Ấm tình người trong mưa lũ
Sau cơn bão số 3, nước lũ trên sông Cầu đổ về quá nhanh khiến nhiều khu vực ở TP. Thái Nguyên và một số địa phương trong tỉnh bị ngập sâu, nhiều gia đình trở tay không kịp. Vì thế, chỉ sau một thời gian rất ngắn, số người cần hỗ trợ để thoát ra khỏi vùng ngập lụt tăng nhanh, trong khi đó quân số của các lực lượng chức năng có hạn. Trước thực tế này, không ít gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã dang rộng vòng tay, sẵn sàng nhường phòng ở, hỗ trợ nhu yếu phẩm; trực tiếp tham gia cứu trợ…, với mong muốn mọi người, mọi nhà đều vững vàng vượt qua lũ dữ.
Những ngày này, ngập tràn trên các trang mạng xã hội là những dòng trạng thái sẻ chia, hướng về các tỉnh, thành phố phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Tại Thái Nguyên, lũ lụt đã gây nhiều thiệt hại. Trước bối cảnh này, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm, chủ động và liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân vùng lũ còn nhận được rất nhiều sự sẻ chia của hàng nghìn người trong và ngoài tỉnh.
Chúng tôi không thể thống kê được có bao nhiêu đơn vị, tổ chức, cá nhân đã và đang hỗ trợ chính quyền cùng người dân vùng lũ. Người có phòng, nhà ở rộng rãi thì cho bà con vùng ngập lụt di chuyển đến ở nhờ, thậm chí miễn phí cả ăn, uống; người có phương tiện thì sẵn sàng nhận chở đồ cứu trợ miễn phí; người có hàng thì hỗ trợ hàng; người có thể nấu cơm thì hỗ trợ các suất ăn; người biết lái xuồng thì tham gia giải cứu những người bị mắc kẹt, cô lập; người có thời gian thì hỗ trợ chia các suất ăn, tham gia trực tại các điểm ngập úng.
Có người thì làm "sợi dây kết nối" giữa những người cần được hỗ trợ với lực lượng cứu hộ, các hội, nhóm thiện nguyện… Tất cả đều gồng mình chạy đua cùng thời gian, với mong muốn giúp được nhiều nhất những người cần hỗ trợ.
Có mặt tại nhiều điểm tiếp nhận cứu trợ cho người dân vùng lũ, chúng tôi rất xúc động trước sự chung tay sẻ chia của cộng đồng. Mặc dù việc đi lại trong những ngày này rất khó khăn, vì ở đâu cũng có những đoạn đường bị ngập, nhưng nhiều người trong và ngoài tỉnh vẫn bằng mọi cách tìm được đường đi tốt nhất để có thể đến được những điểm cần trợ giúp.
Chị Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), vừa đưa tay chườm phần gót chân bị trẹo sáng 10-9 trong lúc đi cứu trợ bà con, vừa bộc bạch: Chúng tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm của người dân khắp nơi trực tiếp mang đến, từ xuồng, áo phao, đến các nhu yếu phẩm cần thiết… để hỗ trợ cho người dân ở 6 tổ đang bị cô lập. Toàn bộ đồ ăn, thức uống, phường chưa phải bỏ ra đồng nào mà toàn bộ là của các mạnh thường quân: Người hỗ trợ cơm, người hỗ trợ bánh mì, phở, bánh cuốn, nhiều nhất vẫn là mì tôm, sữa và nước lọc. Mặc dù tất cả công chức phường và lực lượng chức năng mấy ngày nay làm việc xuyên ngày, xuyên đêm, nhưng vẫn cảm thấy ấm lòng, quên đi mọi mệt mỏi nhờ có tình cảm này, sự động viên của các tổ chức, cá nhân hảo tâm và bà con trong và ngoài phường. Có những người đến ủng hộ nhưng nhất định không cho biết tên, địa chỉ.
Tại phường Cam Giá, địa phương cũng đang chịu nhiều thiệt hại bởi trận lũ, câng gần trưa 10-9, số lượng xe và người đến cứu trợ càng đông. Người nhiều hỗ trợ 100 thùng nước, 100 thùng mì tôm; người ít có khi chỉ là một thùng mì, 2 thùng nước… theo khả năng của mình, nhưng tất cả đều mong muốn được san sẻ chút tình cảm gửi đến bà con.
Vợ chồng chị Hoa, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nghe tin về cơn bão đã không ngần ngại lái xe lên Thái Nguyên để tham gia hỗ trợ; nhiều câu lạc bộ thiện nguyện trong và ngoài tỉnh cũng đã nhanh chóng bằng các mối quan hệ kêu gọi ủng hộ giúp đỡ bà con; nhiều cán bộ, công chức và cả các bạn sinh viên, học sinh, tranh thủ được nghỉ cũng đến cùng cán bộ các địa phương tham gia cứu trợ.
Chị Phạm Thùy Linh, thành viên Câu lạc bộ từ thiện Thái Nguyên tham gia hỗ trợ tại UBND phường Hương Sơn, chia sẻ: Chúng tôi có 10 thành viên, đã tham gia hỗ trợ 3 ngày hôm nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, gồm: Phú Lương, TP. Thái Nguyên và Phú Bình. Chỉ tính trong ngày hôm nay (10-9), tổng số tiền mà chúng tôi ủng hộ (do các thành viên vận động được) đã lên tới 100 triệu đồng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động để có thêm nguồn lực cùng chính quyền các cấp hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống.
Cùng với hỗ trợ các suất ăn, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã bỏ công, bỏ việc, trực tiếp xông pha vào vùng lũ, tham gia cứu trợ cùng lực lượng chức năng. Đó là đội tình nguyện 10 bạn biết lái xuồng máy đến từ Mê Linh (Hà Nội); là bạn Trần Hiển Minh có số điện thoại 08368603…, biết bơi, sẵn sàng hỗ trợ việc gì mà các nhóm hỗ trợ cần; hay như bạn Thu Nga, ở Khoái Châu, Hưng Yên, có xe tải lớn nhận chở thuyền, tàu, ca nô miễn phí từ các tỉnh phía Bắc về Thái Nguyên; một số đoàn đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành có thuyền, xuồng có thể vận chuyển hàng hóa hỗ trợ người dân bị cô lập… cũng đã được đưa đến. Có nhóm thiện nguyện chỉ nhận hỗ trợ sức lực và đồ dùng, hàng hóa, không nhận hỗ trợ bằng tiền.
Hiện nay chưa có số liệu thống kê số lượng hàng hóa, phương tiện, vật tư, máy móc thiết bị mà các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho các địa phương và người dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh (vì vẫn đang tiếp tục được thực hiện). Chỉ biết rằng sự hỗ trợ này là cần thiết, góp phần cùng với các địa phương khẩn trương hỗ trợ để người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống, sản xuất...
Vẫn còn rất nhiều câu chuyện cảm động về những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp khác mà chúng tôi ghi nhận được nhưng không thể nói hết được trong khuôn khổ bài viết này. Chính những nghĩa cử của họ đã giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp hơn, tiếp thêm nghị lực cho những người dân sau lũ vững tin hơn vào ngày mai để khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.