Âm vang ký ức hào hùng
Hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ sắp tới, trên khắp cả nước, nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt đang được tổ chức như những lời tri ân lắng sâu, lay động trái tim.

Chương trình nghệ thuật “Côn Đảo - Bản hùng ca bất tử” tri ân các Anh hùng Liệt sĩ. Ảnh: BTC
Không chỉ tưởng nhớ và tôn vinh những hy sinh cao cả, các tác phẩm nghệ thuật còn mở ra nhịp cầu kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại sống động, thắp lửa tự hào và hun đúc tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ hôm nay.
Những thanh âm lắng đọng, hào hùng
Tháng Bảy, mùa tri ân, luôn là khoảng thời gian thiêng liêng để mỗi người Việt hướng về cội nguồn, tưởng nhớ và tôn vinh những Anh hùng Liệt sĩ đã hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc.
Trên khắp cả nước, những chương trình nghệ thuật đặc biệt, được dàn dựng công phu, đang vang lên như những thanh âm lắng đọng và hào hùng - nhịp cầu kết nối quá khứ bi tráng với hiện tại sống động, truyền đi thông điệp của lòng biết ơn và khát vọng hòa bình.
Nổi bật trong chuỗi hoạt động đó là chương trình nghệ thuật cấp quốc gia Bản hùng ca bất diệt, chủ đề Đất nước lời ru, do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức tại Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng vào 20h10 ngày 26.7.
Với không gian linh thiêng, công nghệ hiện đại và sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, chương trình hứa hẹn mang đến một hành trình nghệ thuật đầy cảm xúc, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, chương trình Lũy đá bất tử sẽ diễn ra vào tối 27.7 tại Nhà hát Lớn. Do Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tổ chức, chương trình tái hiện chân thực hình ảnh những người lính đã hy sinh thầm lặng và những người mẹ, người vợ lặng lẽ chịu đựng đau thương, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật âm nhạc và sân khấu.
Với sự tham gia của dàn nghệ sĩ được công chúng mến mộ như NSND Quốc Hưng, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Đức Tuấn, Thu Hằng…, đêm nhạc là hành trình trở về ký ức - hun đúc niềm tin tiếp bước cha anh.
Tại TP Hồ Chí Minh, Côn Đảo - Bản hùng ca bất tử sẽ được tổ chức vào đêm 26.7 tại Sân vận động 30/4, Đặc khu Côn Đảo. Chương trình gồm ba phần chính, tái hiện lịch sử hào hùng của mảnh đất đau thương từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” và tôn vinh sự hồi sinh mạnh mẽ của Côn Đảo hôm nay.
Bên cạnh đó, nhiều đêm nhạc và hoạt động giao lưu nghệ thuật cũng diễn ra trên khắp cả nước: Còn mãi với thời gian tại Hà Nội; Giữ trọn lời thề - Bản hùng ca từ nguồn cội tại Tuyên Quang; Tổ quốc ghi công - Viết tiếp câu chuyện hòa bình tại Quảng Trị…
Mỗi chương trình là một điểm nhấn cảm xúc, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của dân tộc đối với những người con đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc, đồng thời khơi dậy khát vọng dựng xây một đất nước hòa bình, phát triển và bền vững trong tâm thức mỗi người dân Việt hôm nay.

Ca sĩ Khánh Ly trong MV “Còn mãi với non sông”. Ảnh: BÌNH QUÁCH
Giai điệu từ trái tim
Không chỉ dừng lại ở những đêm nhạc hoành tráng, các nghệ sĩ còn lựa chọn hình thức phát hành MV ca nhạc để lan tỏa thông điệp tri ân, chạm đến trái tim công chúng một cách gần gũi và sâu sắc hơn trong thời đại số.
Một trong những điểm nhấn xúc động là MV Còn mãi với non sông của Sao mai Khánh Ly - như một nén tâm nhang thành kính gửi tới những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Ca khúc mang âm hưởng thính phòng hiện đại, được NSND Phạm Phương Thảo phổ nhạc từ bài thơ của Khánh Dương, Phạm Tuấn Anh phối khí và đạo diễn Anh Quân dàn dựng.
Điều đặc biệt của MV chính là những cảnh quay được thực hiện tại các địa danh lịch sử linh thiêng của tỉnh Quảng Trị như Bến sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương, Vĩ tuyến 17 và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn… Những hình ảnh giàu tính biểu tượng ấy vừa mang lại giá trị thị giác, vừa khơi gợi chiều sâu ký ức, đánh thức cảm xúc biết ơn trong lòng người xem.
