Ấm tình đoàn kết trong những ngôi nhà văn hóa cộng đồng ở Hà Tĩnh
Những ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ - 'ngôi nhà trí tuệ' được nhân rộng trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư. Đây là thành quả được kết tinh từ chủ trương đúng đắn, cách làm tâm huyết, hiệu quả và tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Thêm nhiều ngôi nhà an toàn cho người dân vùng lũ
Chưa phai mờ nỗi ám ảnh về cơn lũ lịch sử tháng 10/2020, đầu tháng 10/2022, người dân vùng “rốn lũ” thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ) lại gánh chịu ảnh hưởng của cơn lũ lớn. Mưa lớn kéo dài cùng lượng nước tại các sông đổ về nhanh đã biến thôn trở thành biển nước.
Cũng như nhiều hộ dân ven sông ở thôn Tiền Phong, ngôi nhà của cụ Nguyễn Hữu Hiền (85 tuổi) nhanh chóng bị nước lũ tràn vào, ngập sâu. Cụ Hiền được người dân kịp thời hỗ trợ đưa tới nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ (gọi tắt là nhà văn hóa cộng đồng) của thôn. “Khi tôi đến nơi, có rất đông người già, trẻ nhỏ đã được đưa đến sơ tán. Đặc biệt, có chị Lê Thị Mai vừa sinh con 7 ngày cũng được người dân đưa cả 2 mẹ con lên tránh trú. Xung quanh là biển nước nhưng có nhà văn hóa cộng đồng 2 tầng nên tất cả đều được an toàn” - cụ Hiền nhớ lại.
Địa hình thấp trũng, thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương trở thành vùng “rốn lũ” của huyện Thạch Hà. Sau trận lũ gây thiệt hại nặng nề năm 2020, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng. Ông Phạm Đình Hòa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cho hay: “Với kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng, công trình nhà văn hóa cộng đồng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho 170 người. Trong điều kiện thiên tai, nơi đây có thể tránh trú bão lũ, tập kết tài sản và phục vụ sinh hoạt cho 85 người dân”.
Hiện, Tân Lâm Hương có 2 nhà văn hóa cộng đồng mới được xây dựng tại thôn Sơn Trình và Tân Tiến, giúp địa phương chủ động cho công tác sơ tán, cứu hộ mỗi khi bão lũ về.
Được biết, từ tháng 1/2021 đến nay, toàn tỉnh có 55 ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ với tổng kinh phí hơn 116 tỷ đồng được xây dựng tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như: Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên...
Đây là kết quả của việc triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhân lên giá trị văn hóa tinh thần trong ngôi nhà chung
Trung Thành là thôn đông dân cư của xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) với 800 nhân khẩu. Trước đây, nhà văn hóa thôn với diện tích hạn chế chỉ đủ phục vụ các cuộc họp với quy mô nhỏ, không có nhiều không gian cho người dân triển khai các hoạt động văn hóa, TDTT.
Cuối năm 2021, được sự quan tâm, đầu tư kinh phí 2,5 tỷ đồng từ BIDV Hà Tĩnh, nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ của thôn được khởi công xây dựng. Tháng 3/2022, ngôi nhà được khánh thành trong niềm vui của chính quyền, người dân địa phương.
Đặc biệt, để nhà văn hóa thôn Trung Thành phát huy tối đa giá trị của một công trình mang ý nghĩa gắn kết người dân, mô hình “ngôi nhà trí tuệ” đã được xây dựng với thư viện, mạng internet miễn phí và không gian tổ chức trò chơi dân gian, thể thao, văn nghệ…
Bà Hoàng Thị Dinh (75 tuổi, thôn Trung Thành) cho biết: “Từ khi có nhà văn hóa mới, người già, người trẻ đều tích cực tham gia sinh hoạt các hoạt động văn hóa, thể thao. Những hoạt động này không chỉ giúp chúng tôi nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe, xua tan mệt mỏi sau những giờ lao động vất vả mà còn tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Không gian sinh hoạt thoáng đãng, sạch đẹp nên ai cũng có ý thức giữ gìn tài sản chung”.
Sáng tạo khi xây dựng mô hình “ngôi nhà trí tuệ”, thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã thiết kế một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc.
Với chủ đề “Ký ức thời gian”, nhiều dụng cụ sản xuất, vật dụng truyền thống trong các gia đình xưa được ban chủ nhiệm ngôi nhà trí tuệ dày công sưu tầm, trưng bày. Đây trở thành nơi lưu giữ những tư liệu quý nhằm góp phần giáo dục truyền thống của quê hương cho thế hệ trẻ.
Chị Đoàn Thị Nhung - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Đoài cho biết: “Thôn được lựa chọn làm điểm ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm 2022 của xã Thạch Hạ. Đó là dịp để chúng tôi được “khoe” nhà văn hóa cộng đồng - “ngôi nhà trí tuệ” với nhiều thôn khác về công năng, ý nghĩa của một công trình mang đậm dấu ấn đại đoàn kết ở cộng đồng dân cư”.
Là địa bàn triển khai mô hình “ngôi nhà trí tuệ” nhiều nhất trong toàn tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Hương Sơn đã ra mắt 30 mô hình “ngôi nhà trí tuệ” tại nhà văn hóa cộng đồng ở các khu dân cư.
Ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn cho biết: “Các mô hình “ngôi nhà trí tuệ” chủ yếu được xây dựng từ nguồn đóng góp của Nhân dân địa phương, con em xa quê. Nhiều mô hình được trang bị máy tính, máy chiếu kết nối internet; thành lập các CLB thể thao, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống... được người dân tích cực đón nhận”.
Theo thống kê từ Ủy ban MTTQ tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 94 mô hình “ngôi nhà trí tuệ” đã ra mắt, đi vào hoạt động với tổng nguồn lực huy động gần 20 tỷ đồng. Các mô hình đã góp phần mang lại những giá trị văn hóa tinh thần mới mẻ trong “ngôi nhà chung” cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ - “ngôi nhà trí tuệ” là chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh. Các công trình đi vào hoạt động đã thực sự là “ngôi nhà chung”, là không gian để gắn kết cộng đồng dân cư, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; trở thành “phao cứu sinh” cho người dân khi thiên tai xảy ra.
MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục định hướng, huy động nguồn lực và đánh giá toàn diện hoạt động của mô hình “ngôi nhà trí tuệ” để nhà văn hóa cộng đồng phát huy hết giá trị nhân văn cao đẹp của những công trình mang dấu ấn đại đoàn kết toàn dân.