Ấm tình ngày họp mặt
Ðến hẹn lại lên, cứ chiều 22/9 hằng năm, các cựu thanh niên xung phong (TNXP) Ðại đội Nguyễn Việt Khái I Cà Mau lại tổ chức họp mặt đồng đội năm xưa. Tay bắt mặt mừng, bao nhiêu câu chuyện cuộc sống, sức khỏe, chuyện một thời chiến trường miền Ðông 'gian lao mà anh dũng' được sẻ chia. Cả không gian đầy ắp yêu thương, ấm áp nghĩa tình.
Ông Nguyễn Trung Tính, cựu TNXP Ðại đội Nguyễn Việt Khái I (hiện ngụ tại Phường 8, TP Cà Mau), bày tỏ: “28 năm trước, sau bao nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi kết nối được khá nhiều đồng đội năm xưa rồi tổ chức họp mặt lần thứ nhất. Và từ đó đến nay, năm nào cũng tổ chức họp mặt đúng vào ngày 22/9, trừ năm 2021 dừng do dịch bệnh. Lý do chọn ngày 22/9 vì Ðại đội Nguyễn Việt Khái I khi lên chiến trường miền Ðông được biên chế vô Liên đội 9, phối thuộc phục vụ chiến đấu cho Sư đoàn 9 (chủ lực Miền) và lấy phiên hiệu 239, tức ngày 23/9 - Ngày Nam Bộ kháng chiến. Mình chọn ngày 22/9 họp mặt là trước 23/9 một ngày, coi như kỷ niệm để nhắc nhớ phiên hiệu được mang, cũng là nhắc nhớ một thời cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước”.
Năm 1965, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Trung ương Ðoàn Thanh niên thành lập “Ðội TNXP chống Mỹ cứu nước” ở miền Bắc và “Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam” tại Tây Ninh để tập hợp sức mạnh thanh niên thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Tỉnh đoàn Cà Mau thành lập Ðại đội Nguyễn Việt Khái I đưa lên Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ, với tổng số 269 cán bộ, đội viên.
Bà Nguyễn Hồng Tuyết, cựu TNXP Ðại đội Nguyễn Việt Khái I (hiện ngụ tại Phường 5, TP Cà Mau), bồi hồi nhớ lại: “Khi tham gia Ðại đội Nguyễn Việt Khái I, tôi mới 14 tuổi. Lúc đó gia đình không cho đi, mà nghe “5 xung phong” Tỉnh đoàn phát động nên trốn nhà đi”. Sau 79 ngày đêm ròng rã hành quân hơn 400 cây số vừa băng đồng, lội rừng, vượt sông... vừa tránh địch, bà Tuyết cùng Ðại đội Nguyễn Việt Khái I đã đến được Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam ở Tây Ninh.
Cũng như các đơn vị TNXP khác, Ðại đội Nguyễn Việt Khái I đã tham gia phục vụ chiến đấu hầu hết các chiến dịch quan trọng ở miền Nam với hàng trăm trận, trong đó đặc biệt là cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Nói sao hết những gian khổ, hiểm nguy ở chiến trường miền Ðông mà TNXP phải trải qua. Ðào công sự, khiêng vác, thồ hàng ra chiến trường; tải đạn, tải thương, chiến đấu bảo vệ thương binh, bảo vệ hàng...; bất kể ngày đêm, mưa nắng, băng rừng, lội suối, đối diện muỗi, vắt, rắn độc, bệnh sốt rét hoành hành... hễ chiến trường cần là TNXP có mặt. Những câu khẩu hiệu TNXP thời ấy lấy làm phương châm là: “Không tiền tuyến, không hậu phương - Ðâu Ðảng cần, đó là tiền tuyến”, “Chiến trường còn thương binh thì TNXP chưa rời trận địa”... Ðặc biệt với câu “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề quyết chiến của các đơn vị TNXP mỗi lần ra trận.
Kết thúc chiến tranh, đơn vị Nguyễn Việt Khái I có 72 đồng đội hy sinh, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân là liệt sĩ, Chính trị viên phó Phan Tấn Thành và Ðại đội trưởng Trang Bá Phúc. Nhiều người trở về với thân thể không lành lặn, khó khăn, bệnh tật bủa vây...
Tìm mộ đồng đội hy sinh đưa về an táng tại quê nhà, quan tâm giúp đỡ các cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn... là nghĩa cử, tấm lòng của những đồng đội đang sống. “Hồi gian khổ ác liệt, ai cũng trẻ, ai cũng xung phong cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Ðược sống trở về là một may mắn quá lớn rồi, trong khi nhiều đồng đội mãi mãi ra đi... Trở về đời thường, mỗi người mỗi cảnh, nhiều đồng đội đời sống chật vật, thương tật hoành hành... mình đâu nỡ làm ngơ. Thật tình chúng tôi thương nhau còn hơn ruột thịt!”, bà Ðoàn Thị Thanh Xuân (nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hồ Chí Minh) bày tỏ.
Mặc dù khác đại đội, nhưng cùng Liên đội 9, cùng là TNXP Cà Mau lên miền Ðông phục vụ chiến đấu nên khi giải phóng đất nước, dẫu sống, công tác ở TP Hồ Chí Minh, bà Ðoàn Thị Thanh Xuân vẫn sâu nặng với quê hương, với đồng đội quê nhà. Bà cùng các cựu TNXP Nguyễn Việt Khái I ở TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều việc nghĩa tình, như đóng góp tiền và vận động hỗ trợ xây dựng 12 căn nhà cho đồng đội tại Cà Mau; quan tâm hỗ trợ các đồng đội hoàn cảnh khó khăn có điều kiện chữa bệnh, phát triển kinh tế cải thiện đời sống; đồng thời xây dựng 3 cây cầu cho quê hương.
Bà Nguyễn Hồng Tuyết xúc động: “Các chị em thương nhau dữ lắm. Tôi bị thương ở đầu, hạng 3/4, sức khỏe giảm sút, rồi thêm nhiều bệnh khác, các chị em luôn quan tâm, động viên như hồi ở đơn vị vậy. Mấy anh chị ở thành phố về là ghé thăm, động viên, hỗ trợ tiền. Mấy chị nói ráng đi, hồi ở rừng bị thương còn vượt qua được, giờ điều kiện tốt hơn nhiều, phải cố gắng lên... Nhờ vậy mà mình có động lực lớn để vượt lên hoàn cảnh”.
Không hàng quán sang trọng, những buổi họp mặt thường chỉ diễn ra tại nhà một đồng đội, chi phí cùng nhau góp vào (mấy năm gần đây tại nhà ông Hai Cẩn - Lê Văn Bình, nguyên Ðại đội trưởng, tại Phường 9, TP Cà Mau). Và bao giờ cũng thế, trong buổi họp mặt, các cựu TNXP luôn dành mâm cơm dâng cúng những đồng đội đã hy sinh.
Ðược quây quần bên nhau là niềm vui, là hạnh phúc, vì vậy mà trừ những đồng đội ở xa thì vài năm mới tập hợp, còn những cựu TNXP trong tỉnh thì dù bận rộn thế nào cũng cố gắng sắp xếp để được gặp nhau. Ai cũng quý trọng những phút giây này. Bởi ai cũng ý thức được tuổi tác, quy luật cuộc đời, có người lần trước gặp, lần này đã ra đi... Vì vậy mà các cựu TNXP luôn nhủ lòng “còn gặp nhau thì hãy cứ vui”; để rồi sau những phút giây ấm áp, họ lại lưu luyến chia tay và hẹn lại nhau ngày này năm tới...
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/am-tinh-ngay-hop-mat-a29813.html