Khánh Ly chia sẻ, ngay từ những giai điệu đầu tiên, cô đã như bị cuốn vào không gian lịch sử, cảm nhận từng câu chữ như được viết riêng cho mình. “Mỗi lời ca đều chạm thẳng vào tim. Tôi không thể hát chỉ bằng kỹ thuật, mà phải hát bằng tất cả cảm xúc và ký ức dân tộc”, nữ ca sĩ xúc động.
Dù biết sẽ vất vả và tốn kém, Khánh Ly vẫn lựa chọn ghi hình trực tiếp tại Quảng Trị - mảnh đất mang dấu tích bi hùng của chiến tranh. Với cô, đó chính là hành trình trở về để tri ân: “Tôi đến với vùng đất này để được nói lời cảm ơn bằng âm nhạc”.
Trong MV, Khánh Ly không chỉ cất lên giọng hát đầy nội lực, mà còn hóa thân thành một người con gái trở về chiến trường xưa cùng cha, một cựu chiến binh, lắng nghe những câu chuyện thiêng liêng của một thời máu lửa. Chính trải nghiệm ấy đã giúp cô “hát thính phòng mà như lời thủ thỉ” đầy chiều sâu và chất chứa cảm xúc. Khoảnh khắc nữ ca sĩ không cầm được nước mắt khi thắp nén hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là một điểm nhấn đầy xúc động, khép lại hành trình quay MV bằng cảm xúc thiêng liêng và sâu lắng nhất.
Không chỉ chạm tới cảm xúc bằng giọng hát nội lực, MV Còn mãi với non sông của Khánh Ly còn gây ấn tượng mạnh bởi những hình ảnh giàu chất điện ảnh, được ghi hình công phu tại các địa danh lịch sử linh thiêng. Từ khoảnh khắc người con gái nhẹ tay vuốt lên từng viên gạch phủ rêu Thành cổ, đến ánh nến lung linh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn hay cảnh thả đèn trên sông Thạch Hãn lúc bình minh... tất cả hòa quyện cùng giọng ca sâu lắng, tạo nên một hành trình tri ân đầy cảm xúc.
Thông qua MV, Khánh Ly không chỉ tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống, mà còn gửi gắm thông điệp mạnh mẽ đến thế hệ trẻ hôm nay: Lịch sử chỉ thực sự sống khi được kể lại bằng trái tim. Cô hy vọng, những hình ảnh và giai điệu ấy sẽ đánh thức tinh thần tìm hiểu lịch sử, giúp người trẻ thêm hiểu, thêm nhớ và thêm trân trọng hòa bình mà họ đang thụ hưởng.
NSND Quang Thọ, một trong những giọng ca gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam, không giấu được xúc động khi nói về MV: “Khánh Ly và những nghệ sĩ trẻ đang tiếp nối dòng nhạc truyền thống bằng tất cả sự chân thành và trách nhiệm. MV đã khắc họa rất xúc động hình ảnh những người lính chiến đấu kiên cường tại Quảng Trị trong những năm tháng khốc liệt nhất để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Điều đó thực sự chạm đến trái tim tôi”.
Trong dòng chảy âm nhạc đang ngày càng đa dạng, NSND Quang Thọ cho rằng, việc các nghệ sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo và lan tỏa những sản phẩm mang giá trị cách mạng là điều vô cùng cần thiết. Đó là cách để dòng nhạc đỏ không chỉ sống còn mà còn lan xa, truyền lửa yêu nước qua từng thế hệ.
Trước Còn mãi với non sông, nhiều nghệ sĩ cũng đã có những dự án âm nhạc tri ân ý nghĩa. Có thể kể đến MV Bến sông đợi chờ của Sao mai Huyền Trang, hay ca khúc Đưa anh về của Phan Mạnh Quỳnh - viết từ câu chuyện có thật về người em gái dành cả đời đi tìm hài cốt các anh trai đã hy sinh.
Dù mỗi sản phẩm mang màu sắc khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định một điều: Âm nhạc luôn là cầu nối mạnh mẽ nhất để bày tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những giá trị trường tồn của dân tộc.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/am-vang-ky-uc-hao-hung-155994.html