Ẩm thực 'trái khoáy'
Cứ tưởng 'môn phái' này chỉ độc quyền của phụ nữ, ai dè cả ẩm thực cũng có. Nhiều khi cùng một món ăn, cùng một chất liệu, nhưng ở tây thì là như thế này, còn ở ta thì lại là như thế khác. Đặc biệt là kèm theo sau đó còn là nhiều điều rất thú vị!
Nhờ truyền hình cả
Đầu tiên phải kể đến là cái món mà cả một thời gian dài dằng dặc chiếm lĩnh trên màn hình ti vi, mở mắt ra thấy nó, trước khi đi ngủ vẫn thấy nó, ngủ dậy lại thấy nó. Món ăn mà cơn sốt của nó chưa bao giờ hạ nhiệt, thậm chí còn… tăng nhiệt vì nó cực kỳ cay và nóng, ăn xong huyết áp có thể tăng ầm ầm. Nó đến từ Hàn Quốc. Đúng rồi, đó là kim chi.
Con bé bạn tôi nó nghiện món này suốt từ thời con gái cho đến giờ có đến ba mặt con rồi mà vẫn không khỏi, có khi còn nặng hơn. Rồi nó còn tập tành muối kim chi, vừa phồng mồm trợn má đút miếng kim chi bọc ngoài miếng thịt ba chỉ nướng to vật vã vừa nói liên hồi kỳ trận. Việc này chỉ có thể nói là là do “tác dụng phụ” của phim truyền hình xứ sở kim chi mà thôi!
Nhưng bà ngoại tôi thì vừa nếm miếng kim chi đầu tiên trong đời đã bảo: “Dưa muối chứ kim với chả chỉ cái gì” (là bà nghe nhầm kim chi thành kim chỉ).
Lũ cháu dài mồm kêu bà không biết gì nên mới đi so món quốc hồn quốc túy của xứ lạnh với cái món mà cứ nhìn thấy là chúng nó bịt mũi bịt mồm. “Gớm chửa, cái món của chúng mày thì thơm lắm đấy, tao vừa mở tủ lạnh ra mà suýt chết ngạt. Làm sao ngon bằng dưa củ của tao” – bà dài môi bĩu…
Tiện đang nói về ẩm thực Hàn Quốc, tôi còn thấy lũ trẻ các nhà đều rất khoái món gimbap – cơm cuộn Hàn Quốc. Trong thực tế thì nó là một dạng khác của món cơm nắm truyền thống của Việt Nam từ ngàn xưa, nhưng được cuộn bên ngoài rong biển – đặc trưng của món ăn xứ Hàn, thành ra lại mang một dư vị khác, tao nhã hơn về mặt hình thức và mang xu hướng hiện đại hơn vì có rau củ quả ăn cùng. Chứ hiện thời, với trào lưu ăn kiêng bằng cách giảm tinh bột mà cứ cơm nắm truyền thống lèn thật chặt dạ dầy như xưa thì dễ “toang” lắm!
Nhắc đến tinh bột lại nhớ đến một sự “tưởng lầm” nho nhỏ này. Xưa nay ai cũng tưởng gạo là “tinh hoa” của châu Á, nhưng sự thật thì châu Âu cũng có biết bao nhiêu món ngon nổi tiếng được làm từ gạo. Nếu như Việt Nam chúng ta tiêu thụ cơm, cháo như "cơm bữa" thì ở các nước phương Tây, người ta lại sử dụng gạo theo phong cách rất riêng để tạo ra các món ăn truyền thống ngon nổi tiếng.
Đó là risotto, được chế biến bằng cách nấu gạo trong nước thịt và rượu đến lúc trở nên mềm và "hấp thụ" hết hương vị của phần nước. Người Ý cho rằng món risotto này của họ không dành cho những người thiếu kiên nhẫn, bởi vì để làm nên một đĩa risotto ngon thì người nấu phải liên tục canh lửa và cho thêm nước thịt.
Đó còn là bánh pie gạo của Bỉ - là loại bánh có lớp vỏ bột giòn bên ngoài với nhân bên trong (có thể là trái cây hay thịt, rau củ). Bánh pie gạo Bỉ có phần vỏ bột giống bánh pie bình thường, chỉ khác phần nhân gạo. Nhân gạo của bánh được chế biến sao cho giống như pudding vậy.
