Ấm tình một dải biên cương

Tiết xuân mới gõ cửa nhưng đã kịp trải những tia nắng vàng như rót mật xuống mặt đất, thoáng trong màu xanh ngút ngàn của cây lá càng làm cho màu tường sơn vàng óng, màu trắng của những mái nhà Fibroximăng nơi lưng núi như thêm phần rực rỡ. Màu tươi mới của những ngôi nhà được 'xây bằng tình quân dân' đang khẳng định từ nay cuộc sống của người nghèo trên dải biên cương đã sang trang mới, đủ đầy, sung túc hơn.

Năm nào cũng vậy, cứ độ tháng 11 dương lịch, trên dọc tuyến biên giới Lào Cai, hoa đào đã bung nở khiến cảnh sắc các thôn cao thêm đẹp bội phần. Trên chiếc xe máy dã chiến, Đại úy Phạm Ngọc Tuệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung đưa tôi tới thăm các gia đình được nhận nhà mới, công trình do đơn vị đứng ra kêu gọi ủng hộ và giúp ngày công xây dựng.

Trên đường đến nhà các hộ, Đại úy Phạm Ngọc Tuệ thông tin nhanh với tôi về một số hoạt động nổi bật mà đơn vị thực hiện trong thời gian qua. Đồn Biên phòng A Mú Sung đóng quân trên địa bàn xã A Mú Sung (Bát Xát) có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài gần 27 km (từ mốc 90 đến mốc 93), thuộc 2 xã Nậm Chạc và A Mú Sung với 20 thôn, bản, trong đó 5 thôn, bản giáp biên. Thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, hằng năm, đơn vị lựa chọn mỗi xã từ 5 đến 10 hộ có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ ngày công làm kinh tế.

Cột cờ Lũng Pô. Ảnh: Ngọc Bằng

Đồn đã ủng hộ và kêu gọi ủng hộ được hàng tỷ đồng giúp địa phương xây nhà văn hóa và làm đường giao thông, cổng chào cho một số thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đơn vị cũng cử cán bộ trực tiếp tham gia giảng dạy 6 lớp xóa mù chữ cho 150 học viên và tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia... Câu chuyện của Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung đầy ắp những con số giúp tôi hiểu hơn tình quân dân “cá nước” nơi vùng cao, biên giới còn nhiều gian khó này.

Tôi từng may mắn được dự lễ bàn giao nhà mới cho gia đình bà Tẩn Sử Mẩy, dân tộc Dao, ở thôn Tung Qua. Hôm nay gặp lại, trong ngôi nhà đã có thêm bộ bàn ghế nhỏ, bếp lửa đã ấm hơi than và gương mặt bà Mẩy không còn đọng nỗi u buồn, thay vào đó là nụ cười rạng rỡ. Rất thân tình, bà Mẩy mời chúng tôi ngồi sưởi quanh bếp lửa và kể cho chúng tôi nghe niềm hạnh phúc mà gia đình mình đang được hưởng.

Tròn 2 năm trước, mẹ con bà Mẩy phải đi ở nhờ nhà người quen do ngôi nhà tạm bị gió lốc làm sập. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bà không thể cúng giỗ tổ tiên trong những ngày Tết cổ truyền theo phong tục. Đau đáu nỗi niềm, nhưng vì kinh tế eo hẹp, bà không thể dựng lại ngôi nhà dù là bằng tre hoặc gỗ. “Năm nay thì khác rồi, bộ đội biên phòng giúp xây nhà mới, mẹ con tôi được đón tết trong ngôi nhà của mình, thật không gì hạnh phúc bằng. Có nhà kiên cố, tôi yên tâm cấy trồng, chăn nuôi để phát triển kinh tế, Tết năm nay vẫn còn khó khăn, hy vọng tết sang năm sẽ sung túc hơn” - bà Mẩy bộc bạch.

