Ấm tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc

Bản Tùng Hương, xã biên giới Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là địa bàn có địa hình và khí hậu khắc nghiệt, do đứng chân ở vùng núi cao, xa sông suối, vào mùa khô dân bản phải đi bộ hàng giờ để gùi nước về phục vụ sinh hoạt, điều kiện sống ấy ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động dân sinh của người dân nơi đây. Tuy nhiên, vào đầu mùa khô năm nay, dân bản Tùng Hương đón nhận tin vui, khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An vận động các nhà tài trợ và đóng góp ngày công lao động để xây dựng 'Bể nước quân dân', một công trình đủ cung cấp nước sạch cho cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trong bản.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang và đại diện chính quyền xã Tam Quang khởi công xây dựng “Bể nước quân dân”. Ảnh: Anh Bách

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang và đại diện chính quyền xã Tam Quang khởi công xây dựng “Bể nước quân dân”. Ảnh: Anh Bách

Tham gia vận chuyển nguyên vật liệu cùng cán bộ, chiến sĩ xây dựng bể nước, bà La Thị Thương, bản Tùng Hương cho biết: “Lâu nay bà con trong bản thiếu nước sinh hoạt khổ lắm, có khi đi làm về nước uống trong nhà cũng không có nói chi đến nước sinh hoạt. Bây giờ, có được bể nước sạch, bà con rất mừng, đỡ vất vả đi gánh, đi gùi xa”.

Xây dựng “Bể nước quân dân” chỉ là một trong rất nhiều hoạt động giúp dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế của những người lính Đồn Biên phòng Tam Quang. Do Tam Quang là xã có diện tích rộng nhất huyện Tương Dương, chính vì vậy, nhiệm vụ công tác Biên phòng đối với những người lính Biên phòng vô cùng nặng nề. Với quan điểm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới phải dựa vào nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang đã thể hiện bằng những hành động, việc làm thiết thực. Và nhân dân xã biên giới này không còn xa lạ với hình ảnh, những bàn tay cầm súng giờ lại quen với cuốc cày, với công việc của nhà nông, mỗi cán bộ, chiến sĩ trở thành một người dân trên mặt trận xây dựng nông thôn mới và mỗi người dân trở thành một chiến sĩ Biên phòng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang cho biết: “Ngoài sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ thì mối quan hệ, phối hợp giữa cấp ủy, Ban chỉ huy đồn với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng gắn bó chặt chẽ. Trong đó, nổi bật là công tác phối hợp xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh trên địa bàn phụ trách, thực hiện tốt các phong trào như xây dựng nông thôn mới, đồng hành cùng phụ nữ biên cương, đảng viên phụ trách hộ gia đình... Những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực đối với người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nhân dân đã đồng hành với cán bộ, chiến sĩ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đơn vị đề ra”.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang đánh giá: “Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang cũng làm tốt công tác an sinh, xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Đây không chỉ là trách nhiệm của người lính Biên phòng mà còn là tình cảm, nghĩa tình đối với bà con nhân dân địa phương, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân để xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh”.

Năm 2020 Đồn Biên phòng Tam Quang đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng của BĐBP Nghệ An. Có được thành tích ấy, những đảng viên tăng cường sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn bản đóng vai trò không nhỏ. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và với trách nhiệm của người lính Biên phòng, các đảng viên tăng cường đã kịp thời bám, nắm địa bàn, giải quyết có hiệu quả các hoạt động của chi bộ thôn bản, trong đó phải kể đến là việc tham gia tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, nhân rộng những mô hình kinh tế điểm.

Nhân dân bản Tùng Hương, xã Tam Quang phấn khởi khi được sử dụng nước sạch từ công trình “Bể nước quân dân”. Ảnh: Hùng Phong

Nhân dân bản Tùng Hương, xã Tam Quang phấn khởi khi được sử dụng nước sạch từ công trình “Bể nước quân dân”. Ảnh: Hùng Phong

Điển hình như gia đình ông Viêng Thanh Hòa, bản Tùng Hương, từ một hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng với sự vào cuộc của Đồn Biên phòng Tam Quang và chính quyền địa phương đã “cầm tay chỉ việc” giúp đỡ gia đình ông từng bước thoát nghèo ngay trên quê hương. Ông Viêng Thanh Hòa cho biết: “Có anh em Biên phòng về hỗ trợ, gia đình rất vui mừng. Từ nay trở đi tôi mong rằng cán bộ Biên phòng thường xuyên hỗ trợ gia đình và người dân trong bản phát triển kinh tế, để ai cũng thoát khỏi đói nghèo, làm giàu cho bản làng”.

Ông Lô Xuân Tiến, Bí thư chi bộ bản Tùng Hương đánh giá: “Thực hiện chủ trương phân công cán bộ, đảng viên biên phòng xuống sinh hoạt tạm thời với chi bộ thôn bản, các anh đã giúp nhân dân phổ biến về khoa học kỹ thuật, làm ruộng, làm nương, chăn nuôi, xây dựng bản làng, giữ gìn môi trường xanh,sạch đẹp”.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, câu khẩu hiệu ấy chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trang của những người lính Biên phòng nơi đây. Thế nên, ở đâu trên quê hương còn gian khổ, khó khăn, ở đó có những người con của bản là cán bộ, chiến sĩ Biên phòng”.

Anh Bách

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/am-tinh-quan-dan-noi-bien-cuong-to-quoc-post438926.html