau lập mưu ám sát vị vua tàn bạo này.
Cung nữ Trung Hoa
16 cung nữ đã hành động vào đêm mà hoàng đế ngự ở cung của Tào Đoàn Phi, phi tần được hoàng đế thịnh sủng nhất thời bấy giờ. Sau khi Tào Đoàn Phi và các cung nữ theo hầu rời cung, vua Gia Tĩnh ở lại một mình và đây là cơ hội tốt cho các nữ sát thủ.
Nhân lúc vua ngủ say, các cung nữ khác xông vào khống chế hoàng đế, trong khi đó cung nữ Dương Kim Anh cố dùng một dải lụa để siết cổ nhà vua.
Do lo sợ, tay chân luống cuống nên nàng ta buộc dây thòng lọng không thít. Nhờ vậy, vua Gia Tĩnh có cơ hội thở được ra hơi và liên tục ra sức chống đỡ.
Đúng lúc này, Phương hoàng hậu cùng với các thái giám và thị nữ xuất hiện, giải cứu hoàng đế và bắt giam hung thủ.
Kết cục của những kẻ ám sát
Một trong những kẻ tham gia vụ ám sát vừa hoảng sợ vừa kể lại diễn biến sự việc cho Phương hoàng hậu. Vua Gia Tĩnh đã bất tỉnh cho đến chiều hôm sau, vì thế Phương hoàng hậu đã tự tay xử lý toàn bộ vụ án.
Các cung nữ tham gia ám sát vua đều bị xử "lăng trì", hay còn gọi là "tùng xẻo".
Gia đình của họ cũng bị tru di tam tộc. Tào Đoàn Phi cũng không thể tránh khỏi tội chết.
Mặc dù không dính líu gì đến âm mưu này nhưng trên thực tế, vụ ám sát đã xảy ra trong cung của Tào Đoàn Phi nên Phương Hoàng Hậu đã có đủ lý do để loại bỏ một đối thủ đáng gờm trong cung.
Sau vụ ám sát, vua Gia Tĩnh đã lui về phía tây Tử Cấm Thành, sống tách biệt và ngừng cầm quyền trong hai thập kỷ tiếp theo của triều đại này.
Trong suốt quá trình trị vì của mình, vua Gia Tĩnh tuy đã mang đến một khoảng thời gian thái bình cho nhà Minh nhưng sự suy đồi và bỏ bê chính sự của ông khiến đất nước rơi vào tình trạng suy thoái. Hoàng đế Gia Tĩnh mất năm 1567 khi mới 59 tuổi.
Theo lời kể lại của người xưa, ông trúng độc thủy ngân chứa trong liều thuốc trường sinh bất tử. Đây chính là thứ thuốc ông đã uống trong suốt cuộc đời mình.