Bỉ có pudding gạo thì Đan Mạch có risalamande cũng như một loại pudding được làm từ gạo, trộn với ít kem tươi, vani và hạnh nhân nghiền. Nhưng món này phải được ướp lạnh trước vài giờ đồng hồ trước khi mang đi phục vụ cùng với nước sốt quả anh đào. Bánh pudding gạo khá phổ biến trên toàn thế giới, song hiếm nơi nào xem trọng món này như Thụy Điển và Norway.
Một cái tên, hai số phận
Dân Hà Nội một thời nghiền món bánh xèo Chính Thắm trên phố Thái Hà đến mức thành bệnh. Ôi sao mà nó ngon miệng với cái bùi của giá đỗ, ngọt ngào của tôm và cái giòn, béo của lớp bột trứng mầu vàng ruộm tráng mỏng tang trên chảo rồi khi bắc ra được người tráng điệu nghệ gấp làm đôi, nóng hôi hổi xếp ra đĩa ăn cùng với nước chấm chua ngọt, rau sống… Ngon đến quên lối về! Một thời món ăn này cứ nơi nào mở ra thì nơi ấy trở thành tụ điểm ăn uống lớn mạnh chiếm giữ vỉa hè cả một góc phố một thời được xếp vào loại rộng ở Hà Nội.
Thế mà quái lạ, bọn “trẻ trâu” hiện tại nó lại bảo một cái bánh có rặt bột mì và một số loại “nhân” khác như xúc xích, trứng, pho mai, mật ong, socola… ăn không ra đâu vào đâu, hình thức thì đơn điệu, nhạt nhẽo… cũng là bánh xèo. Mặc dù là nó được dịch nôm từ tên tây của món bánh crep nhưng rõ ràng nó chả liên quan gì đến món bánh ngon bá cháy nghe đến là tứa nước miếng đặc sản Nam Bộ của chúng ta cả. Trộm nghĩ, ngôn ngữ Việt Nam phong phú là thế sao trong trường hợp này lại nghèo nàn đến vậy?
Lan man sang bánh thì không thể không nhắc đến bánh tacos, “anh em họ” của bánh mỳ kẹp Việt Nam. Đây là món ăn đường phố mà bất kỳ du khách nào đặt chân đến Mexico đều tâm niệm “nếu chưa ăn xem như chưa đến đất nước này”. Một chiếc bánh tacos vẻ ngoài không chỉ bắt mắt mà bên trong phần nhân là sự tổng hòa của vị chua – cay – mặn – ngọt – giòn rất thú vị. Người “anh em họ” với bánh mì kẹp Việt Nam này có một đời sống rất đậm đà bản sắc, được “xuất khẩu” sang nhiều nước trên thế giới nhưng may mắn giữ được nguyên vẹn hương vị, hình thức cũng như gia giảm, ít bị lai tạp.
Vậy nên “ngang trái” nhất là món bánh nổi tiếng cả thế giới với cái tên là hotdog. Chỉ riêng chuyện ngay tại Mỹ - đất nước cha đẻ của món ăn này thì mỗi một bang lại “chế” nó theo một kiểu khác nhau khiến cho mùi vị của nó khác hoàn toàn phiên bản gốc đã đủ thấy sự phong phú, sáng tạo của ẩm thực. Nhưng mà chỉ có tới Việt Nam nó mới đạt đến độ “éo le” làm sửng sốt toàn dân Mỹ.
Ấy là phiên bản hotdog Việt Nam không liên quan chút nào tới “hot” và “dog” bản gốc cả.
Những chiếc bánh mì lát hình vuông gập đôi lại thành hình tam giác được nướng kẹp trong máy nướng ở bên trong không có một cái xúc xích nào, không có rau, không có salat – vậy mà cũng mang cái tên là hotdog huyền thoại! Các anh tây mới biết hầu hết đều trải qua cảm giác choáng váng! Thật không gì có thể “trái khoáy” hơn là cái món này.
Nhưng ẩm thực là vậy. Cứ luôn bí ẩn và bất ngờ càng khiến người ta không thể quên ngay cả khi chỉ được nếm qua một lần duy nhất trong đời.
Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/am-thuc-trai-khoay-78990.htm