Dọc con đường với một bên là màu non xanh của cây cối, đối nghịch với màu đỏ nặng phù sa của sông Hồng, Đại úy Tuệ đưa tôi đến gia đình ông Phàn Quẩy Xèo, ở thôn Ngải Trồ. Để lại xe dưới đường, chúng tôi cứ theo lối mòn nhằm hướng ngôi nhà còn sáng màu sơn mới mà đi. Trong căn nhà vừa được hoàn thiện, ông Xèo kể lại giây phút hạnh phúc khi hay tin mình được Đồn Biên phòng A Mú Sung kêu gọi hỗ trợ làm nhà. Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày dọn về sống trong căn nhà mới, ông vẫn cảm thấy như đang mơ bởi nếu để tự lực, có lẽ đến cuối đời ông vẫn không dám mơ có được ngôi nhà chắc chắn đến vậy. “Đã đi hết gần một đời người, giờ đây nhờ ơn bộ đội biên phòng mà tôi được ở trong ngôi nhà theo đúng nghĩa. 3 tháng qua, bố con tôi không phải giật mình giữa đêm khi mưa bất chợt kéo về. Tết này, nhà tôi vui lắm” - ông Xèo tâm sự.

Ông Xèo là người dân tộc Dao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ ngày vợ mắc bệnh nan y, một mình ông phải gồng gánh chăm vợ và nuôi 3 con nhỏ. Vừa lo kiếm đủ cái ăn hằng ngày cho gia đình vừa phải thay vợ gánh việc chăm sóc 3 con đang tuổi ăn học khiến đôi vai ông càng thêm nặng. Vì thế, dù ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp nhiều năm nhưng ông không có khả năng dựng lại. Vào những ngày mưa, ngồi trong nhà, mỗi thành viên trong gia đình phải khoác tấm nilon để tránh bị ướt. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Mẩy và ông Xèo, Đồn Biên Phòng A Mú Sung đã kêu gọi sự ủng hộ từ cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị và cộng đồng để hoàn thành 2 ngôi nhà. Dù là những thợ nề không chuyên nhưng những cán bộ, chiến sỹ vẫn cố gắng đem lại niềm vui trọn vẹn cho những gia đình được tặng nhà.

Anh Xèo (mặc áo truyền thống) trong ngày vui được nhận nhà mới.

Anh Xèo (mặc áo truyền thống) trong ngày vui được nhận nhà mới.

Chúng tôi tiếp tục ngược vùng cao Y Tý để ghé thăm gia đình anh Có Có Xe, ở thôn Choản Thèn. Sau 2 năm gặp lại, anh Xe trông trẻ hơn trước, trong ngôi nhà của gia đình đã có thêm vài đồ dùng sinh hoạt tiện nghi. Điều khiến anh vui nhất là hơn 2 năm qua, anh không còn phải chứng kiến cảnh vợ con chạy mưa trong chính ngôi nhà của mình. Tết Nguyên đán năm 2018, tết đầu tiên được ở trong ngôi nhà mới, vợ chồng anh đón thêm thành viên mới và càng phấn khởi hơn bao giờ hết khi con được sinh ra không phải chịu những cơn gió khắc nghiệt của mùa đông nơi xứ mưa Y Tý. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, đứa trẻ mới sinh năm nào đã lon ton chạy lại, bi bô như muốn khoe chiếc xe máy mới mà bố bé vừa sắm để tết này đưa cả nhà đi chơi xuân.

“Năm 2017, gia đình tôi vẫn ở trong túp lều bằng bạt, nắng thì đến mặt, mưa thì ướt đầu, chưa kể mùa đông giá rét, cả gia đình co ro mỗi khi gió lạnh thổi về. Khi được Đồn Biên phòng Y Tý kêu gọi hỗ trợ và giúp gia đình xây nhà mới, vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau khóc vì vui mừng, hạnh phúc. Không những thế, đơn vị còn hỗ trợ gia đình tôi 2 con lợn giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để phát triển kinh tế”, anh Xe bồi hồi nhớ lại.

Giờ thì gia đình anh Xe không còn trong danh sách hộ nghèo của xã. Bên hiên nhà, cây đào bích được anh trồng kỷ niệm ngày về nhà mới bắt đầu trổ bông như báo hiệu cho chủ nhân một năm mới bắt đầu và khó khăn đang dần lùi xa…

Xuân đã đến thay ca cho mùa đông, từng tia nắng le lói trên những triền đồi xanh ngắt mang một màu no ấm. Tạm biệt rẻo cao Y Tý, A Mú Sung, tôi ra về mà lòng ngập niềm vui. Ở những xã vùng biên còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà của tình quân dân mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, giúp người dân nghèo an cư, lạc nghiệp trên chính quê hương của mình, từ đó chung tay xây dựng, bảo vệ và giữ gìn bình yên một dải biên cương.

Thu ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/am-tinh-mot-dai-bien-cuong-z62n20200109122119059.htm